Thất lạc giấy tờ tùy thân, đồ đạc ở sân bay
Chị Đỗ Lê Hà Thu (32 tuổi), làm việc ở Phòng khám đa khoa Duy Khang, Q.7, (TP.HCM), kể lại chuyện từng "khóc ròng" vì làm thất lạc giấy tờ tùy thân của cả hai vợ chồng vào dịp trước tết 2024 ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo chị Thu, khi bỏ đồ đạc vào khay đựng để qua máy soi tia X trước khi đi qua cổng từ, vì sơ ý, đã quên lấy hai căn cước công dân. Đến lúc đứng đợi ở cửa ra máy bay, chị Thu giật mình khi phát hiện sự cố và vội vàng tìm kiếm.
"Tuy nhiên, thời điểm cận tết, sân bay rất đông, lượng khay đựng được thu lại và dịch chuyển liên tục từ khu này sang khu khác nên tôi bất lực tòng tâm trong việc tìm lại hai căn cước công dân", chị Thu kể lại kỷ niệm nhớ đời và cho biết thêm: "Sau những ngày tết năm ngoái, hai vợ chồng phải ở nán lại quê để làm căn cước công dân".
Theo anh Nguyễn Chí Kiên, nhân viên an ninh soi chiếu ở sân bay Tân Sơn Nhất, trường hợp hành khách để quên đồ đạc, nhất là những vật dụng nhỏ như: tai nghe, căn cước công dân, bằng lái, hộ chiếu, mắt kiếng, vé máy bay... diễn ra thường xuyên. Những đồ đạc mà hành khách làm thất lạc sẽ được lực lượng an ninh hàng không tổng hợp lại và hỗ trợ trao trả khi hành khách liên hệ. "Dù có thể tìm lại được, nhưng hoặc mất thời gian, hoặc sẽ dẫn tới việc lo lắng, làm ảnh hưởng đến cảm xúc. Chính vì thế, đừng nên chủ quan để không làm thất lạc đồ đạc", anh Kiên nói.
Anh Kiên chia sẻ: "Sau khi nhận lại khay (đã đi qua cổng từ - PV), khách lưu ý kiểm tra lại đồ đạc một cách cẩn thận. Dừng lại khoảng 15 giây để vừa xem trong khay còn vật dụng nào hay không, cũng như nhớ lại bỏ đồ đạc vào mấy khay? Bên cạnh đó, có thể để giấy tờ tùy thân, vật dụng nhỏ… vào ngăn ngoài của túi xách, ba lô nhằm tránh trường hợp sơ ý bỏ quên".
Đừng chụp ảnh vé máy bay để khoe
Nguyễn Tiến Tuấn, sinh viên Trường CĐ Nghề TP.HCM, thừa nhận bản thân có thói quen chụp ảnh vé máy bay đăng lên mạng xã hội, như là cách để thông báo với bạn bè đã rời TP.HCM.
Tương tự, anh Trần Hải Ninh (34 tuổi), làm việc ở Công ty công nghệ quảng cáo Nguyễn Trường, Q.Gò Vấp (TP.HCM), cũng kể hay cập nhật những chuyến di chuyển bằng cách đăng vé máy bay lên Facebook. Trong số đó không thể thiếu những chuyến bay về quê đón tết.
Tuy nhiên, cả anh Ninh và Tuấn đều không biết những hệ lụy tiềm ẩn của việc này. Theo anh Trương Hoàng Bảo, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, không nên khoe vé máy bay lên mạng xã hội. Bởi lẽ vé máy bay chứa nhiều thông tin quan trọng như: họ và tên, mã chuyến bay, mã đặt chỗ, giờ khởi hành và giờ đến, số ghế ngồi, mã vạch… Từ đó, kẻ xấu có thể tra cứu được những thông tin cá nhân của chủ vé. Nếu bị người khác biết họ và tên đầy đủ, biết được mã đặt chỗ trên thẻ lên máy bay, thì họ có thể thay đổi chỗ ngồi, lịch bay.
"Thậm chí có cả những hợp chụp vé máy bay cùng với giấy tờ tùy thân. Khi đó sẽ bị lộ thông tin cá nhân như: ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, số thẻ căn cước công dân hay chứng minh nhân dân… cho người khác. Kẻ xấu có thể lợi dụng để làm những việc vi phạm pháp luật", anh Bảo nói.
"Để không bị lộ thông tin cá nhân, đừng bao giờ đăng ảnh vé máy bay và giấy tờ tùy thân lên mạng xã hội. Hành động tưởng chừng vô hại này tiềm ẩn nhiều rủi ro", anh Bảo khuyên.
Thực tế cho thấy vẫn có những người muốn đăng ảnh vé máy bay, thì làm sao cho an toàn? Anh Bảo cho rằng: "Cần làm mờ hoặc che những thông tin như: họ và tên, mã chuyến bay, mã đặt chỗ, hạng vẹ, số ghế, chỉ để lộ nơi đi và nơi đến".
Bình luận (0)