Đặc thù vườn sân thượng là ở trên cao, càng trống trải nên sự tác động của mưa gió càng mạnh. Để trồng được khu vườn sân thượng xanh mướt phải tốn rất nhiều công sức và tâm huyết, nên đa phần nông dân sân thượng đều rất lo lắng mỗi khi mưa gió thất thường. Với kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng cây sân thượng, nhiều nông dân phố thị đã “bật mí” những bí quyết giúp giữ được khu vườn sân thượng vẫn xanh tốt trong mùa mưa.
Để giữ được thành quả nông sản trên vườn sân thượng vào mùa mưa gió là điều không phải dễ dàng |
NVCC |
Những phương pháp cần lưu ý
Anh Nguyễn Văn Giàu (sống tại đường Phạm Văn Bạch, Q.Tân Bình, TP.HCM) là một trong những “thần tượng” của rất nhiều nông dân sân thượng bởi độ “mát tay” và khả năng trồng thành quả vườn sân thượng luôn xanh mướt và sai trĩu quả. Anh Giàu cũng nhận định mùa mưa gió là mùa mà tất cả mọi người trồng cây trên sân thượng đều cảm thấy khó khăn và áp lực trước các vấn đề của cây trồng và nền đất, chính điều này cũng đã đóng góp một phần không nhỏ khiến rất nhiều nông dân sân thượng phải từ bỏ đam mê của mình giữa chừng…
Bí xanh sân thượng của anh Giàu khiến nhiều người phải trầm trồ |
NVCC |
Phân tích cặn kẽ hơn về các tác động của mưa, anh Giàu cho biết đầu tiên là đối với đất trồng thì khi trời mưa liên tiếp nhiều ngày, nền đất bị sũng nước sẽ dẫn đến nguy cơ cây trồng bị úng rễ và phân bón bị rửa trôi một phần nào đó, điều này có thể khiến cây trồng bị thiếu hụt một số nguyên tố dinh dưỡng cần thiết để sinh trưởng và phát triển một cách thuận lợi. Còn đối với cây trồng thì trong điều kiện thời tiết ẩm ướt kéo dài, nền nhiệt thấp và độ ẩm cao, cây trồng rất dễ bị suy yếu và đó cũng là điều kiện thuận lợi để các loại nấm bệnh phát sinh và gây hại, đặc biệt là các loại nấm bệnh phổ biến như: sương mai, thán thư, gỉ sét, thối cổ rễ…
“Phương án xử lý và khắc phục là thường xuyên theo dõi cây trồng hàng ngày để kịp thời phát hiện các dấu hiệu của bệnh hại từ đó sẽ có phương án xử lý thích hợp với từng loại bệnh cụ thể, tỉa bỏ các cành lá già, cành lá mọc sát gốc để giúp khu vườn thêm thông thoáng. Khâu trộn đất phải chuẩn bị từ trước thật kĩ, đất trồng phải thật tơi xốp, thoát nước tốt và không được giữ lại quá nhiều lượng nước so với nhu cầu mà cây trồng có thể sử dụng”, anh Giàu chia sẻ và lưu ý thêm nếu trời mưa kéo dài liên tiếp trong nhiều ngày thì cần che đậy miệng chậu để hạn chế việc bị rửa trôi phân bón và đề phòng úng rễ. Cũng như tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thêm một ít vôi nông nghiệp để nâng cao pH cho đất và bổ sung thêm canxi cũng như các nguyên tố dinh dưỡng quan trọng khác từ đó sẽ tăng khả năng phát triển và sức đề kháng của cây trồng.
Mận (roi) ra trái cũng muốn gãy cành |
Bầu anh Giàu trồng trái cũng trĩu cành |
NVCC |
Nhắc đến tác động của gió thì anh Giàu cho biết nếu như các tác động của mưa thường âm ỉ và để lại hậu quả lâu dài kể cả sau một thời gian mưa dứt, thì tác động của gió sẽ đến ngay tức thì. Gió mạnh làm cho cây trồng bị nghiêng ngả, rách nát và dập lá hoặc thậm chí là gãy thân, bật gốc…công lao và thành quả của bạn trong vài tháng hay thậm chí vài năm có thể tan biến chỉ trong phút chốc.
“Trong trường hợp nhẹ nhất là cây trồng bị rách nát và dập lá, điều này cũng cực kỳ nguy hiểm vì từ các vết tổn thương ban đầu đó, vi khuẩn và nấm bệnh có thể trực tiếp xâm nhập vào cây trồng để gây hại, đặc biệt là các loại cây như rau xanh và các loại cây trồng thân thảo như dưa, cà…Nên phương án chuẩn bị và khắc phục là thường xuyên tỉa bỏ các cành già và cành không cần thiết để hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp của cây trồng đối với gió. Sử dụng các loại dây treo, cột, giàn…để cố định vị trí các cành và thân cây một cách thật chắc chắn. Sau mỗi lần mưa to gió lớn cần kiểm tra lại khu vườn một lượt để tìm ra các điểm yếu và khắc phục nó trong các trận mưa gió tiếp theo”, anh Giàu cặn kẽ phân tích.
Dưa lưới, ổi và mía trên vườn sân thượng của anh Giàu |
NVCC |
Tuy nhiên theo anh Giàu phương án tối ưu nhất là cần có một nhà màng chuyên dụng để trồng cây. Nhưng do chi phí lắp đặt và bảo dưỡng khá cao nên không phải ai cứ muốn là sẽ có được, một chiếc nhà màng sân thượng diện tích khoảng 50-70 m2 sẽ có chi phí lắp đặt dao động trong khoảng 20-30 triệu đồng nếu là loại tốt, chưa kể các chi phí phát sinh nếu hư hại về sau nên nó thường không dành cho tất cả mọi người.
Cần có sự chuẩn bị kỹ càng
Anh Phan Văn Nguyện (ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) dù “bén duyên” với trồng cây sân thượng thời gian chưa lâu, nhưng những thành quả mà anh gặt hái được từ khu vườn trên mây khiến nhiều người phải trầm trồ. Theo anh Nguyện thời tiết năm nay mùa mưa đến sớm, nên việc trồng rau sân thượng cũng gặp nhiều khó khăn nếu như không có sự chuẩn bị trước.
Bí, bầu, cà chua lúc lỉu quả trên khu vườn sân thượng của anh Nguyện |
Để tránh những ảnh hưởng bởi những cơn mưa gió mạnh hoặc kèm theo dông, anh Nguyện khuyên: “Trồng rau thì cần làm khung giàn chắc chắn, nếu không có mái che thì cần phải làm giàn sắt cố định khi trồng các loại dây leo như dưa, bầu, bí, mướp, khổ qua... Trồng rau cải cần làm mái che hoặc lưới che để tránh mưa làm ngập úng và dập nát. Bên cạnh đó thì cần phải dọn dẹp vệ sinh khu vườn sạch sẽ, gọn gàng để tránh tình trạng tắc nghẽn đường thoát nước, mặt sàn sân thượng ẩm thấp đọng rác và nước sẽ là môi trường để nấm bệnh và các loại côn trùng có hại, sâu bệnh trú ẩn”.
Cũng là người có rất nhiều kinh nghiệm trong trồng cây sân thượng, anh Lê Tám (ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM), quản trị group Nông phố thời nay, cho rằng trồng cây sân thượng trong mùa mưa gió bất thường gặp khá nhiều khó khăn và thách thức.
Nên theo anh Lê Tám để cây trồng sân thượng ít thiệt hại nhất trong mùa mưa gió bất thường như thế này thì cần lưu ý những điều này. Chẳng hạn như đối với dưa lưới là loại cây trồng rất nhạy cảm với thời tiết vì vậy nếu có dự báo mưa gió to và nhiều ngày ta cần gia cố gốc dưa và thân dưa cho thật chắc để mưa gió không làm bật gốc, gãy cành. Có thể che phủ tránh nước mưa xối vào gốc dưa gây ngập úng gốc.
Dưa lưới sân thượng của anh Lê Tám |
NVCC |
“Cũng nên pha nước vôi trong tưới gốc trước khi mưa để thân dưa cứng cáp, chống chọi qua mấy ngày mưa gió nhiều. Trời ít nắng do mưa nhiều nên dưa dễ bị nấm lá, vì vậy ta cần phun (thân, gốc, lá) bằng thuốc Antracol (hoặc nước vôi trong) để phòng ngừa bệnh nấm lá, bệnh vàng lá thối rễ... Cần thủ sẵn lưới lan để che bớt nắng ngay sau những ngày mưa nhiều và liên tiếp tránh không cho dưa bị sốc nhiệt héo rũ sau những ngày mưa kéo dài rồi nắng gắt sau mưa quá đột ngột. Cần tưới Humic và phân Roots kích thích mọc rễ mới và bảo vệ bộ rễ luôn khỏe chống chọi trong mùa mưa gió. Trong những ngày mưa gió nhiều không nên tưới phân hoặc có thể tưới nhưng phải pha loãng để tưới”, anh Lê Tám tận tình lưu ý.
Nho anh Lê Tám trồng cũng lúc lỉu trên cành |
NVCC |
Với cây nho thì anh Tám cho rằng cần phun thuốc phòng bệnh sau những cơn mưa kéo dài bằng Antracol và Cabrio Top để lá và trái nho luôn khỏe, sạch bệnh. Nếu mưa nhiều ngay thời điểm nho ra bông thì nên bao bọc túi ni lông theo từng chùm bông để hoa không rụng và bao bọc từng chùm trái (sắp thu) cho nho chín không bị nứt.
“Táo nếu ra bông ngay mùa mưa sẽ rụng bông và ít đậu trái, vì vậy ta nên hạn chế cắt cành tạo bông làm trái ngay mùa mưa gió nhiều, hoặc nếu bông nở ngay lúc những ngày mưa gió to thì cần che phủ ni lông cho cây ít rụng bông. Qua các vụ trồng vườn sân thượng thì trồng vào mùa mưa gió thật bất lợi và khó khăn do nấm bệnh, nếu ta biết rõ đặc tính của từng loại cây mà có cách phòng trị kịp thời sẽ hạn chế những thiệt hại”, anh Lê Tám chia sẻ.
Bình luận (0)