Đó là chuyến xe cuối cùng của năm cũ, HT 14, xuất bến lúc 23 giờ. Xe dừng lại vài trạm trước cửa ngõ thành phố để rước thêm dăm ba khách muộn nữa là tăng tốc chạy hối hả. Ai cũng vội, không ai nhìn ai, người đã an vị trên xe lẫn kẻ mới bước lên. Trời se lạnh; sùm sụp áo mũ khẩu trang mỗi người một cõi im lìm, và bóng tối thì mịt mùng thi thoảng vài ánh đèn đường quét ngang rọi rõ từng sợi mưa đang buông. Không khí đón năm mới tưng bừng sáng choang nơi phố thị nhưng ra tới quốc lộ thì chỉ là sự quạnh quẽ nhá nhem, đến cả những chuyến xe hiếm hoi còn trên đường cũng lặng lẽ phóng nhanh mất hút vào màn đêm.
HT 14 vốn là dòng xe trung chuyển của hãng nhưng được bố trí lại thành xe chạy đường dài mang trong lòng của nó không quá mười hành khách, ắt phải là những người đang lắm nỗi niềm chật vật tâm tư bởi họ sẽ phải đón giao thừa ngay trên ghế cá nhân lướt vùn vụt xuyên đêm. Cái khoảnh khắc đếm từng giây chờ năm cũ chuyển giao giữa những tình thân luôn thiêng liêng, nên khi phải một mình là điều không ai mong muốn, thậm chí còn hoang mang.
Xe lên đèo khi đã quá nửa đêm và bắt đầu uốn lượn theo con đường một bên là vực sâu, bên là vách đá dựng đứng. Mưa vẫn không ngừng. Cả xe chìm trong sự im lặng đặc quánh đến cả hơi thở nặng nề trong giấc ngủ chập chờn cũng phải dè chừng. Một cú chao nhẹ như bị trượt khiến tài xế buột miệng "chết chà" làm tất cả bừng tỉnh.
"Sao, sao, có gì không?".
"Không có gì đâu, chỉ là lớp đất nhão trên đường".
"À, mưa quá mà, cả ngày nay luôn. Chắc đất trên núi trôi xuống".
Người vừa hỏi là giọng nam ngồi phía trên gần tài xế. Phía sau vẫn im lặng nghe ngóng, ai cũng ngồi thẳng lưng lên như chờ đợi và đều biết đây là con đèo đầy bất trắc trong mưa lũ.
Xe lại tiếp tục loạng choạng lao đi, thiện nghệ ôm qua một cái cua tay áo.
Ấm. Ầm. Ầm. Tiếng đất đá đổ sạt rền vang như sấm động ngay phía sau, chỗ có lớp đất nhão mà xe vừa đi qua. Mặt đất rung chuyển. Ánh đèn xe xuyên qua màn mưa xám xịt vẫn nhìn thấy rõ một quả đồi con con tự dưng sụt sùi mọc dần lên choáng hết cả lòng đường, đất đá đổ từ trên vách núi xuống cuồn cuộn như thác. Gần như tất cả đều rú lên thất thanh. Chiếc xe run rẩy chậm lại rồi dừng hẳn. Nếu không may mắn thì cả chiếc xe này cũng đã trôi theo dòng thác đó rồi.
"Sạt đèo rồi, chạy mau đi".
"Sao lại chạy, muốn chết hả".
"Giờ muốn sao, nó đang sạt lở tiếp đó".
"Trời ơi làm sao bây giờ?".
"Mọi người bình tĩnh cứ ngồi yên để tui gọi cứu hộ trước đã, không biết phía trước có an toàn không để mà chạy tiếp đây. Alo, alo… ai đó, phải phải xe HT 14 đây. Sạt đèo rồi, ngay Km 65. Không sao, xe mới đi qua chưa đầy 3 phút. Xe nào phía sau hả, chắc không có đâu đường vắng lắm. Cái gì, chiều xuống đèo vẫn đang thông hả, ok, ok, tranh thủ ngay. Biết rồi, khổ quá tết với nhứt".
"Cứu hộ nói sao? Đi tiếp hả bác tài?".
"Đèo còn dài lắm thì phải, đi tiếp lỡ sạt bất thần thì sao?".
"Vậy đứng yên ở đây thì không bị à, giờ phải thoát khỏi con đèo này càng nhanh càng tốt chớ".
"Ai mà biết trước được chuyện gì. Sợ quá…".
"Phía bên kia đèo cũng không an toàn lắm đâu, mới năm ngoái đây…".
"Phải đi tiếp thôi chớ biết sao giờ, lạy trời…".
"Đang đi đừng có nói mấy chuyện xui rủi đó".
"Đầu bên kia không biết sao nữa, nãy giờ cũng khá lâu có thấy xe nào chạy ngược lại đâu".
"Cũng có thể họ đã được thông báo tắt đèo khúc này rồi nên chuyển hướng. Thôi quyết định đi tiếp, giờ cứ van vái ông bà phù hộ".
Sau câu chốt hạ của tài xế thì mọi người im bặt, chỉ nghe lầm rầm tiếng niệm Phật, cầu kinh. Có vài tiếng ì ầm từ xa không rõ là tiếng sấm hay sự chuyển động của núi rừng. Xe dọ dẫm di chuyển dưới mưa xối xả, không khí trong xe bắt đầu đông cứng lại, những đôi mắt nhìn nhau đầy lo âu và cùng mở to trừng trừng vào màn đêm. Có tám người cả thảy tính luôn tài xế, bốn nam bốn nữ không trẻ cũng chẳng già và hoàn toàn xa lạ nhau.
Không ai trong số họ nói chính xác được thời gian xảy ra tai họa kể từ khi xe rời điểm sạt lở đầu tiên. Phước bất trùng lai, HT 14 không tránh được cơn thịnh nộ của sơn lâm, nó lao đầu trong cơn vô định vào một khối đất đá khổng lồ vừa đột ngột hiện ra đổ chài trên đường và mắc kẹt lại ở đó. Có lẽ tất cả đã cùng mụ mị đi trong vài giây hoặc mươi phút, khi tỉnh hồn họ mới nhận ra được tình thế tiến thoái lưỡng nan của mình.
Xe không bị lật, nhưng cũng không nhúc nhích được nữa và dường như nó đang nghiêng dần. Không ai bị thương dù bị va đập ít nhiều khi xe đứng khựng lại. Cửa không bật ra được vì bị bùn đất khóa chặt, và không có cái điện thoại nào còn bắt sóng. Bên ngoài vẫn tối đen và mưa như trút. Vài tiếng khóc bật lên.
"Yên hết, yên hết đi, giờ mà nhốn nháo là xe lật luôn đó".
"Không ra khỏi xe được đâu, mọi người bình tĩnh đi, dù bị mắc kẹt nhưng xe đang ở chỗ trống trải lắm không có gì nguy hiểm nữa".
"Mắc kẹt thôi cũng đủ chết rồi".
"Đang sống nhăn mà nói gì vậy".
"Phía trước có điểm sạt lở nữa rồi. Vậy là mình bị chặn đầu chặn đuôi rồi hả trời".
"Mọi người ráng chờ một chút, ngớt mưa là tui sẽ tìm cách phá cửa ra ngoài, trèo qua đống đất đá này may ra kiếm được chỗ có sóng điện thoại mà cầu cứu. Tui biết đường đi mà, qua hết dãy vách núi này là có nhà dân trong rẫy".
"Bác tài nói đúng đó, tui sẽ đi với ông, thêm người hỗ trợ nhau".
"Ờ cũng được".
"Tụi tui đi với…".
"Không cần đâu, chỉ tìm nơi để gọi điện thoại thôi mà. 6 người cứ ở yên trong xe, đừng đi lung tung".
"Chúng ta làm gì đây?", giọng nam trầm ở lại lên tiếng, sau khi hai người kia rời đi được 15 phút.
"Sao lâu quá vậy?", giọng nữ thút thít.
"Mới đi mà, biết đã trèo qua được cái đống đất đá này chưa, với lại thường phải xuống đèo gần hết mới có sóng điện thoại", giọng nữ nhẹ nhàng.
"Đó là trong điều kiện bình thường, chứ như hiện nay thì e rằng mấy cái trạm phát sóng trên cao cũng đổ cả rồi", giọng nam thứ hai người vùng ngoài.
"Biết hai người đó có an toàn không nữa, tội nghiệp quá, lạy trời lạy Phật…", giọng nữ khác run run.
"Kể đang vầy đây cũng là phước lớn mạng lớn rồi, mọi người chắc chắn sẽ bình an thôi", giọng nữ còn lại lên tiếng chậm rãi có vẻ lớn tuổi.
"Chờ ở đây là êm rồi. Sáu người mình gặp nhau đây cũng gọi là cái duyên, sẵn tiện mình làm quen đi được không?", giọng nam trầm.
Có vài tiếng cười nhẹ hưởng ứng xen lẫn thở dài.
"Ông này lạc quan ghê".
"Thì đằng nào cũng cùng thuyền rồi, ai biết chuyện gì sắp xảy ra".
"Gọi là không sinh cùng ngày hả…".
"Ăn với nói, bỏ đi, từ giờ phút này cấm không ai được nói chuyện gì không hay nữa".
"Phải đó. Ai có chuyện gì vui nói nghe chơi cho đỡ sốt ruột. Không biết hai người kia bao giờ mới quay lại".
"Giờ này mà còn nghĩ ra được chuyện gì vui mới lạ".
"Chẳng lẽ bó gối chờ…".
"Thôi không cần vui, chuyện vì sao mà lại có mặt trong chuyến xe đêm ba mươi cũng đáng nghe rồi. Không phải sao, ai lại muốn đi trên chuyến xe vét như vầy chứ. Giờ này nhà ai chẳng đông đủ ấm cúng".
"À, đúng đó", giọng nữ lớn tuổi. "Tui lên thành phố nuôi con dâu đẻ nè, ai mà tính trước được ngày sanh chớ. Đưa nó ra viện về thẳng quê ngoại luôn tới phiên mình quay về thì đúng ngày này. Không đi về không được. Ba ngày tết còn cúng quảy, mồ mả, sao đóng cửa lạnh tanh được nên giá nào cũng phải về nhà. Ai mà có dè còn đúng mỗi chuyến này".
"Thiệt luôn". Giọng nữ trẻ rầu rĩ. "Số mình mới đen đủi. Có tính đi N đâu, công ty cần người ở lại trực cơ quan ba ngày tết, trả lương cao nên mình mới ham. Đã về nhà được mấy hôm rồi mà thấy buồn quá nên thôi quay lại. Giờ thì mới thấy hối hận".
"Tui thì về chịu tang mẹ, trời long đất lở gì cũng phải về. Còn ông bạn? Có lý do gì lên chuyến xe này?", giọng nam thứ hai.
"Chuyện của tôi dài lắm, kể ra sợ mọi người nghe mệt mỏi", giọng nam trầm.
"Chớ giờ có gì làm đâu mà không nghe, trong hoàn cảnh tối mò này ai cũng như ai, có chuyện nghe để khỏi nghĩ quẩn là tốt rồi…".
"… Tôi phải có mặt ở N trước bảy giờ sáng để chia tay người mà mình yêu thương, đó là lý do phải lên chuyến xe cuối cùng này".
"Chia tay? Làm gì mà gấp gáp phải đi ngay trong đêm ba mươi? Nghe giọng thì ông không phải là người ở N rồi ha".
"Tôi ở thành phố. Người ấy là mối tình đầu của tôi. Hai mươi năm sau tôi mới gặp lại nàng ở N, khi ấy nàng đang là một góa phụ nuôi bầy con bốn đứa một trai ba gái".
"Chà, ngó bộ tình cũ không rủ cũng tới rồi".
"Mối tình này chưa bao giờ cũ trong tôi. Tôi luôn nhớ đến nàng, ngồi một mình nhớ đã đành mà trong đám đông cũng vẫn nhớ, ngay cả sau khi lấy vợ, con cái dâu rể đề huề rồi mà tôi vẫn không nguôi thương nhớ nàng".
"Xin lỗi, ông anh đang đọc tiểu thuyết à?".
"Giống lắm hả?".
"Chớ thời buổi này nói chuyện yêu đương nghe hoang đường quá".
"Để cho ổng kể tiếp đi mà, sao cũng được, có tiếng người nói vẫn hơn".
"Vậy mời chương trình đọc truyện nửa đêm về sáng bên bờ vực tiếp tục".
Nhiều tiếng cười phụ họa, vẻ như sinh khí đang dần len vào từng người.
"Tất nhiên khi gặp lại và đến với nhau chúng tôi không nghĩ đó là ngoại tình mà vẫn cho là định mệnh. Cũng là một cách biện hộ thôi mà. Ngoại tình bao giờ cũng mang hàm ý xấu, vụng trộm, xà xẻo, tranh đoạt… Giữa hai chúng tôi và gia đình của hai bên hoàn toàn không có chuyện này. Dường như có một quy ước ngầm dù không ai nói ra, rằng phải sống tử tế hơn nữa sau những giây phút chiều chuộng cảm xúc cá nhân. Tôi vẫn đi đi lại lại về N bên nàng bất kỳ khi nào có điều kiện. Mọi thứ vẫn ổn cho đến khi đàn con của nàng trưởng thành, lập gia đình ra riêng…".
"Ngoại tình là không được rồi, kiểu gì cũng không chấp nhận".
"Chẳng lẽ phu nhân các hạ không biết?".
"Sau rồi cũng biết, vì tôi và nàng qua lại đã hơn 10 năm nay".
"Ôi, vậy là tan cửa nát nhà rồi".
"Không. Vợ tôi vẫn yêu quý nàng. Bi kịch đến từ phía khác".
"Cũng lạ. Nhưng những chuyện ngoại tình thường có kết thúc chẳng mấy vui vẻ".
"Chúng tôi không kết thúc. Chỉ là… không ai ngờ được bốn đứa con của nàng lại quay ra tranh chấp tài sản chung. Thỉnh thoảng nàng cũng tỏ ý chán nản muốn buông xuôi hết và đi đến một nơi nào đó thật xa để sống an yên, và tôi như lâu nay vẫn sẽ đồng hành với nàng bằng cách nào đó. Chúng tôi muốn trở thành những ông bà lão bên nhau".
"Cũng dễ mà, làm di chúc phân chia tài sản xong rồi tự lo cho bản thân mình thôi".
"Di chúc đã công bố".
"Ủa".
"Toàn bộ tài sản của nàng được chuyển cho đứa con trai, ba đứa con gái không có gì cả".
"Vậy là sao?".
"Tôi cũng không biết vì sao, tôi bỏ hết mọi chuyện để lên chuyến xe này khi chưa kịp nghĩ ra điều gì cả".
"Chẳng lẽ ông mong đợi gì khác ở tờ di chúc?".
"Tôi với nàng trên danh nghĩa là bạn thân, mong đợi gì chứ? Nhưng… bằng mọi giá tôi phải có mặt cạnh nàng ngay sáng hôm nay, nếu trễ thì… Tôi không tin chuyện vừa xảy ra, có nằm mơ cũng không nghĩ ra… Mới hôm trước chúng tôi còn gọi video call cho nhau".
"Xin lỗi, chuyện thừa kế nhà người ta mà làm ông khó ở sao? Sao ông nói là phải có mặt ở N trước bảy giờ để chia tay?".
"Các người nghĩ gì vậy? Tôi đã nói gì sai sao? Tôi muốn gặp nàng lần cuối, chỉ vì… sau bảy giờ sáng nay nàng sẽ vĩnh viễn biến mất. Vô lý thật, đúng không?".
"Trời".
"Tôi không tin, tôi phải được tận mắt nhìn nàng, chạm vào nàng. Tại sao nàng lại chọn cách này chứ?".
"Chọn là sao? Chẳng lẽ…?".
"Nàng đã bỏ lại tất cả để ra đi một mình. Quá tàn nhẫn. Quá sức vô lý. Hai chúng tôi đều là bác sĩ, không ai từng có ý nghĩ như vậy. Không thể có chuyện này được".
Không khí chùng xuống ngay tức khắc. Mưa tạnh từ bao giờ. Cảm giác bất an dường như đang tăng dần. Màn đêm như tối và dày hơn.
"Kiếp người. Sao lâu quá không thấy ai quay lại ta? Mới đó mà ba giờ sáng rồi".
"Hay chúng ta kéo nhau đi luôn? Chẳng lẽ cứ ngồi bó gối ở đây".
"Ở đây đang yên ổn mà đòi bỏ đi đâu, ráng đợi đi. Biết khúc đường đèo phía trước có thông không".
"Lạnh quá, ai có chuyện gì nóng nóng không?".
"Còn cô này, vì sao cô có mặt trên xe?".
Người được hỏi vốn kiệm lời từ nãy giờ, thu mình lắng nghe trong chiếc áo hoodie trùm kín đầu.
"Tôi đi công việc đột xuất nên không có lựa chọn nào, mà cũng không có gì đặc biệt. Hay tôi kể một chuyện khó nói được không? Là tôi cũng vừa nghĩ ra, vui thôi…".
“Được, được, kể đi. Cho vui nghen”.
“Cái cảm giác đứng bên bờ vực không biết tai họa ập tới lúc nào như bây giờ, nói thật, ai cũng phải trải qua một vài lần trong đời. Những lúc phải đối diện nó thì hình như những gì trước đây mình hay tự vấn đúng sai dường như vô nghĩa. Nên tôi muốn nói ra một lần chuyện này”.
“Là tự thú sao?”.
“Tùy mọi người nghĩ vậy”. Người đàn bà trong chiếc áo hoodie cười nhẹ. “Ở đây có hai đấng nam nhi nghe chuyện chắc phiền đó, nhưng thôi, nghe qua rồi bỏ giùm tôi. Hoặc cũng có khi tôi quan trọng hóa vấn đề quá”.
“Bà chị rào đón chi nhiều, ở đây có ai biết ai đâu. Chưa kể là tan hàng rã đám bất cứ lúc nào đây”.
“Phải, bên bờ vực mà…”.
“Chuyện này chỉ là chuyện tình một đêm theo cách gọi của chúng sinh nên thường thì chẳng mấy ai muốn nhớ lại hoặc quan tâm kể lể. Nhưng với một phụ nữ truyền thống thì lại lớn chuyện. Tôi vẫn thường được nhận xét là hiền, ít nói, trong sáng. Có lẽ do tôi khá vô tư và chưa bao giờ nghi ngờ dò xét thiện cảm người ta dành cho mình là thật hay giả, vì thật ra điều đó không mấy ảnh hưởng đến đời sống tình cảm cá nhân nên yêu thì cảm ơn mà ghét thì cũng kệ. Vả lại, quan trọng tôi không phải mẫu đàn bà đẹp. Trong những buổi tụ hội xa lạ mà có nhiều phụ nữ thì bao giờ tôi cũng bị trụt lại đằng sau, nếu có được sự chú ý của ai thì vì đó là những người đã từng biết về tôi ít nhiều.
Lần đó tôi cùng ở trong đoàn đi công tác với B. Trước đó B và tôi chỉ là mối quan hệ sơ giao, không thân cũng chẳng lạ. B quảng giao, bặt thiệp, mạnh mẽ. Về mặt chuyên môn thì tôi và B đều có vị trí riêng. Đêm cuối của chuyến công tác tôi không hề ngần ngại vui vẻ cùng đi uống nước riêng với B, anh ta ôm hôn tôi nồng nhiệt trong bóng tối. Lúc đó tôi cũng kịp nghĩ, mình không phải là gu của anh ta, chuyện này chẳng có ý nghĩa gì hết, mình chẳng có chút cảm xúc nào. Nhưng không có cảnh xô ra và tát vào mặt gã đàn ông như trong phim. Đã nói là tôi hiền và không muốn nghĩ xấu về người ta”...
“Chà, thấy sai sai rồi đó”.
“Thôi cho qua cái vụ hôn ẩu đi, coi như va quẹt. Mà chuyện chưa kết thúc đúng không?”.
“Đúng vậy. B đưa tôi về lại nơi lưu trú của cả đoàn, đẩy tôi vào phòng của y ta. Tôi xin cam đoan, trong bất kỳ mối quan hệ thể xác nào giữa hai người trưởng thành mà nếu người phụ nữ không đồng ý dù chỉ một chút thì cũng khó có cái gọi là cưỡng đoạt. Nên tôi không bào chữa cho hành vi của mình.
Chuyện sẽ chẳng có gì sau khi tôi nhanh chóng rời khỏi phòng y ta, và nhủ thầm sẽ vứt hết ra khỏi đầu những hình ảnh liên quan đến B. Tôi nghĩ, B cũng sẽ xóa bỏ nhanh như vậy sau khi nuốt trọng một món ăn mà chưa kịp nhấm nháp. Đọng lại trong tôi chỉ là chút ít tủi hổ, nhưng tôi đã tha thứ cho mình rồi.
“Còn B thì sao?”, một giọng nữ rụt rè cất lên sau khi người kể dừng lại độ mươi giây.
“Thì nói rồi đó, cùng quên ngay thôi”.
“Mỗi khi tình cờ chạm mặt tôi ở đâu đó, giữa chốn đông người, B đều tìm cách chạm vào tôi như ra hiệu nhắc nhớ, hoặc cào vào lòng bàn tay khi bắt tay nhau, hoặc vịn vai và bóp nhẹ khi tới bàn tiệc mời nâng ly, hoặc nháy mắt cười cợt. Tôi đã rất khổ sở vì điều đó. Mãi cho đến giờ phút này, tôi mới ngộ ra. Sự tủi hổ phù phiếm, sự bỡn cợt nhạt nhẽo. Kể từ nay tôi sẽ coi anh ta như một thứ tai nạn mà lỗi là do mình bất cẩn, còn B nghĩ gì tôi không quan tâm”.
“Một tai nạn do mình bất cẩn, vết thương đó sẽ chóng lành”.
“Cũng mất khá lâu đó, không dễ đâu. Cám ơn mọi người đã lắng nghe”.
“Phục chị, chuyện vậy mà kể lại nhẹ như bông”.
“Thì ai đó mới nói, chuyện kể bên bờ vực mà”.
“Tôi cũng có một tai nạn còn tệ hại hơn cả chị ấy, nhưng…”.
“Thì trong đời ai chẳng từng, nhiều khi sống để dạ chết mang đi…”.
…
“Trời sắp sáng rồi, mọi người ơi có nghe tiếng gì không…”
Từ trên những đống đất đá đổ nát ngổn ngang phía xa xa kia xuất hiện nhiều ánh đèn pin, có cả tiếng ì ì của xe cơ giới. Ai nấy vùng dậy vẫy tay reo hò, tiếng khóc tiếng cười nhốn nháo.
“Sống rồi bà con ơi, sống lại thiệt rồi…”.
“Hoan hô bác tài, hoan hô người anh em, hoan hô…”.
“Trời ơi giờ tui mới dám khóc nè…”.
“Chúc mừng năm mới đi mọi người ơi, chúc mừng năm mới…”
“Chúc mừng, chúc mừng…”
Đội cứu hộ đã mở được lối đi để đưa người ra khỏi vùng sạt lở. Bên kia đã có xe chờ sẵn để nối tiếp chuyến đi. Ai nấy hăm hở tháo chạy. Trời vẫn chưa đủ sáng để tỏ mặt người. Phải thoát ra khỏi nơi này càng nhanh càng tốt.
Nên sẽ không biết được ai là chủ nhân của những câu thoại trong đêm bên bờ vực, tất cả rồi sẽ trôi vào lãng quên…
Bình luận (0)