Ngày 31.7, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, Trung tâm đang hoàn chỉnh đề án thí điểm xe buýt mini (xe buýt cỡ nhỏ) để trình lấy ý kiến Sở GTVT TP trong tuần này.
Theo ông Trung, TP.HCM nhiều hẻm, đường nhỏ, có tới 46% đường khổ rộng dưới 7 m không đủ để tổ chức hoạt động xe buýt. Theo khảo sát, 85% người dân thành phố sống trong hẻm. Với đặc thù này, cộng với sự tăng trưởng ngày càng lớn của phương tiện cá nhân, các phương tiện giao thông cộng mà cụ thể là xe buýt rất khó thu hút.
Đơn vị này đề xuất xây dựng 30 tuyến buýt mini với 350 xe 12 chỗ có khả năng di chuyển đón khách tại các hẻm rộng từ 4 - 6 m. Xe buýt mini có chức năng trung chuyển, gom khách kết nối đến xe buýt chính, gắn chặt với hoạt động đưa rước học sinh và sau này là đầu mối chuyển khách tới các tuyến metro. Mục tiêu trong bán kính không quá 200 m, người dân có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm giao thông công cộng.
Được biết, các xe buýt mini sẽ được thiết kế đặc biệt, nhận diện thương hiệu riêng của TP.HCM, giống như đến Thái Lan có xe tuk tuk. "Nếu được phê duyệt, Trung tâm sẽ khảo sát địa hình từng khu vực, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân, dự kiến triển khai thí điểm tại quận 1, quận 10 và quận Tân Bình, bắt đầu từ năm 2019" - ông Trung thông tin.
Chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam cho rằng một số nước và lãnh thổ có hệ thống giao thông công cộng phát triển như Singapore, Hồng Kông... sử dụng cả 3 loại gồm xe buýt thường, buýt nhanh (BRT) và buýt 2 tầng. Phổ biến vẫn là xe buýt thường có sức chở tối đa 80 khách.
TP.HCM cũng nên sử dụng đa dạng các chủng loại buýt, trong đó bắt buộc phải có xe buýt mini sức chứa từ 16 - 30 chỗ. “Đây là lực lượng quan trọng vì TP có nhiều hẻm, đường nhỏ, xe buýt lớn đi vào sẽ gây tắc đường và lưu lượng khách không đủ để chạy nhiều tuyến. Xe buýt mini linh hoạt, nhỏ gọn sẽ phát huy hiệu quả tốt”, ông Nam nói.
Bình luận (0)