Đại học châu Á vừa đạt được những thành tựu đáng kể và có thể vượt qua những trường hàng đầu của Mỹ và châu u trong 2 thập niên tới.
Biến đổi nhanh chóng
Đó là nhận định của QS, một công ty giáo dục Anh có nhiều bảng xếp hạng đại học (ĐH) thế giới và khu vực, theo trang tin University World News. Ông Ben Sowter, người đứng đầu bộ phận tin tức của QS, vốn biên soạn các bảng xếp hạng, cho rằng giáo dục ĐH châu Á đang có sự biến đổi nhanh chóng, trong đó Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc và Hàn Quốc đang dẫn đầu khu vực trong cuộc cạnh tranh học thuật toàn cầu.
|
Ông Sowter chỉ ra: “Số ĐH châu Á lọt vào nhóm 200 ĐH hàng đầu thế giới tăng 17% kể từ đợt suy thoái kinh tế thế giới năm 2008. Trong 2 thập niên tới, những ĐH hàng đầu của Mỹ và châu u sẽ bị ĐH châu Á qua mặt… Khi các chính phủ phương Tây vật vã duy trì các mức hỗ trợ, các ĐH châu Á nhanh chóng tăng cường khả năng thu hút giáo sư và sinh viên giỏi nhất của thế giới. Khi chi phí học tập gia tăng ở Bắc Mỹ và Anh, châu Á đang thu hút chất xám bằng cách đầu tư học bổng để thu hút sinh viên giỏi từ phương Tây”. Theo QS, số lượng sinh viên quốc tế đến học ở các ĐH được xếp cao ở châu Á tăng từ 175.286 vào năm 2009 lên 255.212 vào năm 2013. Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng cán bộ giảng dạy quốc tế cũng tăng từ 21.223 lên 35.677.
Hai bảng xếp hạng gần đây cho thấy các ĐH châu Á đang dẫn đầu thế giới. 10 vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng 300 ĐH châu Á được QS công bố ngày 10.6 lần lượt gồm ĐH Khoa học và công nghệ Hồng Kông, ĐH Quốc gia Singapore cùng ĐH Hồng Kông, ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Bắc Kinh, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), ĐH Khoa học và công nghệ Pohang (POSTECH) của Hàn Quốc, ĐH Trung văn Hồng Kông, ĐH Tokyo và ĐH Kyoto. POSTECH và KAIST còn lần lượt chiếm vị trí 1 và 3 trong 10 vị trí đầu của bảng xếp hạng 100 ĐH dưới 50 tuổi hàng đầu thế giới được tạp chí Anh Times Higher Education công bố ngày 19.6. Biên tập viên Phil Baty của Times Higher Education nhận định việc Hàn Quốc chiếm 2 vị trí nói trên khiến nước này trở thành “sao” của bảng xếp hạng. Ông nhấn mạnh thành tựu của Hàn Quốc cho thấy những quốc gia đủ ý chí để xây dựng những ĐH đẳng cấp thế giới trong thời gian ngắn có thể cạnh tranh với các ĐH uy tín ở Mỹ và Anh.
Việt Nam vẫn ở ngoài cuộc
Nhiều ĐH ở châu Á được cho là đang có biến đổi nhanh chóng và ngày càng chiếm các vị trí cao trong các bảng xếp hạng. Tuy nhiên, các trường ĐH Việt Nam dường như vẫn chưa theo xu hướng này. Cụ thể, trong bảng xếp hạng 300 ĐH hàng đầu châu Á năm 2013 của QS, chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng, nhưng chỉ được xếp vào nhóm vị trí 201 - 250. Điều này cho thấy ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn chưa tăng hạng so với năm 2012. Ngoài ra, không có trường ĐH Việt Nam nào lọt vào bảng xếp hạng 100 ĐH dưới 50 tuổi tốt nhất thế giới năm 2013 của Times Higher Education. Hai bảng xếp hạng trên được đăng tại http://www.topuniversities.com/university-rankings/asian- university-rankings/2013 và http://www.timeshighereducation.co.uk.
Minh Trung
>> Đại học châu Á trỗi dậy
>> Xếp hạng 400 đại học hàng đầu thế giới 2012 - 2013
>> Sinh viên VN bước vào các trường đại học hàng đầu thế giới
>> 100 trường đại học hàng đầu thế giới: Trường Tokyo xếp hạng 22, cao nhất châu Á
Bình luận (0)