Đến lúc cần mạnh tay

09/02/2023 04:06 GMT+7

Khi những nhóm người trẻ tuổi lên mạng xã hội xưng băng xưng nhóm, tuyển thành viên theo tiêu chí rất giang hồ rồi vác dao đi chém người vô cớ thì có ai còn dễ dàng phớt lờ cái gọi là "môi trường mạng ảo" hay không?

Ảo gì mà thành lập băng nhóm thực, chặn đường đánh người thực, gây thương tích thực, rồi xưng danh công khai, đánh trống gõ mõ tuyển thành viên như thể trêu ngươi bộ máy hành pháp. Đó là mới nói chuyện băng nhóm bạo lực. Còn kể thêm ra thì chẳng thiếu loại băng nhóm gì, từ băng nhóm lừa đảo đến băng nhóm tín dụng đen đến băng nhóm cướp giật. Mới đây nhất là chuyện Công an Q.Ba Đình (Hà Nội) bắt 12 thanh niên xưng nhóm "Những chú báo nhỏ" trên Facebook, chuyên quậy phá ban đêm và dùng hung khí tấn công người đi đường vô cớ. Không thể loại trừ chuyện những người trẻ tuổi trong các băng nhóm kiểu đó đã học "thói giang hồ" từ ngay những trang mạng mà họ tiếp cận hằng ngày. Khả năng bị nhiễm thói xấu rất cao khi một số tay xã hội đen sau khi ra tù thì ngày ngày đăng tải hình ảnh, video "phô trương lực lượng".

Chuyện phải nghĩ, và phải có giải pháp, là chuyện quản lý môi trường thông tin mạng. Đừng xem môi trường mạng là môi trường ảo, là môi trường phụ của cuộc sống con người nữa. Đến nay phải xem mạng thông tin là một cấu phần hữu cơ trong tổng thể môi trường sống của con người, để mà việc xây dựng chiến lược và công cụ quản lý môi trường này phải được đặt vào trọng tâm và quyết tâm.

Nhìn bao quát về tiến trình phát triển của môi trường internet nói chung, đến nay cơ chế quản lý "mềm" dựa trên nguyên tắc tự quản lý thông qua các khuyến nghị, cảnh báo và tẩy chay dường như đã chạm giới hạn, nghĩa là không còn có khả năng phát huy hiệu quả để kiểm soát môi trường mạng. Các quốc gia hầu như đều mạnh mẽ gia tăng các khung luật dành cho kiểm soát môi trường internet, đặc biệt là tăng cường các công cụ kiểm soát "cứng" kèm theo các chế tài khắt khe để điều chỉnh trách nhiệm và hành vi của tất cả các bên liên quan.

VN cũng nên thế, cũng phải thế. Các điều luật kiểm soát trách nhiệm của các nhà cung cấp nền tảng và dịch vụ mạng đều cần phải tăng cường. Đừng viện dẫn các ý niệm về tự do biểu đạt một cách thiếu chiến lược và có phần "cải lương" rồi vô tình tạo không gian cho các hoạt động và hành vi nguy hiểm hoặc phương hại đến lợi ích chung của xã hội. Phải theo đuổi những quan điểm như: nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội không vô can trước những hiện tượng lạm dụng và biến tướng của hành vi người dùng, gây ra những điều tệ hại. Thử hỏi, thuật toán của mạng xã hội với hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo như hiện nay thì khó gì trong việc phát hiện và ngăn chặn những băng nhóm giang hồ mượn mạng xã hội để làm "căn cứ địa". Nếu họ chưa chịu làm, thì chính quyền phải có điều khoản luật tương ứng buộc họ phải làm. Ở VN, chúng ta từng biết đến sự thay đổi tính năng dịch vụ của Zalo khi tính năng này bị "biến tướng", vô tình trở thành công cụ hỗ trợ cho hoạt động mại dâm.

Đã đến lúc chính quyền phải mạnh tay trong việc kiểm soát môi trường thông tin mạng. Chiến lược "can thiệp trực tiếp từ chính quyền" cũng được thế giới nhìn nhận là một trong số các chiến lược quản lý môi trường internet.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.