Giữ ổn định phương thức tuyển sinh ĐH chính quy năm 2024
Ngày 3.1, theo thông tin từ ĐH Đà Nẵng, năm 2024 ĐH này vẫn giữ ổn định chỉ tiêu như năm 2023 và tiếp tục lựa chọn xét tuyển theo 4 phương thức tuyển sinh.
Cụ thể, các phương thức tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức; Xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng của các trường.
ĐH Đà Nẵng cũng thông tin thêm, tùy vào đặc điểm đào tạo của ngành thuộc các trường, đơn vị thành viên của ĐH Đà Nẵng mà phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bố chỉ tiêu giữa các phương thức sẽ khác nhau, phù hợp theo từng cơ sở giáo dục đó.
ĐH Đà Nẵng gồm 9 trường ĐH thành viên và đơn vị đào tạo trực thuộc gồm: Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt- Anh, Khoa Y- Dược.
Hấp dẫn ngành "hot" thiết kế vi mạch bán dẫn
Hiện tại, đã có 2 trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng đã công bố phương thức cũng như chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024: Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn.
Trong đó, Trường ĐH Bách khoa dự kiến tuyển sinh 3.500 chỉ tiêu với 6 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng, tuyển sinh riêng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét kết quả thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Năm nay, Trường ĐH Bách khoa mở mới một chuyên ngành là vi điện tử- thiết kế vi mạch.
Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU) tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu cho 3 lĩnh vực gồm máy tính và công nghệ thông tin (960 chỉ tiêu); kinh doanh và quản lý (460 chỉ tiêu); báo chí và truyền thông (80 chỉ tiêu) .
Đặc biệt, kỳ tuyển sinh 2024, VKU sẽ tuyển sinh mới với 4 mã ngành/chuyên ngành đào tạo gồm thiết kế vi mạch bán dẫn, marketing, công nghệ truyền thông, an toàn thông tin.
Trước đó, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn đã công bố hoàn thành thủ tục và sẽ tuyển sinh đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch từ năm 2024. Đây sẽ là trường đầu tiên tại khu vực miền Trung tuyển sinh, đào tạo ngành này. VKU dự kiến tuyển sinh mới từ năm 2024 - 2027 khoảng 500 chỉ tiêu, chuyển tiếp 180 sinh viên các ngành gần sang thiết kế vi mạch bán dẫn. Như vậy, từ năm 2028 trở đi, trường sẽ có sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn đáp ứng nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao từ thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài việc đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch, VKU cũng sẽ triển khai các lớp đào tạo nhanh, tập huấn phối hợp với doanh nghiệp dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ 60-100 chỉ tiêu hàng năm. Năm 2024, sẽ mở chương trình đào tạo thạc sĩ liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn.
Đáng chú ý, VKU thông tin điều chỉnh ngưỡng điểm chất lượng đầu vào từ 18 điểm (năm 2023) lên 21 điểm (năm 2024) và điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách mới hỗ trợ người học cho tất cả các phương thức tuyển sinh nhằm đồng hành, hỗ trợ thí sinh có kết quả xét tuyển cao nhập học vào trường. Mức hỗ trợ sẽ từ 50% đến 100% học phí từng học kỳ hoặc toàn khóa tùy vào từng nhóm đối tượng.
Đặc biệt, đối với thí sinh trúng tuyển chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn có điểm xét tuyển từ 27 điểm trở lên sẽ được xét hỗ trợ 100% học phí 2 học kỳ đầu tiên; từ 26 - 27 điểm được xét hỗ trợ 75% học phí 2 học kỳ đầu tiên; từ 24 – 26 điểm được xét hỗ trợ 50% học phí của 2 học kỳ đầu tiên.
Thí sinh trúng tuyển ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, người học còn được xét hỗ trợ miễn phí 100% chỗ ở trong ký túc xá của trường từ 1 - 4 học kỳ đầu của khóa học.
Bình luận (0)