Đề xuất xây dựng trung tâm phòng ngừa khủng hoảng và tự sát tại TP.HCM

16/10/2021 14:55 GMT+7

'Các quốc gia phát triển và ngay cả các quốc gia trong khu vực châu Á đều có trung tâm xử lý khủng hoảng và phòng ngừa tự sát', TS Lê Minh Công, chuyên gia tâm lý nói và đề nghị TP.HCM sớm xây dựng trung tâm tương tự.

Sáng 16.10, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực về kinh tế, y tế, xã hội.

TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết đại dịch Covid-19 là một khủng hoảng y tế toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội, trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân.

TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM

TTBC TP.HCM

Nhân viên y tế trước áp lực tôn vinh là “anh hùng”

TS Công dẫn chứng báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy các nhóm dễ tổn thương về sức khỏe tâm thần bao gồm: nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu; công nhân, lao động phi chính thức, lao động tự do, người di cư; phụ nữ, trẻ em có nhu cầu đặc biệt; người có vấn đề về sức khỏe tâm, bệnh lý nền và bệnh nhân Covid-19.

Về xu hướng tâm lý, người nhiễm Covid-19 trải qua thời gian mắc bệnh, hay chứng kiến cái chết của người thân, sự bất lực không thể xử lý tình huống cá nhân thường đổ lỗi cho chính quyền. Họ cũng trải qua nỗi sợ hãi vì không kiểm soát được bệnh tật, lo lắng lây nhiễm cho người thân.

Hội thảo do UBND TP.HCM tổ chức quy tụ nhiều chuyên gia về kinh tế, y tế, tâm lý...

TTBC tp.hcm

Các nhân viên tuyến đầu đối mặt với khối lượng công việc, áp lực công việc gia tăng cũng như nguy cơ bị lây nhiễm, đối diện với sự cô lập, phân biệt đối xử và kiệt sức nghề nghiệp. Mặt khác, việc xã hội đánh giá cao và tôn vinh họ như những anh hùng trong cuộc chiến cũng gây áp lực về tâm lý, điều chỉnh hành vi khi trở lại cuộc sống bình thường.

Đối với người lao động, cuộc sống khó khăn về kinh tế, áp lực của giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến căng thẳng, cảm xúc tiêu cực và truyền cho con cái…

Cần phát hiện sớm và sơ cứu khủng hoảng tâm lý ban đầu

Đánh giá việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân là nhu cầu bức thiết, TS Lê Minh Công đề xuất một số giải pháp áp dụng cho 3 nhóm nguy cơ.

Đối với nhóm nguy cơ thấp là hầu hết người dân, TP.HCM cần xây dựng chiến lược phòng ngừa phổ quát, toàn dân, thúc đẩy nâng cao nhận thức cộng đồng về Covid-19 và sức khỏe tâm thần. Trong đó, cần thống nhất một kênh truyền thông duy nhất và minh bạch các dữ liệu thông tin về dịch bệnh giúp người dân an tâm, sàng lọc những thông tin sai lệch, độc hại.

Nhân viên y tế chịu nhiều áp lực trong những ngày tháng căng thẳng ứng phó với dịch Covid-19

sỹ đông

TP.HCM cần đặt mục tiêu rõ ràng cho quá trình xử lý tình hình dịch bệnh và thông tin rõ ràng đến người dân, cộng đồng; chú trọng truyền thông giảm định kiến, kỳ thị đối với người nhiễm Covid-19, người thân của họ và nhân viên y tế sau này. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phòng ngừa sức khỏe tâm thần cộng đồng, thúc đẩy chương trình sức khỏe tâm thần trong trường học, nơi làm việc.

Đối với nhóm nguy cơ trung bình, TS Công liệt kê một số trường hợp điển hình như nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu; công nhân, lao động tự do; phụ nữ, trẻ em có nhu cầu đặc biệt và người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Vị chuyên gia tâm lý này đề xuất xây dựng một trung tâm phòng ngừa khủng hoảng và tự sát cấp thành phố.

Trung tâm sẽ tiếp nhận và xử lý khủng hoảng ban đầu của người dân liên hệ, có thể thông qua một tổng đài với hệ thống chuyên gia trực để xử lý. Có thể đánh giá hiệu quả từ mô hình tư vấn khủng hoảng, sơ cứu ban đầu như chương trình “vắc xin tinh thần” của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

“Các quốc gia phát triển và ngay cả các quốc gia trong khu vực châu Á đều có trung tâm xử lý khủng hoảng và phòng ngừa tự sát”, TS Công nói.

Khi tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế

Đối với nhóm nguy cơ cao là những người thuộc 2 nhóm trên cần được điều trị chuyên sâu, TS Công đề nghị duy trì đầu tư, hỗ trợ các dịch vụ y tế cơ bản trên cơ sở hệ thống sức khỏe tâm thần có sẵn, bao gồm cả tư nhân và nhà nước. Đồng thời, TP.HCM cần tính đến việc phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần và phát triển nhân lực ở lĩnh vực này; triển khai hướng dẫn thăm khám và điều trị tâm thần từ xa. “Các vấn đề sức khỏe tâm thần của con người trong đại dịch Covid-19 không chỉ là ngắn hạn mà còn có thể kéo dài, di chứng kể cả sau khi đại dịch đi qua. Do vậy, cần phải xem xét và xây dựng các chiến lược lâu dài”, TS Lê Văn Công đúc kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.