Deutsche Bank: 'Châu Âu đang bệnh nặng'

12/07/2016 08:02 GMT+7

Brussels rất cần một gói cứu trợ 150 tỉ EUR để bắt đầu chương trình tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn khu vực này. Đây là nhận định của chuyên gia David Folkerts-Landau thuộc ngân hàng Deutsche Bank.

Hậu Brexit, tức Anh quốc rời Liên minh châu Âu (EU), trọng tâm chú ý đang chuyển về ngành ngân hàng Ý, vốn đã tích lũy 360 tỉ EUR nợ xấu, theo Russia Today. Cựu thành viên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Lorenzo Bini Smaghi, người hiện là chủ tịch Societe Generale từng cảnh báo cuộc khủng hoảng ngân hàng Ý có thể lan ra khắp châu Âu.
“Châu Âu đang bệnh nặng và phải bắt đầu đối phó với các vấn đề của họ cực kỳ nhanh, nếu không có thể sẽ đối mặt với khó khăn. Tôi không phải là nhà tiên tri về ngày tận thế, tôi là người theo chủ nghĩa hiện thực”, chuyên gia Folkerts-Landau nhận định.
Theo ông Folkerts-Landau, Brussels nên làm theo các bước mà Washington từng làm, giúp đỡ các ngân hàng Mỹ bằng gói cứu trợ 475 tỉ USD. “Ở châu Âu, gói cứu trợ không cần quá lớn. Chương trình 150 tỉ EUR là đủ để giúp các nhà băng châu Âu tái cơ cấu vốn”, ông nói.
Sự sụt giảm trong cổ phiếu ngân hàng chỉ là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn nhiều, đó là tăng trưởng thấp, nợ cao và giảm phát nguy hiểm, chuyên gia ngân hàng Deutsche Bank nói thêm.
12 tháng qua, cổ phiếu Deutsche Bank lao dốc 48%. Ngân hàng lớn khác của châu Âu là Credit Suisse có cổ phiếu sụt 63% kể từ ngày 31.7 năm ngoái. Chỉ số Europe 500 Banks and Financial Services của Bloomberg giảm 33% trong năm 2015, xuống đáy hơn bảy năm hồi tuần trước.
Chuyên gia Folkerts-Landau vẫn cho rằng có ít khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, vì các nhà băng đã phát triển ổn định hơn và có nhiều vốn cổ phần. Dù vậy, họ vẫn đối mặt với “đợt xuống dốc chậm, dài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.