Hai hình ảnh trái ngược
Lê Hữu Nhật Đăng (34 tuổi), trưởng phòng nhân sự một công ty lĩnh vực môi trường ở Q.7, TP.HCM, cho biết trong giới công sở tồn tại một câu chuyện khá phổ biến là nhiều người trẻ thể hiện hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau.
Cụ thể theo anh Đăng, cũng một người nhưng khi đi làm lại thể hiện là một nhân viên hòa đồng với đồng nghiệp, hưởng ứng các hoạt động của công ty, không hề có một lời ta thán. Thế nhưng sau đó lại "bóc phốt" công ty bóc lột sức lao động nhân viên, "đẻ việc" để nhân viên làm ngoài giờ, làm thêm vào ngày cuối tuần.
"Tôi cũng từng là nạn nhân của việc ngồi lê đôi mách từ nhân viên. Họ luôn thể hiện sự lịch thiệp, lễ phép khi gặp trong công ty. Nhưng sau đó, tôi lại nghe những xì xào không tốt về bản thân mình. Bất ngờ ở chỗ người nói xấu tôi lại là người luôn tỏ ra kính trọng tôi", anh Đăng kể.
Anh Vũ Đình Hòa, Phó giám đốc Công ty dệt may Thế Hòa, Q.5 (TP.HCM) cũng nhìn nhận việc nhân viên "vẽ" chuyện không đúng về công ty, về lãnh đạo trong những dịp túm chụm cùng những "cạ cứng" trong hội bạn thân dù rằng luôn thể hiện là một người yêu mến công ty, kính trọng lãnh đạo... là một góc khuất hoàn toàn có thật.
Để minh chứng điều này, anh Hòa cho biết khi họp để đưa ra kế hoạch kinh doanh của công ty, tất cả các nhân viên đều tán thành đồng ý, nhận xét phương án thúc đẩy sự phát triển của lãnh đạo công ty là hợp lý.
"Vậy nhưng, cũng những nhân viên đó lại nói khác đi trong các cuộc tán gẫu, cho rằng lãnh đạo ép nhân viên, lãnh đạo không có tầm nhìn, tạo ra kế hoạch "trên trời" chứ không khả thi. Khi tôi nghe được cảm thấy hoang mang và không thể nào lý giải được vì sao tồn tại những sự trái ngược ấy", anh Hòa chia sẻ.
Trần Mỹ Hằng (27 tuổi), nhân viên quan hệ công chúng của công ty chuyên lĩnh vực Agency ở số 49 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM cũng cho biết: "Có những đồng nghiệp hài lòng tuyệt đối về mức lương cũng như các chính sách đãi ngộ của công ty dành cho họ. Vậy nhưng trong các buổi trò chuyện riêng, họ lại bày tỏ than phiền, thể hiện sự bức xúc".
Cũng theo Hằng, nhiều người luôn "kính trên nhường dưới", "dạ, thưa" với đồng nghiệp lớn tuổi hay người có vị trí cao trong công ty. Tuy nhiên khi rời khỏi khuôn viên công ty, trò chuyện trên những nhóm kín, lại thể hiện sự bất mãn, thiếu tôn trọng.
Không nên "đeo mặt nạ"
Thạc sĩ tâm lý Huỳnh Thanh Hoa, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng câu chuyện không hài lòng với đồng nghiệp, lãnh đạo là chuyện luôn tồn tại trong các công ty. Tuy nhiên cách xử sự của một bộ phận người trẻ hiện nay không đúng.
"Nếu cảm thấy có sự mâu thuẫn, nên tìm cách tháo gỡ để mối quan hệ giữa nhân viên với nhân viên, nhân viên với lãnh đạo, hay nói cách khác là mối quan hệ đồng nghiệp trở nên hiểu nhau hơn, gắn kết hơn. Chứ không nên "bằng mặt không bằng lòng", trước mặt vẫn ngọt ngào xởi lởi nhưng sau đó lại nói xấu lẫn nhau. Đừng nên tự tạo hai hình ảnh ở hai chiều hoàn toàn trái ngược", chị Hoa nói.
Cũng theo chị Hoa, nếu một ai thể hiện hai hình ảnh đối lập khi ở công ty và rời công ty sẽ khiến bản thân người đó mất điểm trầm trọng trong mắt đồng nghiệp. "Nếu chẳng may những câu chuyện "thầm thì nhỏ to" nói xấu người khác vô tình đến tai người bị nói xấu thì dẫn đến việc rạn nứt những mối quan hệ. Ngoài ra, khi phải nghe những điều tiêu cực về một ai đó, thì người nghe cũng sẽ cảm thấy ái ngại, lo lắng bởi có thể một ngày chính họ cũng sẽ thành nạn nhân", chị Hoa phân tích.
Theo chị Hoa: "Người trẻ đi làm cần cố gắng trong công việc, phát triển những mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của công ty. Tuyệt đối không nên nói sai sự thật về người khác".
Chị Lê Thị Hoài Xuân (29 tuổi), phụ trách tuyển dụng của một công ty về du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM ví von rằng việc thể hiện hai hình ảnh khác nhau của một người giống như "đeo mặt nạ".
"Đeo mặt nạ như vậy sẽ tự khiến bản thân "mất điểm" và trở nên không đáng tin cậy. Đó là điều tối kỵ trong công việc lẫn trong cuộc sống. Hãy là một người "có sao nói vậy". Làm nhân viên công sở, chứ không làm diễn viên. Vì thế, không nên "đeo mặt nạ", không cần phải hóa thân để "tô vẽ" bản thân thành một nhân dạng khác", chị Xuân nói.
Bình luận (0)