Ngày 8.5, GS - TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Ủy ban hỗn hợp Khoa học và sản xuất nhà nước, Trung tâm Khoa học và thực nghiệm Tài nguyên sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Belarus) vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hợp tác quốc tế về nghiên cứu đa dạng, phân bố và khả năng sử dụng các loài rắn Việt Nam và Belarus.
Trong 2 năm (2019 - 2020), nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát về các loài rắn ở miền Bắc Việt Nam, trong đó ghi nhận 61 loài rắn ở tỉnh Sơn La, 39 loài rắn ở Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), 42 loài ở tập trung ở khu vực rừng thuộc 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh... Các kết quả chính của nhiệm vụ đã được công bố trên các tạp chí SCI-E và Scopus.
Về giá trị bảo tồn, các nhà khoa học đã ghi nhận 8 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 2 loài có tên trong Danh lục Đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (2020) và 3 loài đặc hữu của Việt Nam...
Đối với phòng tránh rắn độc cắn, theo thống kê của nhóm nghiên cứu, trong 2 năm 2019 - 2020, đã ghi nhận 921 ca rắn cắn điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Trong đó, đã xác định có 17 loài rắn cắn người gồm 12 loài rắn độc và 5 loài không có nọc độc.
Do đó, đề phòng tránh rắn cắn ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các trường hợp rắn cắn và các loài rắn độc; tăng cường hợp tác giữa cán bộ y tế và các nhà khoa học nghiên cứu về rắn với người dân trong việc xác định loài, sơ cứu và điều trị rắn cắn; xây dựng tài liệu nhận dạng nhanh các loài rắn độc thường gặp để phục vụ công tác phòng tránh và điều trị rắn cắn đặc biệt là các cơ sở y tế cấp huyện.
Đặc nhiệm, nhóm nghiên cứu đề xuất có kế hoạch phát triển các loại huyết thanh kháng nọc để điều trị các loài rắn độc thường gặp ở Việt Nam (rắn hổ mang, rắn lục xanh, rắn cạp nong, rắn cạp nia).
Về tiềm năng sử dụng các loài rắn, GS - TS Nguyễn Quảng Trường cho hay: “7 loài rắn có thể sử dụng làm sinh vật cảnh, 8 loài được người dân địa phương sử dụng làm dược liệu hoặc làm thực phẩm, 10 loài rắn có nọc độc có thể sử dụng làm đối tượng nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất huyết thanh kháng nọc”.
Xét về khía cạnh bảo tồn, nhóm nghiên cứu đã xác định 2 nhóm nhân tố tác động đến các loài rắn là mất và suy thoái sinh cảnh sống; khai thác làm thực phẩm và buôn bán.
Bình luận (0)