Đề xuất vẫn tăng lương cho người nghỉ hưu, người có công từ 1.7

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/06/2020 16:25 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã cho rằng người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công là những người có thu nhập thấp nên vẫn cần tăng lương theo lộ trình.

Thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách chiều 15.6, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) nêu ý kiến về đề xuất chưa tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1.7.2020 theo lộ trình mà Nghị quyết Quốc hội đã quy định.
Theo đại biểu đoàn Phú Yên, với mỗi người dù thu nhập cao hay thấp, mỗi khi nghe nói đến tăng lương, nhất là thời điểm tăng lương sẽ đến thì ai cũng vui. Vì thế, khi Chính phủ đề xuất chưa tăng lương thì nhiều người sẽ buồn.

ĐBQH Đinh Văn Nhã (Phú Yên) tranh luận tại quốc hội vào chiều 15.6.2020

“Nếu đặt mình trong vị thế, tâm thế của người hưởng lương hưu thì chúng ta đều hiểu rằng, những người nghỉ hưu, hưởng lương hưu, chưa nói đến người hưởng trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi là những người có thu nhập thấp trong xã hội”, ông Nhã nói.
Từ đó, đại biểu Nhã đề nghị Chính phủ cần xử lý vấn đề tăng lương cơ sở một cách “hợp tình, hợp lý” bằng cách phân thành 2 nhóm đối tượng. Đối tượng thứ nhất là đối với người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp xã hội, ưu đãi có công với cách mạng thì vẫn cần tăng lương theo lộ trình từ 1.7.2020 theo lộ trình Quốc hội.
Trường hợp Chính phủ tính toán không cân đối được nguồn lực thì đề nghị áp dụng tăng lương với người nghỉ hưu từ năm 1995 trở về trước. “Đây là nhóm người có thu nhập rất thấp”, ông Nhã kiến nghị.
Nhóm đối tượng thứ 2, theo ông Nhã, là nhóm người vẫn còn đang làm việc (công chức, viên chức, lực lượng vũ trang) thì thống nhất tạm thời chưa tăng lương nhưng đến tháng 10 này kinh tế đạt được theo kịch bản số 1 là 4,9% thì đề nghị Chính phủ cân đối tăng lương từ 1.1.2021.

Phải báo cáo rõ chưa tăng lương sẽ kéo dài đến khi nào?

Đề xuất chưa tăng lương cơ sở đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận từ các đại biểu Quốc hội trong 2 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách tại Quốc hội. Trong phiên thảo luận ngày 13.6, đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) cũng đề nghị thực hiện tăng lương theo lộ trình với người có công, đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí để đảm bảo an sinh xã hội.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, đánh giá việc tạm dừng tăng lương cơ sở chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ vì đa số công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thực sự yên tâm về việc này.
“Lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng, làm giảm sức mua của người dân, thì việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương. Đồng thời, đa số công chức, viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn, tính dưỡng liêm sẽ bị giảm sút”, bà Xuân nói và cho rằng, giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay là tiết kiệm chi tiêu, đầu tư công phải thật hiệu quả và chống lãng phí, thất thu, thất thoát trong mọi lĩnh vực.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, chủ trương chưa tăng lương mặc dù còn băn khoăn nhưng sẽ được ủng hộ. Tuy nhiên, ông Thắng đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này, báo cáo rõ việc chưa tăng lương cơ sở sẽ kéo dài đến bao lâu và nguồn lực giành được là bao nhiêu, và sẽ sử dụng vào mục tiêu gì để đại biểu Quốc hội cũng như người dân biết, chia sẻ và ủng hộ.
“Phải xem nguồn lực có được này là sự hy sinh, đóng góp có trách nhiệm của những người hưởng lương với quốc gia, với dân tộc, rất đáng được ghi nhận, nhưng chỉ là giải pháp trong ngắn hạn”, ông Thắng nói, đồng thời đề nghị, với những người hưởng lương hưu, cán bộ có công hoặc các nhóm đối tượng cụ thể quá khó khăn thì cần có chính sách khác phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.