Về với dân
21 giờ một đêm giữa đầu tháng 4, ở hội trường KP.7 (P.1, TP.Đông Hà, Quảng Trị), người vẫn đông như hội. Dưới ánh đèn điện sáng trưng và tiết trời khá nóng, cán bộ chiến sĩ công an Quảng Trị tỉ mẫn “xử lý” từng người một. Người dân được phục vụ theo chuỗi quy trình: trình hộ khẩu, chứng minh thư; chụp ảnh; lăn tay; so sánh dữ liệu; trao giấy xác nhận đã hoàn thành quá trình làm căn cước công dân (CCCD)…
Thượng tá Hoàng Thị Hồng Phượng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), tiết lộ đã nhiều tháng nay đơn vị huy động 100% lực lượng, đi sớm về trễ. “Chưa bao giờ khối lượng công việc lại khổng lồ đến như thế”, thượng tá Phượng nói. Không ngồi đợi người dân đến trụ sở, lực lượng công an đã tỏa đi các nơi để phục vụ. 31 tổ công tác cấp CCCD được lập với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ. Công an các đơn vị, địa phương cũng tham gia rà soát, điều tra nhân khẩu...
|
“Các ca từ 6 giờ 30 sáng cho tới hơn 12 giờ đêm. Làm hết việc chứ không hết giờ”, thượng úy Trần Văn Hùng, cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH vừa trả lời vừa không rời mắt khỏi màn hình máy tính. Kíp làm việc của thượng úy Hùng “căng” đến độ họ không dám đi ăn ngoài, phải ăn uống tại chỗ, vì sợ người dân chờ. Một cán bộ trẻ kể rằng, cả mấy tuần nay cứ cứ đi biền biệt, sáng sớm lên xe, có khi mấy giờ sáng mới về. Con cái, việc nhà giao hết cho vợ…
Gần 22 giờ khuya, trụ sở UBND xã Triệu Tài (H.Triệu Phong) vẫn dập dìu người vào ra. Bên trong không đủ chỗ ngồi, bà con kéo ra sân, cười nói rôm rả. Thượng tá Dương Thế Minh, Phó trưởng công an H.Triệu Phong, cho hay 40 cán bộ công an huyện phối hợp với công an các xã phải căng mình làm việc. “Anh em làm thông tầm, từ sáng qua chiều, từ chiều qua tối là chuyện bình thường”, thượng tá Minh nói.
Nỗi khổ… chờ đợi
Nhưng không phải lúc nào làm CCCD cũng suôn sẻ. Rất nhiều “ca khó”, nhiều tình huống dở khóc dở cười xảy ra mà nếu cán bộ không nhanh trí sẽ ùn ứ công việc.
Lăn vân tay điện tử, công đoạn rất quan trọng của quá trình thu thập thông tin, luôn gặp trục trặc. Hoặc người dân đổ mồ hôi tay, hoặc… bị mòn hết vân tay, máy không thể ghi nhận thông tin. “Chúng tôi ngâm tay họ vào nước lạnh, dùng khăn khô lau sạch, chịu khó chờ vài phút thì cũng được”, một cán bộ công an bật mí. Ở công đoạn chụp ảnh, đôi khi mí mắt người dân cụp xuống cũng khiến hệ thống điện tử “bó tay”. Đồng bào dân tộc ít người ăn vận trang phục truyền thống cũng không lấy được ảnh đúng quy định.
Nhưng nỗi khổ lớn nhất vẫn là chuyện… ngồi chờ. Lượng người quá đông, nhưng máy móc và sức làm việc của cán bộ có hạn. Cho dù ngành công an gửi giấy hẹn dân theo giờ, ưu tiên gia đình có công, người già, phụ nữ có thai nhưng đôi khi cũng ách tắc. Niềm động viên đôi khi đến từ những công dân chịu khó đợi, không phàn nàn. “23 giờ đêm mà các cụ ở TT.Ái Tử vẫn ngồi nói chuyện rôm rả, chờ đến lượt mình. Vậy thì chúng tôi sao dám về?”, thượng tá Dương Thế Minh, Phó trưởng công an H.Triệu Phong, kể. Biết người dân đang rất mong có được CCCD mới, cán bộ làm nhiệm vụ như được tiếp thêm sức mạnh.
Công an tỉnh Quảng Trị đang bước vào “chiến dịch” cấp gần 550.000 thẻ CCCD trước ngày 1.7. Có chút trở ngại về máy móc, về lực lượng nhưng các tổ công tác tôi vẫn làm việc khoa học, nhanh chóng, hiệu quả, không làm mất thời gian của nhân dân. “Chứng kiến những đêm trắng của cán bộ, rất thương nhưng chúng tôi vẫn động viên mọi người cố gắng”, đại tá Nguyễn Đức Cảm, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, tâm sự.
Đà Nẵng: Chiến dịch gấp rútTại TP.Đà Nẵng, các tổ công tác của công an vừa hoàn thành gần 300.000 hồ sơ cấp CCCD. Đại tá Phan Văn Dũng, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết nhiều khả năng đến ngày 30.4, Công an TP phấn đấu đạt trên 550.000 hồ sơ; có 35 tổ công tác được bố trí ở nhiều địa phương. “Hiện chúng tôi đang phấn đấu đạt mức 400 hồ sơ/máy/tổ công tác/ngày, vượt chỉ tiêu 350 hồ sơ/ngày. Đây là chiến dịch rất gấp rút nên toàn đội ngũ phải huy động với quyết tâm cao. Từ lãnh đạo Công an TP đến cán bộ chiến sĩ nêu cao quyết tâm, cố gắng thu nhận xử lý hồ sơ 3-4 ca/ngày. Từ đêm đến rạng sáng tiếp tục xử lý để chuyển hồ sơ đi nên ngày nào cũng phải đến 2-3 giờ sáng tổ công tác mới nghỉ”, đại tá Dũng chia sẻ. Ngoài lực lượng công an, tại TP.Đà Nẵng còn có sự tiếp sức của các địa phương, hội đoàn thể giúp “chia lửa” trong quá trình làm CCCD.
Nguyễn Tú
Quảng Nam: Chạy đua với thời gianTại Quảng Nam đã nhiều tháng nay, hàng chục cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh chưa ngày nào tắt điện trước 22 giờ đêm. Ban ngày, ngoài tiếp nhận hồ sơ công dân ở Bộ phận một cửa, nhiều tổ công tác xuống cơ sở; tối đến tranh thủ kiểm tra, xác minh các dữ liệu liên quan. Thượng tá Phan Thanh Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, cho hay từ sau tết đến nay đơn vị tập trung tối đa lực lượng, kể cả triển khai nhiều tổ lưu động tại các cơ quan, trụ sở, bệnh viện, trường học… Các tổ cũng đến tận thôn, bản miền núi. “Mỗi ngày anh em chia làm 3 ca. Theo quy định thì làm việc từ 7 giờ nhưng anh em phải bắt đầu tiếp công dân từ 5 giờ sáng cho đến 22 giờ đêm. Nhiều ca phải làm tới 2 giờ sáng”, thượng tá Hồng nói. Chỉ tiêu của Bộ Công an giao mỗi ngày cấp phải cấp được 11.400 CCCD, nhưng hiện tại Quảng Nam vượt chỉ tiêu và phấn đấu hoàn thành việc cấp hơn 1,2 triệu CCCD trước ngày 1.7.
Mạnh Cường
Thừa Thiên - Huế: Ân cần với người già yếuĐể hoàn thành tiến độ, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung lực lượng làm ngày làm đêm. Nhiều tổ công an tăng ca, tăng thời lượng làm việc; không ít trường hợp cán bộ chiến sĩ đang ốm đau nhưng vẫn cố gắng đi làm. Nhiều người già yếu, bệnh tật được cán bộ, chiến sĩ ân cần giúp đỡ, cõng vào tận bàn. Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết theo kế hoạch và chỉ tiêu đã giao từ Bộ Công an, UBND tỉnh, địa phương phải hoàn thành 732.000 CCCD. Công an tỉnh đang phấn đấu nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc hoàn thành chỉ tiêu. Riêng tại TP.Huế, đến thời điểm này đã có một tổ chạm mốc 700 hồ sơ/ngày, 2 tổ chạm mốc 600 hồ sơ/ngày, đang phấn đấu hoàn thành thu nhận 280.000 hồ sơ trước ngày 31.5.
Bùi Ngọc Long
Quảng Bình: “Đội hình” cố định và lưu độngThượng tá Phạm Thanh Hoàng, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết đến thời điểm này, lực lượng làm căn cước công dân đạt xấp xỉ 32% chỉ tiêu. Để đảm bảo tiến độ, lực lượng công an toàn tỉnh chia làm 3 ca/ngày, làm việc từ 7 giờ 30 đến 22 giờ hằng ngày, kể cả cuối tuần. Tuy nhiên, nhiều lúc lực lượng chức năng làm đến sau 22 giờ đêm, sau đó còn xử lý hồ sơ đến 2 – 3 giờ sáng. Quảng Bình có địa hình tương đối phức tạp, trải rộng, vì vậy có nhiều tổ công tác được thành lập để vừa tác nghiệp tại chỗ vừa lưu động. Theo thượng tá Hoàng, ban đầu người dân có chút lo lắng, nhưng hiện tại đã thoải mái và rất hưởng ứng. Sắp vào mùa nắng nóng, lực lượng chức năng đang chuẩn bị các phương án, tránh phải để người dân chờ đợi lâu.
T.Q.Nam
|
Bình luận (0)