Đền Chợ Củi vắng thủ nhang

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/10/2024 07:00 GMT+7

Đền Chợ Củi (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nơi thờ ông Hoàng Mười, đang trong tình trạng vắng thủ nhang.

Gia đình thủ nhang nhiều đời bỗng "mất chức"

Ông Trần Xuân Bá, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cho biết hàng chục năm trước, hầu như không có người ở vùng khác tới đền Chợ Củi thuộc xã này thắp hương, mà chỉ có người dân địa phương thờ cúng. Trong những năm đó, việc chăm nom đền gắn với nhiều đời gia đình ông Nguyễn Sĩ Quý.

Đền Chợ Củi vắng thủ nhang- Ảnh 1.

Ban thờ dòng họ Nguyễn và các ông từ họ Nguyễn trong đền Chợ Củi

Ảnh: Trinh Nguyễn

"Trong những năm 1975 - 1980, tôi làm chủ tịch xã, đền Chợ Củi do ông Nguyễn Sĩ Quýnh làm thủ nhang, trông coi quản lý. Trước đó, ông Nguyễn Sĩ Học, bố ông Quýnh, làm thủ nhang. Sau ông Quýnh là ông Quý làm thủ nhang", ông Trần Xuân Bá cho biết.

Cần phải nói thêm, trong đền Chợ Củi hiện có ban thờ bài vị dòng họ nhà ông Quý. Văn bia do Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch cũng cho thấy cụ Nguyễn Văn Tựu, tổ tiên của dòng họ nhà ông Quý, đã đứng ra khởi công xây dựng ngôi đền Chợ Củi cách đây 193 năm.

Hồ sơ của di tích đền Chợ Củi còn cho thấy gia đình ông Quý có công trong việc giữ gìn, bảo vệ di tích. Cụ thể, năm 2013, Bộ VH-TT-DL có văn bản số 1397 về việc tu bổ di tích đền Chợ Củi. Văn bản này cho biết tình trạng của di tích khi đó, với nhiều hạng mục công trình chính đang xuống cấp nặng, nhiều cấu kiện kiến trúc đang trong tình trạng chống đỡ tạm, không đảm bảo an toàn sử dụng.

Bộ VH-TT-DL khi đó cho ý kiến: "Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh báo cáo UBND tỉnh cho phép đại diện gia đình ông Nguyễn Quýnh, thủ nhang nhà đền, làm chủ đầu tư và tiến hành tu bổ di tích gốc trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn cho di tích và du khách". Gia đình thủ nhang này sau đó đã tiến hành trùng tu đền với số tiền lên tới 12 tỉ đồng, chưa kể tiền nội thất.

Mặc dù vậy, hiện tại, gia đình ông Nguyễn Quý không còn được làm thủ nhang ở đền Chợ Củi nữa. Ông Quý cho biết, năm 2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quy định về việc thành lập Ban Quản lý dịch vụ công cộng và các điểm du lịch H.Nghi Xuân. Sau đó, gia đình ông không còn được làm công việc của thủ nhang nữa.

"Trước đó, tôi được giao nhiệm vụ Phó ban quản lý nội tự, cũng là thủ nhang. Sau đó, tôi bị cắt phó ban vì không là công chức nhà nước. Rồi họ mang công chức nhà nước lên làm Ban quản lý dịch vụ công, thủ nhang không có mặt trong ban đó nữa. Đến giờ chính quyền cũng chưa có ý kiến gì về việc có thủ nhang nữa hay không", ông Quý phản ánh.

Đền Chợ Củi vắng thủ nhang- Ảnh 2.

Người đến lễ ở đền đông quanh năm

Ảnh: Trinh Nguyễn

Vì sao cần phải có thủ nhang?

Theo ông Quý, những việc đang xảy ra ở đền Chợ Củi cho thấy giá trị lịch sử văn hóa tâm linh trong cộng đồng bản địa chưa được tôn trọng. "Đền Chợ Củi là di sản của dòng họ Nguyễn, tài sản của đền cũng là của dòng họ được truyền từ đời này qua đời khác", ông Quý nêu quan điểm.

Ông Quý cũng bày tỏ: "Các anh (chính quyền) cứ đóng hòm công đức bỏ đó, các anh tự cầm chìa khóa rồi mở hòm công đức. Đền có thủ nhang, chùa có trụ trì… Ngôi đền này gắn với nhân dân dòng họ 8 đời nhà tôi, ông tổ cũng thờ trên đền, gắn liền với gia đình".

Trong khi đó, ông Lê Anh Dũng, Chủ tịch UBND H.Nghi Xuân, cho biết hiện tại trong các chức danh thì không có chức danh nào là thủ nhang. Ông Dũng nói, trước đây, theo mô hình quản lý cũ thì có giao khoán quản lý đền Chợ Củi cho một gia đình có công bảo vệ và tôn tạo di tích này từ nhiều năm trước.

"Tuy nhiên, thực hiện các quy định của pháp luật thì năm 2023 UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch của H.Nghi Xuân. Đơn vị này được giao chức năng là đơn vị sự nghiệp quản lý di tích quốc gia này, có biên chế, có hợp đồng lao động, được chia thành các bộ phận để thực hiện các nhiệm vụ ở đây. Từ đó đến nay, các công việc của gia đình thủ nhang đều do ban quản lý đảm nhận", ông Dũng cho biết.

GS Nguyễn Chí Bền, Trường đại học Văn hóa TP.HCM, người tham gia xây dựng hồ sơ di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt để trình UNESCO, cũng quan tâm đến vụ việc này. Theo GS Bền, cần tách bạch hai việc: thứ nhất là việc đền cần có ông từ (thủ nhang), thứ hai là có một ban quản lý tiền công đức. Tuy nhiên, trong thành phần ban quản lý di tích nên có ông từ.

"Vì sao lại cần ông thủ nhang, vì đó là người thắp hương khấn vái, nối cõi thiêng với cõi thực chứ không phải ai cũng là người có thể làm việc đó. Nên ở các phủ thờ Mẫu, mà đền ông Hoàng Mười cũng là một dạng như vậy, thì đều có thủ nhang, thủ từ cả. Ở các phủ thờ ở Nam Định chẳng hạn, thì đó là các ông đồng, bà đồng luôn. Còn ở các phủ khác thì không nhất thiết phải là ông đồng bà đồng, ví dụ như đền ông Hoàng Mười, Quan lớn Tuần Tranh…, những chỗ đấy không cần phải ông đồng bà đồng, nhưng phải có thủ nhang", GS Bền phân tích.

Còn về việc quản lý tài chính, theo GS Bền, có thể học bài học của Miếu bà chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang. "Họ làm rất tốt. Camera lắp vào, mở hòm công đức ra, đếm xong nộp vào ngân sách nhà nước, kho bạc rồi dùng thế nào có bàn hẳn hoi. Minh bạch và rõ ràng. Có hai phần phải quan tâm, thứ nhất là bồi dưỡng ông thủ từ, thứ hai là dành để cho trùng tu tôn tạo di tích. Còn lại thì dành cho việc công ích của làng quê ở đó, ví dụ như Miếu bà Chúa Xứ là tặng con em học giỏi, gia đình khó khăn. Vấn đề là sử dụng sao cho minh bạch, hợp lý", GS Bền lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.