Ở quê đám cưới mà có được mấy cái đèn loại này thì nở mặt nở mày với lối xóm lắm rồi. Nhà thường thường thì xài đèn ống khói loại lớn, nhưng cũng rất tiết kiệm, chỉ đốt một cây để giữa nhà. Nhà nghèo thường xài đèn “hột vịt” nhỏ tẻo teo cho đỡ hao dầu. Khi có việc ra đường, người dân quê tôi thường lấy rơm khô vấn chặt thành bó, còn gọi là “con cúi”, hoặc dùng lá dừa khô bó lại rồi đốt lửa tạo nguồn ánh sáng bập bùng trong đêm tối khá thú vị. Khi trời mưa, đa số dùng “đèn bão” để khỏi bị tắt lửa. Đây còn là loại đèn được các nhà đóng đáy trên sông rạch hay ghe buôn sử dụng thường xuyên. Riêng lũ nhỏ xóm gò mả lạng của tôi thì ban đêm tụ tập học bài dưới ánh sáng của những chiếc “đèn chong”, loại đèn không có bóng thủy tinh phía trên, thân đèn làm bằng thiếc hoặc nhôm.
Lúc nhỏ, nội tôi thường kêu tôi đi mua dầu ở các tiệm “chạp phô” của người Tàu quanh xóm. Đơn vị bán là lít, xị, có lúc bán chỉ đủ lượng dầu nhỏ nhoi trong đèn rồi nhắm chừng tính tiền. Dầu lửa trắng mắc hơn dầu lửa đỏ đôi chút, nhưng được cái đốt lâu tim đèn ít bị lụn, đỡ phải cắt bỏ tim đèn.
Cuộc sống phát triển, quê tôi bắt đầu có đèn bình ắc quy, nhưng hết bình phải gửi lên tỉnh sạc khá bất tiện. Xuất hiện dịch vụ cho câu điện trả tiền từ sáu giờ tối tới mười giờ đêm từ các cơ sở phát điện bằng “đi na mô” của máy đèn chạy dầu “ga dôn”. Rồi điện quốc gia đã về. Đèn đường, đèn nhà sáng rực mỗi khi đêm đến. Chỉ còn đèn dầu từ các ngôi nhà trong những con rạch nhỏ, những con đường trắc trở tận cùng vì chưa có điện. Người dân quê nghèo nay còn biết cân nhắc lựa chọn những loại đèn đẹp, sang trọng, tiết kiệm, tránh bị hư mắt...
Những chiếc đèn xưa thực sự đã đi vào quá khứ, chỉ còn chăng trên trang sách học, những thước phim, tác phẩm văn học như những chứng nhân lịch sử mà thôi. Chuyện bình thường nhưng sao lòng tôi cứ tiêng tiếc, thương thương hoài những chiếc đèn xưa.
Song Anh
>> Thắp đèn dầu cạnh nhà máy thủy điện
>> Thôn “đèn dầu bếp củi” đã có điện
>> Thôn đèn dầu bếp củi
Bình luận (0)