Đến cơ quan công quyền TP.HCM vẫn mất tiền giữ xe

13/07/2017 09:14 GMT+7

Nhiều cơ quan nhà nước tại TP.HCM vẫn thu tiền trông giữ xe khi công dân đến giao dịch, làm việc dù UBND TP.HCM đã có công văn nghiêm cấm việc này.

"Muốn không mất tiền thì đi chỗ khác mà gửi"
Ông Lê Thành Nhân (xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM) gửi đơn đến Báo Thanh Niên, bức xúc: "Tôi thường tới các cơ quan ban ngành để liên hệ giải quyết công việc, nhưng tôi hết sức bất ngờ khi bảo vệ thu phí giữ xe, mặc dù bên ngoài có để bảng giữ xe miễn phí. Tuy số tiền này không nhiều, có nơi thu 3.000 đồng, nơi 4.000 hoặc 5.000 đồng nhưng theo tôi được biết TP đã có quy định cấm thu. Tôi phản ứng không chịu trả tiền thì người giữ xe quát tháo, chửi tục và nói rằng họ phải đấu thầu bãi giữ xe nên phải thu tiền, muốn không mất tiền thì đi chỗ khác mà gửi…".
Ông Nhân dẫn chứng vài nơi ông đã đến như TAND Q.1, Chi cục Thi hành án Q.5 (thu 5.000 đồng/xe máy); Cục Thi hành án TP.HCM, TAND Q.Bình Thạnh (thu 4.000 đồng/xe máy); Chi cục Thuế Q.6 (thu 3.000 đồng/xe máy)…
Ngày 10.7, phóng viên Thanh Niên đi thực tế một số nơi bạn đọc phản ánh. Tại TAND Q.1, ở phía phòng bảo vệ là cổng chính có treo bảng với nội dung: “Giữ xe miễn phí đối với đương sự liên hệ công tác tại TAND Q.1”. Cách nơi đây 20 m là cổng phụ, phía trước có để bảng: “Giữ xe nhân viên cơ quan” và có hai người đàn ông ghi phiếu, thu tiền xe ra vào. Tuy nhiên, chúng tôi để xe ở cổng chính vẫn bị thu 5.000 đồng. Thắc mắc hỏi vì sao thu trong khi để bảng miễn phí thì nhân viên thu phí xe (không mặc trang phục bảo vệ) nói đây là cơ quan cho thuê nên thu phí, gửi cổng chính cũng như cổng phụ. Theo quan sát, hầu hết người ra vào 2 cổng đều lấy phiếu và bị thu tiền.
Còn tại TAND Q.Bình Thạnh, khi vào cổng rẽ phải, nhân viên mặc thường phục ghi phiếu. Trên phiếu giữ xe gắn máy là con dấu vuông đỏ của một công ty tư nhân. Tại đây không treo bảng “giữ xe miễn phí”, thu mỗi xe của công dân ra vào là 4.000 đồng/chiếc.
"Lỗi do bảo vệ !?"
Trao đổi với ông Phạm Tuấn Anh, Phó chánh án TAND Q.Bình Thạnh, ông Anh cho rằng: “Nguyên tắc là khi dân đến liên hệ công tác sẽ không thu phí, lãnh đạo cơ quan cũng đã quán triệt chỉ đạo và buộc phải gắn bảng giữ xe miễn phí. Có thể lỗi do bảo vệ. Nhưng như tình hình người dân gửi đơn phản ánh, chúng tôi xin ghi nhận, sẽ rút kinh nghiệm để anh em bảo vệ thực hiện tốt hơn”. Khi chúng tôi hỏi trên phiếu giữ xe có con dấu của một công ty, nếu như không có sự chấp thuận, kết hợp giữa lãnh đạo với bên ngoài để thu phí thì công ty này không thể thực hiện hoạt động giữ xe trong khuôn viên của cơ quan, ông Anh lại không giải thích được, vòng vo và trả lời: “Sẽ ghi nhận, kiểm tra và báo lại”.
Tương tự, ông Mai Xuân Bình, Chánh án TAND Q.1, cũng khẳng định: "Không có chuyện cơ quan chúng tôi thu phí giữ xe của dân khi đến liên hệ công việc. Như báo đi thực tế và phản ánh thì chúng tôi sẽ cho công đoàn kiểm tra và làm việc lại. Có thể do bảo vệ và lái xe làm thêm, nếu có chúng tôi thành thật xin lỗi và chỉ đạo xem xét xử lý theo quy định".
Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng phản ứng: “Là luật sư, hằng ngày tôi đi rất nhiều cơ quan tòa án tại TP.HCM nhưng tất cả nơi đây đều thu phí trông giữ xe. Công văn số 4655/UBND-TM ngày 10.8.2015 của UBND TP.HCM đã quy định là các cơ quan hành chính nhà nước phải tổ chức trông giữ xe miễn phí cho nhân dân đến liên hệ giao dịch, làm việc; thực hiện niêm yết bảng "giữ xe miễn phí" ở vị trí thuận tiện để người dân dễ nhận biết; chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để xảy ra trường hợp trông giữ xe trái với quy định. Cơ sở để TP ban hành văn bản này là dựa vào Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 2.8.2007 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế văn hóa công sở của cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, cơ quan hành chính nhà nước nói chung và cơ quan tòa án nói riêng vẫn thu phí trông giữ xe là hoàn toàn sai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.