Đến ngành dừa bị gian lận mã số vùng trồng

Chí Nhân
Chí Nhân
13/12/2024 14:08 GMT+7

Ngành dừa - trước ngưỡng cửa trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tỉ USD kêu cứu về tình trạng gian lận mã số xuất khẩu và thiếu nguyên liệu. Đây là thông tin được đưa ra tại diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa' tại tỉnh Bến Tre, ngày 13.12, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Diễn đàn ghi nhận nhiều thông tin bất ngờ là ngành dừa có khả năng trở thành ngành hàng xuất khẩu tỉ USD trong năm 2024 nhưng doanh nghiệp và hiệp hội đồng loạt kêu cứu. Ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Kỹ thuật Công ty Vina T&T Group cho biết: "Ngày 12.12, chúng tôi phát hiện lô hàng 10 container dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói (CSĐG) của công ty. Đây là một vấn đề nổi cộm cần giải quyết triệt để, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành dừa xuất khẩu".

Đến ngành dừa bị gian lận mã số vùng trồng- Ảnh 1.

Năm 2024, ngành dừa Việt Nam có khả năng đạt kim ngạch 1 tỉ USD

ẢNH: CTV

Cũng theo ông Phú, hiện nay, nhiều tổ chức sau khi được cấp MSVT đã vi phạm quy định bằng cách bán lại hoặc cho thuê, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Thậm chí, một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký, dẫn đến việc vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu mà còn khiến các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường kiểm soát hoặc đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này gây thiệt hại lớn cho nông dân và doanh nghiệp chân chính.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam thừa nhận: Ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy tại Bến Tre nhưng lượng cung của tỉnh không đủ cho tất cả hoạt động khiến nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 10 - 15%.

"Nếu không sớm có chính sách thuế, tạo hàng rào thuế quan để giữ lại nguồn nguyên liệu dừa cho ngành công nghiệp chế biến trong nước thì ngành dừa của chúng ta chắc chắn sẽ lao dốc", bà Thanh kêu cứu.

Dừa là một trong 6 loại cây trồng nằm trong "Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030". Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030 diện tích dừa khoảng 195.000 - 210.000ha, trong đó vùng trồng dừa trọng điểm ĐBSCL khoảng 170.000 - 175.000ha. Đồng thời, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP, hoặc tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 30%.

Từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỉ USD trong năm 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.