Vợ chồng cũ - Truyện ngắn của Ái Duy

19/07/2020 06:11 GMT+7

Chồng cũ cứ tới ngày là nhắn tin, chúc em sinh nhật xy vui vẻ hạnh phúc, xy là số tuổi thay vô hàng năm.

Lễ lạt chả liên quan gì cũng vậy, dù Đoan ghét nhứt vụ đồng ca tập thể. Giao thừa cũng soạn sẵn cái tin chúc tết thiệt dài đợi pháo hoa đầu tiên bùng lên là bấm gởi. Nhiều năm bị tổ trác do nghẽn mạng, tin nhắn treo luôn đến trưa mùng một mới tới. Chắc là thật lòng, mà lần nào nhận Đoan cũng nghe hận hận cay cay. Không có mấy dịp này là tiệt luôn cơ hội thăm hỏi sao.
Đoan và chồng cũ chia tay đường ai nấy đi sau khi đã ăn ở với nhau gần mười năm trời, lý do bất khả kháng đầy bi kịch bởi người này đều biết rõ người kia vẫn còn yêu mình tha thiết. Không con chung, dù chồng cũ ngày xưa vẫn thường hay ao ước, nếu mình có con thì con chúng ta sẽ đẹp đẽ thông minh như này như nọ. Riết sau này, mỗi lần có ai tán tỉnh mà chỉ cần đề cập đến viễn cảnh có những đứa con là Đoan rung rinh.
Sau ly hôn, chồng cũ chuyển công tác về quê rồi lấy người vợ mới mà cũ hồi đó với lời hẹn ngoái lại: “Khi nào em bảy mươi tuổi, nếu còn duyên anh sẽ trở về bên em”. Đùa nhau à. Đoan khi đó mới ngoài ba mươi, lại còn son như con thuyền mất neo trôi tình tang khắp chốn, rảnh đâu mà cắm sào chờ đến lúc đó. Thi thoảng gặp lại cả hai vợ chồng chồng cũ, đôi bên vẫn thảo mai vui vẻ nhưng tranh thủ lúc vợ mới đi toilet, chồng cũ lại nói, “anh nhớ em, anh yêu em lắm, à mà thôi”… Vợ mới của chồng cũ vừa già vừa mập vừa xấu hơn Đoan, không biết ăn nói lẫn sành điệu bằng, mù internet, lúng túng thấy rõ khi lựa chọn thái độ giao tiếp với vợ cũ của chồng. Đoan thấy dửng dưng, thậm chí còn tội nghiệp.
Biết trách ai đây. Đoan và chồng ngày ấy ưng nhau cứ như bị trời khiến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Yêu lăn lóc, yêu như chưa từng. Trong lòng nhau mà cứ thắc thỏm như trong giấc mơ. Một ngày nọ tin sét đánh từ quê đưa vô, có cô gái ngày trước ở làng vốn là người xưa của chồng cũ biệt tăm lâu nay bỗng trở về với đứa con trai đã lớn giống anh như tạc. Cô ấy có ơn với gia đình anh những năm loạn lạc, tận lực tận tâm tình thâm nghĩa nặng. Rồi khi mang giọt máu rơi từ một người mà cô ấy biết chắc là chưa bao giờ có ý định muốn có con với mình, chỉ là phút bồng bột tuổi trẻ thoáng qua, đành đã chọn giải pháp ra đi để vẹn cả đôi đường. Chồng cũ khi đó chưa ăn học thành tài, cũng có chút áy náy với chuyện người phụ nữ mà mình gọi bằng chị lâu nay bỗng dưng bỏ đi biệt tích, nhưng rồi quên ngay.
Đoan và chồng không có con trong khi nhà anh ba đời độc đinh. Đoan xưa nay rất ngại về quê chồng vì cố mấy cũng không hòa nhập được, ở nửa buổi là hết chuyện để nói, toàn ngồi cười trừ và giành phần rửa chén ở nhà sau. Chồng cũ bị gọi về quê nhận vợ con từ trên trời rơi xuống, gia đình dòng họ ăn mừng rần rần xéo xắt tới tai Đoan. Bà hai bà ba cái gì, nối dõi với chẳng thừa tự, thời này là thời nào. Đoan nhớ chồng cũ đã từng thề thốt chỉ yêu mình, mình là người đàn bà duy nhất của đời anh mà điên tiết. Hồi còn mặn nồng, chồng cũ hay nói cứ như linh tính, nếu sau này em mà bỏ anh thì sao nhỉ, chắc anh phát khùng phát điên không mặc áo mặc quần để râu tóc dài thoòng đi lang thang ngoài đường suốt ngày gọi tên em. Thôi thì ly hôn cho chết luôn. Ngày ấy Đoan ra đường khối kẻ đi vượt lên để quay lại nhìn mặt, vương vấn chi một khúc đời buồn.
***
Cô Đoan là bà con xa với tôi. Những năm tháng đàn bà trẻ không chồng của cô bình lặng nước chảy mây trôi, và luôn đẹp trong chừng mực. Đủ bận rộn để sống, đủ tình thân để sẻ chia, đủ bất cẩn để sa ngã, và đủ cứng cỏi để không đánh mất mình. Tuy không nghiện mạng xã hội nhưng thi thoảng cô cũng up vài cái hình mình trong trang phục bơi trước biển làm lắm kẻ bối rối. Ai cũng nghĩ cô là người biết tận hưởng một cuộc sống giản đơn nhẹ nhàng đáng ngưỡng mộ.
Nhưng đời lại không đơn giản, năm cô sáu mươi tuổi thì chồng cũ quay về thật chớ không đợi tới bảy mươi xa xôi. Vợ của chồng cũ sau bao nhiêu năm sở hữu cái thân xác trống rỗng của ông chồng cũng đành phải buông tay. Con cái đã yên bề gia thất, mọi trách nhiệm và nghĩa vụ đã hoàn thành, mọi nhu cầu cũng thành vô nghĩa, nhà chỉ có hai người về hưu ra vô thở dài sườn sượt ngày ngày đối mặt nhăn nheo qua một bức tường vô hình thì còn hơn đày đọa. Người ấy chỉ nói, “ông đi đi, vô ở với cô ấy đi”. “Còn bà thì sao?”. “Tui có vợ chồng thằng Minh với ba đứa cháu nội, về ở chung với tụi nó cho vui, đỡ tay đỡ chân cho chúng. Ông bỏ cô ấy lâu quá rồi tui thấy không phải lắm”. “Chắc gì người ta đồng ý”, ông cũng tưởng bà đang nói chơi hay thử lòng nhau thôi. “Già hết rồi. Tui biết ơn cô ấy, chớ gặp người khác là ông bỏ mẹ con tui từ đời nào rồi. Đi đi. Cổ cần ông hơn. Mọi chuyện ngoài này để tui lo”.
Cô Đoan tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn kiêu hãnh phong lưu đang sống cô đơn một mình, nói vậy chớ giờ cũng khác xưa nhiều, đừng nói gì tới ông lão tráng kiện đang bồi hồi xuất hiện đột ngột trước mặt. Ai rồi mắt chẳng mờ, răng chẳng rụng, da chẳng đồi mồi. Ở cái tuổi này mà ký ức vẫn còn y nguyên như cái kho phim tài liệu thượng vàng hạ cám mốc meo thì quả là trời hành, may sao được gạn lọc và chỉ lưu lại những điều tốt đẹp mới đúng là được hưởng phước. Thay vì la hét rủa xả đuổi cái người từng được coi là phản bội đó đi hoặc ngạo mạn bất cần thì cô lại ứa nước mắt mà rằng, “em hiểu mà”.
***
Kể từ đây tôi đồ rằng cô đang lật tới cái chương đẹp nhất trong đời mỗi người. Không còn sân hận, không lo toan câu nệ, không quan tâm miệng đời. Sáng tinh mơ nào tôi cũng gặp đôi uyên ương này bên bãi biển. Họ luôn ung dung thư thả, cử chỉ từ tốn nhẹ nhàng. Chồng cũ của cô, mà từ giờ chắc phải bỏ từ “cũ”, có cái nhìn rất sâu và ấm áp. Cô vẫn mảnh mai giản dị, và vẫn luôn là tuýp người biết chăm chút cho bản thân mình từ cái móng tay cho đến kiểu dép đi biển. Cái cách mà họ cởi áo khoác ngoài rồi xếp lại thẳng thớm đặt lên đôi dép cạnh cái túi ngay ngắn trước khi tắm cũng khác xa kiểu lột ra vò viên quăng đại của cái bọn tre trẻ đang trố mắt nhìn bên cạnh. Rồi họ đưa nhau xuống nước, chầm chậm bơi song song, mắt không rời nhau, từ xa nhìn tới như hai mảnh rong phiêu dạt đang dần ghép lại. Biển sớm mang lại cảm giác tinh khôi mới mẻ, như thanh lọc, như vỗ về. Khi mặt trời lên, biển như dát vàng, có hai người yêu nhau tìm lại được nhau giữa đại dương mênh mông. Hình ảnh ấy luôn gieo vào tôi một mỹ cảm đặc biệt.
Cô Đoan kể, giờ cô và chú sẽ cùng nhau sống an yên đến cuối đời vì quỹ thời gian có còn mấy nữa đâu, mọi chuyện khép lại được rồi. Tôi dè dặt hỏi thăm chuyện ngoài quê. Cô Đoan cởi mở, vợ chồng Minh mới đưa cháu nội vô thăm cô chú, xa xôi quá nên chỉ có hè mới thu xếp đi chơi được. Cu Bim là cháu đích tôn nay cũng hơn mười tuổi rồi, khôn lanh lễ phép lắm, ai bày đâu mà cứ đi theo bà nội Hai ơi bà nội Hai hỡi suốt ngày.
“Còn bà nội Bim?”, tôi buột miệng. Cô nhẹ nhàng, “Bà ấy khỏe, nhưng nghe nói hơi bị lẫn rồi”.
“Lẫn? Là Alzheimer sao?".
“Bệnh tuổi già ấy mà. Cô đây lắm lúc còn quên lên quên xuống. Nhà Minh cả hai vợ chồng đều bận đi làm nên có thuê riêng cho bà ấy một người chăm sóc”.
Tôi biết khá rõ về căn bệnh vô phương cứu chữa này, với nhiều người điều đó là may mắn khi có thể xóa sạch ký ức trước khi trở về hư vô, với người khác là đại họa. Với người thân kề cận cũng vậy. Thuê người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer chưa bao giờ khả thi nếu thiếu một sự cảm thông yêu thương, mà điều đó không đổi chác bằng tiền được. Ít lâu sau lại nghe cô Đoan nói gia đình quyết định đưa bà nhập viện nội trú ngoài đó, sẽ luôn có bác sĩ y tá săn sóc. Vài lần người nhà vô thăm không báo trước thấy bà còn bi đát hơn, cứ tỉnh táo phút nào là lại mếu máo nhớ con nhớ cháu đòi về.
Cô Đoan và chồng vội vã thu xếp về quê ngay sau khi được tin bà trốn viện đi lạc mất hai ngày trời và thêm lắm chuyện tế nhị không tiện kể. Nói cho cùng, họ đều là những người tử tế. Vả lại, người ta đã trả chồng lại cho cô Đoan hơn năm năm rồi còn gì.
***
Cô Đoan nhắn, ghé nhà cô lấy chút quà từ quê mang về. Chắc là một rổ ớt sừng cay xé họng hoặc hũ mắm tôm chua chất lừ kèm chai dầu tràm thơm lựng. Hy vọng tình hình đã ổn, vui vẻ đuề huề. Nhà cô rộng rãi yên tĩnh, có giàn hoa sử quân tử hai màu hồng trắng buông rũ rất đẹp, nhưng hình ảnh đầu tiên khi đẩy cổng bước vô đập vào mắt khiến tôi chết lặng.
Hai vợ chồng cô Đoan đang loay hoay bên cạnh một bà cụ ngồi bệt ở cạnh giường, người đẩy lên người kéo xuống đầy bất lực. Trên sàn nhà bê bết phân và nước tiểu, mùi hôi bốc lên. Bà cụ thì ghì chặt cái chân giường lại và không ngừng rên rẩm giằng xé, tha cho tui, đừng giết tui, trời đất ơi có ai cứu tui với, bớ người ta. Họ đánh vật với nhau một hồi thì lột được cái quần của bà cụ ra và thay bỉm mới vô. Ông chồng cắm cúi hốt dọn lau chùi, còn cô Đoan thở phào cười cười quay sang tôi đang đứng như trời trồng, “Xong rồi, may quá”. Rồi quay sang bà cụ, “Hư quá đi, lần sau đau bụng thì phải kêu em chớ”. Bà cụ chợt thu mắt lại, khép chân cúi gầm mặt dạ lia dạ lịa, “Dạ con biết, dạ con nhớ rồi, dạ bác sĩ đừng la con”.
Cô Đoan ra dấu tôi phụ dìu bà vô phòng trong ấn xuống cái ghế tựa thấp, “Ngoan nào, nghe lời đi, sắp tới giờ uống sữa rồi”.
Tôi đưa tay sửa giùm cái chéo áo liền bị bà hất tay ra, ánh mắt sắc lẻm. Đây là lần đầu tiên tôi giáp mặt người phụ nữ này dù đã nghe kể nhiều về bà. Có vẻ như thời còn trẻ bà không thua sút cô Đoan mấy như cô tưởng, ngoài bảy mươi đang bệnh tật mà vẫn còn có nét thu hút ngấm ngầm. Vừa quay lưng ra là nghe cái “xoảng”, cô Đoan lẩm bẩm, “Quên cất cái ly nữa rồi, đập không chừa gì hết”. Ông chồng cũ của bà cụ vội vàng đi vô quét hốt loảng xoảng, rồi quay ra tiếp tục nhẫn nại kỳ cọ sàn nhà.
“Bà cụ cũng có lúc tỉnh táo phải không cô?”.
“À, ừ, nhưng cũng chỉ ngồi một chỗ nói lầm bầm gì đó thôi”.
“Buổi tối bà ngủ ngon không ạ?”.
“Phòng bà ở sát một bên đó. Chú phải qua lại thăm chừng mỗi khi bà gọi”.
Tôi chào mọi người ra về, biết rằng từ đây khó có thể nhìn thấy hai mảnh rong phiêu bạt trên mặt sóng lúc bình minh biển. Hoặc có đi nữa thì cũng phảng phất chút gì đó trật nhịp. Cô Đoan hứa sẽ tìm cách giải quyết nhanh chuyện này, sẽ thuê người, sẽ kiếm bác sĩ giỏi chữa trị. Rằng thì là bà ấy chẳng còn ai, ở quê làm sao bằng ở thành phố, con cái sao chăm mẹ bằng chồng chăm vợ... Thú thật tôi cứ bị ánh mắt sắc lẻm của bà cụ ám ảnh, và phải cố gắng để hiểu cô Đoan lẫn ông chồng. Và vì không hiểu nổi nên càng lúc càng thấy mình xấu xa hèn kém, thật là tệ.
Đôi khi tôi cũng lẩn thẩn tự hỏi, nếu mình là người trong cuộc như họ thì phải làm sao. Tỉnh táo hay chấp nhận mê muội? Hoặc tỉnh táo trong mê muội hay mê muội mà cứ ngỡ mình tỉnh táo? Thôi thì người đi qua đời mình chạm phải nhau một chút gì cũng là duyên nợ, đã là duyên và nợ thì vốn chẳng thể tách rời trừ phi dừng cuộc chơi.
Mà, đời biết có còn gì vui khi dừng lại không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.