Đến hết năm 2025, các trường ĐH sẽ đồng loạt tự chủ tài chính

Hà Ánh
Hà Ánh
02/01/2024 07:15 GMT+7

Đến hết năm 2025, các cơ sở giáo dục ĐH công lập thuộc Bộ GD-ĐT có phương án sắp xếp và thực hiện mức độ tự chủ theo lộ trình. Trong đó, những đơn vị chưa tự chủ sẽ chuyển sang đảm bảo từ mức chi thường xuyên trở lên.

Theo kế hoạch này, hết năm 2025, các đơn vị đào tạo ĐH thuộc Bộ GD-ĐT sẽ đồng loạt thực hiện lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính.

TỰ CHỦ TỪ ĐẢM BẢO CHI THƯỜNG XUYÊN TRỞ LÊN

Mới đây, Bộ Nội vụ có văn bản về việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD-ĐT. Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Đáng chú ý trong văn bản này là phương án sắp xếp và nâng cao mức độ tự chủ về tài chính với các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, Bộ GD-ĐT có 61 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó 3 đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, 47 đơn vị thuộc Bộ, 4 đơn vị thuộc văn phòng thuộc Bộ và 7 đơn vị thuộc các cục. Theo phương án đề xuất sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập đã báo cáo, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm sắp xếp và thu gọn 6 đơn vị sự nghiệp công lập.

Đến hết năm 2025, các trường ĐH sẽ đồng loạt tự chủ tài chính- Ảnh 1.

Sinh viên đóng học phí tại một trường đại học tự chủ ở TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Về nâng cao mức độ tự chủ về tài chính, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng và thực hiện lộ trình tự chủ về tài chính. Trong đó, với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, văn phòng thuộc Bộ hoàn thành trong quý 1/2024. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ cần xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại, trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định và hoàn thành trong năm 2024.

Theo phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD-ĐT, thì đến hết năm 2025 có 24 cơ sở giáo dục ĐH cần thực hiện lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính, từ mức đảm bảo chi thường xuyên trở lên. Cụ thể gồm các ĐH: Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên; các trường ĐH gồm: Việt Đức, Đà Lạt, Đồng Tháp, Giao thông vận tải, Kiên Giang, Mỏ - Địa chất, Mỹ thuật công nghiệp, Nha Trang, Nông Lâm TP.HCM, Quy Nhơn, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, Sư phạm TP.HCM, Sư phạm TDTT Hà Nội, Sư phạm TDTT TP.HCM, Tây Bắc, Tây Nguyên, Vinh, Xây dựng.

Cũng thuộc Bộ GD-ĐT, 11 cơ sở giáo dục ĐH khác tiếp tục duy trì loại hình trường tự chủ gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM; các trường ĐH: Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Luật TP.HCM, Mở Hà Nội, Mở TP.HCM, Ngoại thương, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Thương mại, Cần Thơ.

VÌ SAO CÓ KIẾN NGHỊ KHÔNG NÊN TỰ CHỦ ĐỒNG LOẠT ?

Trong khi đó, ngay trong tháng 12.2023, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ VN có văn bản báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tự chủ ĐH VN. Theo đó, hiệp hội kiến nghị chưa nên thực hiện tự chủ ĐH đồng thời ở tất cả các trường mà cần phải có lộ trình phù hợp. Ngoài ra, nhà nước cần có nhiều mức độ tự chủ khác nhau cho các cơ sở giáo dục ĐH.

Cũng trong báo cáo, hiệp hội cho biết qua một số cuộc điều tra gần đây có thể thấy nhiều trường ĐH, kể cả trường ĐH lớn đã thí điểm tự chủ, còn chưa sẵn sàng tự nguyện chuyển qua cơ chế tự chủ. Do đó, hiệp hội cho rằng trước mắt nhà nước cần chia các trường ĐH công lập thành 3 nhóm: trường tự chủ, trường bán tự chủ và trường chưa tự chủ.

Đến hết năm 2025, các trường ĐH sẽ đồng loạt tự chủ tài chính- Ảnh 2.

Nhiều trường không muốn tự chủ để khỏi bị cắt giảm ngân sách, từ đó phải tăng thu của người học

ẢNH MINH HỌA: NHẬT THỊNH

Về tài chính, hiệp hội cũng kiến nghị không đánh đồng tự chủ với tự túc về nguồn lực như quan niệm hiện nay. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường ĐH tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ ĐH, xem đó như là những nơi xứng đáng được nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Chia sẻ thêm với PV Thanh Niên, tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ VN, cho rằng tự chủ ĐH là đặc trưng quan trọng bậc nhất của quản trị ĐH. "Không tự chủ là chưa đủ trưởng thành. Trước sau thì tất cả các trường ĐH và CĐ đều cần phải tự chủ và tự chủ đầy đủ", ông Hoàng nói và nhận định: "Năng lực tự chủ các trường không đồng đều, trường này đủ nhưng trường khác chưa đủ hoặc yếu hơn, còn bất cập, cần được tăng cường thêm. Vì thế không nên tiến hành đồng thời, đồng loạt như nhau. Đơn vị nào đủ mạnh thì tự chủ hoàn toàn, yếu hơn thì tự chủ một phần, yếu nữa thì chưa giao tự chủ…".

Riêng về tài chính, TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng: "Đã gọi là công lập thì nhà nước phải có trách nhiệm nhiều hơn trong hỗ trợ tài chính. Các nước đều làm như vậy, thường thì ngân sách bảo đảm cho phần lớn chi tiêu, còn thu của người học một mức độ vừa phải. Đừng lấy cớ tự chủ mà cắt giảm phần kinh phí lâu nay đã cấp. Làm vậy, nhiều trường vẫn không muốn tự chủ để khỏi bị cắt giảm, từ đó phải tăng thu của người học và thiếu kinh phí để nâng cao chất lượng".

Đồng tình với kiến nghị trên, hiệu trưởng một trường ĐH công lập được giao thí điểm thực hiện tự chủ nhiều năm cũng cho rằng nên đưa ra nhiều mức tự chủ để các trường lựa chọn: chi thường xuyên hay tự chủ toàn diện. Tương ứng với mức độ tự chủ, các trường được quyết định những nội dung khác nhau tùy theo yêu cầu của sự phát triển. "Tự chủ ĐH cần thực hiện theo lộ trình từng bước, có cơ chế hỗ trợ với những ngành đào tạo đặc thù và đầu tư ngân sách cho ngành, trường trọng điểm", hiệu trưởng này ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.