Đến hết 2021, Hà Nội sẽ chỉ có 350.000 người được tiêm vắc xin Covid-19

Vũ Hân
Vũ Hân
12/04/2021 19:03 GMT+7

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến hết 2021, toàn thành phố sẽ chỉ có khoảng 350.000 người được tiêm vắc xin Covid-19 . Sang năm 2022, tình hình hi vọng khả quan hơn với vắc xin "made in Việt Nam".

Theo báo cáo của Sở Y tế tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 12.4, đến nay, thành phố đã 56 ngày không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng (từ ngày 5 đến hôm nay, Hà Nội ghi nhận 3 ca mắc mới là người từ nước ngoài về, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh).

Chiều 12.4: Thêm 9 ca mắc Covid-19 Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng và Kiên Giang

Hà Nội đã tiêm vắc xin Covid-19 được cho 8.047 người, vượt chỉ tiêu đề ra và “đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất toàn quốc”, theo Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh. Những người được tiêm đều có sức khỏe bình thường.
Ông Hạnh cho biết, Hà Nội đã tổ chức xét nghiệm cho 12.000 trên tổng số hơn 26.000 nhân viên y tế, tất cả đều âm tính.
Trong đợt 2, Hà Nội được phân bổ hơn 50.000 liều vắc xin và dự kiến sẽ ưu tiên tiêm cho hơn 26.000 nhân viên y tế cùng hơn 70.000 thành viên tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, cũng theo ông Hạnh.
Ngoài ra, Hà Nội dự trù sẽ tiêm vắc xin cho 350.000 người trong năm 2021, tức là chỉ khoảng 3,5% dân số (nếu tính tổng số người sinh sống tại Hà Nội hiện nay là khoảng 10 triệu người).
Đến năm 2022, tỷ lệ sẽ tăng lên do dự đoán sẽ có thêm nhiều nguồn vắc xin, trong đó có nguồn của Việt Nam sản xuất với giá rẻ hơn (dự kiến khoảng 120.000 đồng/liều), nhưng hiện chưa dự báo được con số tiêm cụ thể sẽ là bao nhiêu.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong khu vực, mà đặc biệt là các nước láng giềng, hiện đang hết sức phức tạp, theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng, thành phố vẫn xác định phòng, chống dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới.
Ông Dũng yêu cầu không được lơ là từ ngay chính ban chỉ đạo các cấp và phê bình việc một số đơn vị không cử lãnh đạo dự họp ban chỉ đạo phòng, chống dịch; yêu cầu rút kinh nghiệm ngay.
Sở Y tế được giao tiếp tục giám sát chặt chẽ dịch bệnh ở các cửa khẩu; các cơ sở y tế; thực hiện nghiêm các quy định trong khu cách ly tập trung, đặc biệt lưu ý các khách sạn thực hiện cách ly…
Liên quan đến đợt tiêm vắc xin đợt 2 với quy mô lớn hơn nhiều lần đợt 1, ông Dũng yêu cầu “số lượng, danh sách người trong diện được tiêm chủng đợt 2 cần phải đúng đối tượng, đúng quy định, không để sai sót làm mất niềm tin của người dân”.
Số ca mắc chân, tay, miệng toàn quốc cao gấp 4,3 lần cùng kỳ năm ngoái
Ngoài dịch Covid-19, tại cuộc họp Sở Y tế cũng báo cáo về dịch chân, tay, miệng khi số ca mắc bệnh trên toàn quốc ghi nhận đến nay đã là 18.436 ca, tăng 4,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 4 ca tử vong.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 82 trường hợp mắc ở 28 quận, huyện, thị xã. Số mắc có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây và dịch bệnh này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới 5 tuổi).
Lưu ý việc dịch bệnh tay chân miệng đã có ở 28 quận, huyện và số mắc đang gia tăng…, ông Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị cũng phải chú trọng chống dịch bệnh này và các loại dịch xảy ra lúc giao mùa như sốt xuất huyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.