Đến hiện trường vụ ám sát hụt, ông Trump nói về giấc mơ Mỹ

07/10/2024 05:55 GMT+7

Gần 3 tháng sau vụ ám sát hụt, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại thị trấn Butler (bang Pennsylvania) với tỉ phú Elon Musk để vận động cho chiến thắng vào ngày 5.11.

Ngày 5.10, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đã có mặt tại hiện trường vụ nổ súng hôm 13.7. Lần này, ông dẫn theo một số nhà tài trợ giàu sụ, trong đó có tỉ phú Musk, ông chủ hãng ô tô Tesla và mạng xã hội X (trước là Twitter), tỉ phú đầu tư John Paulson và nhà đầu tư bất động sản Steve Witkoff.

Tầm nhìn về giấc mơ Mỹ

Phát biểu trên khán đài ở Butler, ông Trump chỉ trích phản ứng của chính quyền Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris trong nỗ lực cứu trợ những người bị ảnh hưởng bởi bão Helene vừa qua, theo Reuters. Ông cũng hứa hẹn sẽ cải thiện nền kinh tế, tạo thêm việc làm cho lao động Mỹ và giải quyết vấn đề nhập cư lậu ở biên giới với Mexico.

Đến hiện trường vụ ám sát hụt, ông Trump nói về giấc mơ Mỹ- Ảnh 1.

Tỉ phú Elon Musk phát biểu và cựu Tổng thống Trump bên cạnh trong cuộc mít tinh ngày 5.10

ẢNH: AFP

Cựu tổng thống cũng dành nhiều lời khen ngợi cho những nhà tài trợ giàu có của đảng Cộng hòa. Và trên hết, ông gọi tỉ phú Musk là minh chứng cho tầm nhìn của bản thân về "Giấc mơ Mỹ". Ông hứa hẹn nếu trở thành tổng thống kế tiếp của Mỹ, dân Mỹ sẽ có cơ hội theo đuổi giấc mơ đó. "Con cái của các bạn sẽ lớn lên và nói rằng "Tôi muốn trở thành Elon Musk. Tôi muốn khối tài sản có 200 tỉ USD…". Đó mới là giấc mơ Mỹ", ông Trump nhấn mạnh.

Ông Biden nói có dấu hiệu bầu cử Mỹ 2024 sẽ không ‘yên bình’?

Lần đầu sát cánh với ông Trump tại một cuộc mít tinh, ông Musk cáo buộc đảng Dân chủ muốn tước đoạt quyền tự do ngôn luận của dân Mỹ, cũng như quyền sở hữu vũ khí và quyền đi bầu của cử tri. Đó là dự báo của vị tỉ phú về nỗ lực của đảng Dân chủ thúc đẩy mở rộng quyền bỏ phiếu, siết chặt các biện pháp kiểm soát vũ khí nhằm ứng phó tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng. Chưa rõ dựa vào đâu, nhưng vị tỉ phú cũng tiên tri rằng tháng 11 có thể đánh dấu cuộc bầu cử cuối cùng của nước Mỹ nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng, theo Đài NBC News.

Đài BBC thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn tại chỗ những người tham gia mít tinh. Đa số người nói rằng kinh tế, đặc biệt lạm phát, là điều họ lo lắng nhất trước bầu cử. "Chúng tôi không được quan tâm. Dân thường không đủ tiền mua thức ăn. Họ hầu như không đủ tiền đổ xăng", BBC dẫn lời một cử tri tên Jessenia Anderson.

Sự nhiệt tình ở Pennsylvania

Ước tính từ 25.000 - 30.000 người tham gia cuộc mít tinh, sự kiện khiến thị trấn Butler bị tắc nghẽn giao thông cả ngày 5.10. Nhiều người xếp hàng đến 10 giờ liên tục dưới cái nắng gay gắt để mua đồ lưu niệm ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump.

"Tôi thật sự ngưỡng mộ việc ông tự nguyện quay lại đây và hoàn thành bài phát biểu bị chối bỏ vào lần trước", AFP dẫn lời bà Teresa Wilson, cựu quân nhân lính thủy đánh bộ đã tham gia cuộc mít tinh hôm 13.7.

Bầu cử Mỹ: Cử tri nghĩ gì về hai ứng cử viên Trump - Harris?

Sự nhiệt tình của đám đông ở Butler có thể mang đến lợi thế cho ông Trump tại tiểu bang có thể quyết định tổng thống kế tiếp của Mỹ sau ngày 5.11. "Nếu chúng ta đoạt được Pennsylvania, chúng ta sẽ giành chiến thắng chung cuộc", AFP dẫn lời ông

Trump. Cựu tổng thống và chiến dịch của ông dành nhiều thời gian ở Pennsylvania trong mùa bầu cử năm nay. Ngày 10.10, ứng viên đảng Cộng hòa sẽ quay lại tiểu bang này, với 2 cuộc mít tinh ở Scranton và Reading.

Giằng co ở các bang chiến địa

Còn 4 tuần nữa đến ngày bầu cử, và các cuộc khảo sát cho thấy cuộc đua giữa ông Trump và bà Harris đang vô cùng căng thẳng ở các bang chiến địa. Theo tổng hợp của Decision Desk HQ/The Hill, Phó tổng thống Harris tạm dẫn trước với khoảng cách hẹp ở nhóm 4 bang Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin, trong khi ông Trump đang lợi thế ở Arizona, Georgia và Bắc Carolina. Trên bình diện toàn quốc, bà Harris cuối tuần qua dẫn trước ông Trump với cách biệt 3,4%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.