Thông tin chính sách thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc và nhà khoa học đầu ngành được chia sẻ trong hội nghị thường niên 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) tổ chức hôm nay (22.12).
Mở chương trình đào tạo mới, liên ngành, liên trường
Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết năm 2024 được xác định là năm bản lề đặc biệt quan trọng, quyết định thành công các mục tiêu trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQG TP.HCM trong giai đoạn mới 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Ông Quân cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm tới là triển khai đề án "Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐHQG TP.HCM". Thí điểm đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, viên chức và người lao động dựa trên kết quả đầu ra. Nghiên cứu đề xuất phương án tái cấu trúc Trường Phổ thông Năng khiếu.
Cũng theo PGS-TS Vũ Hải Quân, ĐHQG TP.HCM sẽ mở một số chương trình đào tạo mới, liên ngành, liên trường phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước như: công nghệ bán dẫn-thiết kế vi mạch, công nghệ năng lượng mới, các mô hình tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, nhà trường tăng số lượng học viên sau ĐH và số lượng công bố quốc tế của học viên sau ĐH; triển khai thí điểm một số môn học chung và công nhận tín chỉ cho học sinh THPT có tài năng vượt trội theo phương thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Về khoa học công nghệ, người đứng đầu ĐHQG TP.HCM cho biết đơn vị này sẽ chủ động đặt hàng một số đề tài, dự án nghiên cứu theo hướng liên ngành, phù hợp với chiến lược phát triển ĐHQG TP.HCM. Tiếp tục tăng số lượng công bố quốc tế trong danh mục Scopus, triển khai hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước, thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo, ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và đào tạo theo hướng liên ngành.
Đáng chú ý, ĐH này định hướng hoàn thiện đề án gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, thành lập doanh nghiệp trực thuộc ĐHQG TP.HCM.
Các chính sách đãi ngộ thu hút nhà khoa học trẻ xuất sắc và đầu ngành
Trong hội nghị, tiến sĩ Lê Thị Anh Trâm, Trưởng ban Tổ chức cán bộ ĐHQG TP.HCM, chia sẻ thông tin về đề án "Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐHQG TP.HCM từ năm 2023 đến năm 2030".
Theo đề án này, ĐHQG TP.HCM đặt mục tiêu thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành còn ít nhất 5 năm công tác tính đến hết tuổi lao động theo quy định, về làm việc trong giai đoạn 2023-2030. Trong đó, giai đoạn 1 (2023-2025) thu hút 100 nhà khoa học và giai đoạn sau thu hút thêm 250 người.
Để thực hiện đề án này, ĐHQG TP.HCM đã công bố chính sách thu hút trong phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc, thu nhập và đãi ngộ với nhà khoa học cụ thể.
Về chính sách phát triển nghề nghiệp, trong thời gian 2 năm đầu công tác tại các đơn vị thuộc ĐHQG TP.HCM, nhà khoa học được đảm bảo cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C cấp ĐHQG TP.HCM (kinh phí tối đa 200 triệu đồng). Năm thứ 3, tiếp tục được đảm bảo cấp 1 đề tài loại B với kinh phí tối đa 1 tỉ đồng. Đến năm thứ 4 được hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học và năm thứ 5 được hỗ trợ nhằm đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn và hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, GS cấp nhà nước.
Nhà khoa học đầu ngành trong 2 năm đầu công tác được bố trí là trưởng nhóm trưởng trung tâm nghiên cứu, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, được đảm bảo cấp 1 đề tài nghiên cứu loại B cấp ĐHQG TP.HCM, hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nhà trường hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu và xây dựng cộng đồng nghiên cứu trong và nước ngoài, phối hợp với các nhà khoa học ở nước ngoài công bố, triển khai các dự án chung; hỗ trợ đăng ký học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ được vận hành bởi VinUniversity; hỗ trợ kinh phí tham dự hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế tối đa 1 lần/năm.
Chính sách thu nhập được thực hiện theo từng đơn vị, bao gồm: lương, thưởng, các khoản phụ cấp, thu nhập do giảng dạy vượt giờ chuẩn, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh...
Học sinh giỏi vượt trội ở bậc THPT có thể học trước chương trình đại học
Những chính sách đãi ngộ tại các đơn vị thuộc ĐHQG TP.HCM bao gồm: du lịch, khám chữa bệnh, hỗ trợ nhà công vụ đối với các nhà khoa học có nguyện vọng và chính sách đặc thù riêng mỗi đơn vị. Ngoài ra, nhà khoa học được khen thưởng khi công bố bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín, đăng ký thành công sáng chế, xuất bản sách, giáo trình.
Trong thông tin đề án, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng công bố rõ các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể về thành tích nghiên cứu khoa học với các công bố cụ thể với nhà khoa học được thu hút.
Bình luận (0)