Ngày 22.5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025.
Hiện TP.HCM có 28 cơ quan báo chí đang hoạt động bao gồm: 16 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình, 10 tạp chí. Tuy nhiên, TP.HCM chỉ thực hiện sắp xếp 27/28 cơ quan báo chí do Báo Công an TP.HCM sắp xếp theo đề án của Bộ Công an.
Theo đề án, TP.HCM chia lộ trình sắp xếp thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2020, có 6 cơ quan báo chí chưa phải sắp xếp, 21 cơ quan báo chí phải sắp xếp theo đề án của TP.HCM. Cơ quan báo chí phải sắp xếp như sau: giữ ổn định Báo Sài Gòn Giải Phóng; chuyển cơ quan chủ quản 6 cơ quan báo chí; chuyển đổi mô hình hoạt động, chuyển cơ quan chủ quan 8 cơ quan báo chí; sáp nhập, chuyển cơ quan chủ quản 6 cơ quan báo chí.
Sau khi sắp xếp, TP.HCM sẽ còn 19 cơ quan báo chí, gồm: 7 báo in (2 báo thuộc tổ chức tôn giáo), 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình, 10 tạp chí. Qua đó giảm được 8 cơ quan báo chí (chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin). Đáng chú ý, một số tờ báo in như Báo Sài Gòn Giải phóng (Báo Thể thao TP là ấn phẩm phụ), Báo Tuổi Trẻ (Báo Khăn quàng đỏ là ấn phẩm phụ), Báo Người Lao động, Báo Phụ nữ Thành phố do Thành ủy TP.HCM chủ quản; Báo Pháp luật Thành phố... thì UBND TP.HCM chủ quản...
Giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm 2025, TP.HCM hoàn thành việc sắp xếp. Các cơ quan báo chí ổn định, hoạt động theo yêu cầu mới, đồng thời TP.HCM tiếp tục triển khai quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Đến năm 2025, TP.HCM tiếp tục nghiên cứu sắp xếp báo chí theo đề án còn 1 cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Bình luận (0)