Vào Đảng không phải để cho... sang
Là đảng viên trẻ được kết nạp từ khi học THPT, Lục Thị Doanh, sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Vinh, chia sẻ từ khi vào Đảng đã tự cảm thấy có nhiều động lực cố gắng phấn đấu, đặt ra nhiệm vụ cho bản thân mình. Đó là phải nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức để áp dụng thực tiễn, trau dồi lý luận, kiên định với lập trường của bản thân, với mục tiêu chính trị của Đảng. Doanh cho rằng đảng viên trẻ cần phải đóng góp cho cộng đồng xã hội bằng những việc làm thiết thực. “Ở trường ĐH, tôi đã tham gia hoạt động tình nguyện. Hoạt động tình nguyện giúp tôi thấu hiểu mọi vấn đề trong xã hội, trưởng thành, phát triển hơn”, Doanh bày tỏ.
Theo Doanh, trong môi trường mà thế lực thù địch vẫn lợi dụng hạn chế của mạng xã hội để đưa thông tin xấu, đi ngược lại quan điểm của Đảng thì mỗi đảng viên phải rèn luyện nhân cách, phẩm chất và lối sống lành mạnh, chủ động tìm kiếm thông tin; kiên trì con đường đã chọn. Bên cạnh đó, Hội Sinh viên cần tạo ra môi trường hoạt động lành mạnh nhiều hơn để đảng viên trẻ, thanh niên thể hiện bản thân mình. Thông qua hoạt động, người trẻ mới được trải nghiệm, cống hiến và trưởng thành.
Phải hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mới biết làm gì để xứng đángDiễn đàn có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ Đoàn, đảng viên trẻ...
Tại diễn đàn, PGS-TS Vũ Tình, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng cần làm cho thế hệ trẻ hiểu về sự “tận tâm, tận lực, tận tuệ” của Đảng trong quá trình lãnh đạo dân tộc thực hiện lý tưởng cộng sản. Ông Tình nêu vấn đề, trong bài Khát vọng tuổi trẻ mà đoàn viên, thanh niên hay hát có câu “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta” nhưng tại sao lại không hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta? “Phải đặt câu hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta để trả lời ta phải làm gì để xứng đáng với những gì Tổ quốc đã cho ta”, ông Tình nói và cho rằng khi tuổi trẻ đặt câu hỏi ấy là lúc ôn lại truyền thống, lịch sử của dân tộc, của Đảng để thấy trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai.
|
Cũng là một đảng viên trẻ, Nguyễn Thị Thanh Ngân, sinh viên Khoa Luật, Viện ĐH Mở Hà Nội, cho rằng mục tiêu phấn đấu vào Đảng của Ngân không phải để cho... sang, mà để có môi trường rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. “Khi vào Đảng, tôi đã trưởng thành hơn, có nhận thức đầy đủ hơn để thúc đẩy cho sự phát triển của bản thân”, Ngân chia sẻ.
“Mục tiêu của Đảng luôn theo đuổi tôi”
Là một thanh niên tiêu biểu trong lĩnh vực khởi nghiệp, anh Phan Thanh Sang, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, cho biết anh đã đứng vào hàng ngũ của Đảng vì thấy rằng mục tiêu lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. “Đây cũng chính là điều luôn theo đuổi tôi trong quá trình lập thân, khởi nghiệp”, anh Sang nói.
Theo anh Sang, vai trò của đảng viên trẻ trong quá trình khởi nghiệp rất quan trọng. “Bản thân tôi tham gia hiệp hội hoa, hiệp hội ngành nghề của địa phương và biết nhiều người có tư tưởng chưa tốt, đòi hỏi chúng ta luôn phải giữ vững bản lĩnh chính trị để góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và bảo vệ nền tảng tư tưởng, để góp phần nâng cao nhận thức cho họ”, anh chia sẻ.
Sẽ triển khai đợt hoạt động mớiKết thúc diễn đàn, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho rằng diễn đàn đã đạt được 5 mục tiêu đặt ra, trong đó đoàn viên thanh niên sẽ là những người có trách nhiệm chung tay và hiện thực hóa những mục tiêu của Đảng trong quá trình lãnh đạo. Chính sự chung tay trách nhiệm đó sẽ mang đến những giá trị mà chúng ta chính là những người thụ hưởng trong thành quả chung của Đảng, thành quả chung của sự phát triển đất nước.
Anh Phong cho biết sau đợt hoạt động cao điểm trong toàn quốc về Tuổi trẻ Việt Nam sắt son niềm tin với Đảng, với chủ đề công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Việt Nam năm 2020 là Tuổi trẻ Việt Nam tự hào tiến bước dưới cờ Đảng, bắt đầu từ 1.3, khi chính thức khởi động Tháng thanh niên 2020, Ban Bí thư sẽ triển khai đợt hoạt động mới trong đoàn viên thanh niên là hoạt động Tự hào tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ.
|
Đặc biệt, anh Sang cho biết bản thân mình luôn hướng mọi người vào tinh thần yêu nước, yêu quê hương. “Chúng tôi cho họ tham gia các chương trình, ví dụ đi Trường Sa... để họ thấy được sự vất vả, khó khăn nơi biên cương, hải đảo, để họ sống tốt hơn, đoàn kết hơn”, anh Sang nói và bày tỏ mong muốn cần giáo dục người trẻ tinh thần khởi nghiệp để xây dựng đất nước, thay vì chỉ mong vào làm trong cơ quan nhà nước.
Việt Nam là nơi “ra đi để trở về”
Làm việc tại Trường ĐH Cambridge (Vương quốc Anh) nhiều năm, nhưng tiến sĩ Lê Duy Anh vẫn quyết định trở về Việt Nam để làm giảng viên Trường ĐH Kinh tế Hà Nội. Nói về sự trở về này, tiến sĩ Anh cho biết là một nghiên cứu sinh trong ngành kinh tế phát triển, anh đã được tiếp cận, học nhiều lý thuyết về kinh tế, phát triển và nhận ra tất cả các lý thuyết, mô hình đều có mặt mạnh, mặt yếu và đều có thử thách.
“Việt Nam ngày hôm nay tôi thấy rằng tuy còn phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng chúng ta đã có những thành tựu rất tốt; chúng ta hội nhập sâu rộng, duy trì ổn định về chính trị, có những bước tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và đã gia nhập câu lạc bộ các nước thu nhập trung bình, hướng tới nhóm nước thu nhập cao... Các thành tựu này từ góc nhìn của du học sinh, tôi thấy rằng đã thể hiện thành tựu của Đảng cầm quyền và của đất nước, đưa Việt Nam thoát khỏi nghèo đói, phát triển nhanh và ổn định”, tiến sĩ Anh đánh giá.
Đồng thời, tiến sĩ Anh cho rằng những kết quả đó cho thấy Đảng, Chính phủ đang đi đúng hướng và phải hiểu lịch sử để trân trọng những cái ta đang có ở thời điểm này. Tuy nhiên, còn một bộ phận du học sinh chưa nắm được thông tin, chủ trương, thành tựu của đất nước, có những suy nghĩ sai lệch, đòi hỏi có những thay đổi về thể chế, chính trị tại Việt Nam. “Với tôi, ở Việt Nam chúng ta đang giữ nền chính trị ổn định, để cùng nhau phát triển. Đó là cái nên được trân trọng. Một số bài học như Syria, Libya, Hồng Kông khi một nền chính trị bị phá vỡ thì ảnh hưởng xã hội là rất trầm trọng”, tiến sĩ Anh nói.
Từ những phân tích của mình, tiến sĩ Anh cũng vui mừng cho biết nhiều bạn bè anh ở khắp năm châu đã trở về nước lập nghiệp hoặc có kết nối với Việt Nam để xây dựng quê hương. Điều này chứng minh một niềm tin rất lớn, mạnh mẽ vào tương lai, sự phát triển của đất nước, trong đó có niềm tin vào Đảng cầm quyền và nhà nước Việt Nam hiện nay. “Tôi khẳng định niềm tin của du học sinh vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tốt hơn nữa trong việc trở thành quốc gia đáng sống, đáng để trở về cho tất cả những người con xa xứ”, tiến sĩ Anh bày tỏ.
Bình luận (0)