'Đi bão' là gì, sao nhiều người thích đi?

25/01/2018 09:32 GMT+7

Cần nói ngay 'bão' được nhắc đến không phải là thuật ngữ nói về một loại hình thời tiết mà khi nghĩ đến người ta thường lo sợ. 'Bão' trong bài này có ý nghĩa hoàn toàn khác.

"Đi bão" là gì?
Má tôi ở quê vào thăm đúng dịp diễn ra giải U.23 châu Á. Chiều 20.1, sau màn lội ngược dòng không tưởng của U.23 Việt Nam trước U.23 Iraq với tỉ số 5-3 sau loạt sút luân lưu (hòa 3-3 giờ đấu chính thức) ở vòng tứ kết, trong lúc ngất ngây sung sướng tột cùng, tôi rủ má: "đi bão" thôi má ơi! Má ngạc nhiên hỏi ngay: "Đi bão" là gì vậy?
Câu hỏi bất ngờ khiến tôi chẳng thể nào trả lời được.
Nhiều "bóng hồng" xuống đường "đi bão" để thể hiện tình yêu bóng đá ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Tôi nhớ lại đúng 10 năm trước, tôi cũng từng thốt lên câu hỏi y hệt. Đêm đó, 28.12.2008, trận chung kết lượt về giải AFF Cup 2008, Công Vinh lắc đầu điệu nghệ ghi bàn ở phút 94, gỡ hòa 1 - 1, giúp Việt Nam chiến thắng chung cuộc 3 - 2, qua đó lần đầu vô địch Đông Nam Á. Và đêm đó, lần đầu tiên trong đời tôi “đi bão”.
Tôi hỏi người bạn rủ mình: “đi bão” là gì? Bạn nói: “Là đem ngay cái nồi trên bếp, mau ra xe rồi… đi bão”.
Và đêm ấy, dù chẳng nhận được một lời giải nghĩa rõ ràng nào, nhưng với những gì tôi chứng kiến, trải nghiệm, tự tôi hiểu được "đi bão" là gì.
Là sau tiếng còi kết thúc trận đấu, khắp mọi nẻo đường, người dân đổ ra đường, ai nấy đều nở nụ cười rạng rỡ cùng hô vang: "Việt Nam, Việt Nam", "Việt Nam vô địch"... Những lá cờ tổ quốc tung bay khắp mọi nơi. Trống, kèn, tù và, còi hơi, tiếng huýt sáo, hay bất cứ vật dụng gì phát ra âm thanh, như cái nồi chúng tôi đem theo... đều được mang ra sử dụng để đập, gõ, hú hét trong sự vui sướng tột cùng.
Nơi đông nhất, có lẽ là khu vực quanh Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM (Q.1, TP.HCM). Mọi người, từ trẻ đến già, nhảy cẫng lên reo hò vui mừng khôn xiết, phấn khích đến tột cùng. Không gian ở đây huyên náo, rộn rã hơn bao giờ hết. Những hình ảnh của Công Vinh, Phước Tứ, Dương Hồng Sơn, Vũ Phong, Minh Phương, Tài Em... được giương cao hết cỡ... Tôi nhớ đêm đó, đến 2 giờ sáng, "bão" mới tan.
"Đi bão" để hòa mình vào không khí chung vui của cả nước ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Và sau đêm 20.1, sau khi U.23 Việt Nam đánh bại đối thủ cực mạnh U.23 Iraq để lập nên kỳ tích. Không cần đợi tôi cho câu trả lời chính xác nữa, má tôi, một phụ nữ ở vùng quê nghèo, chưa bao giờ yêu bóng đá hay thích môn thể thao vua, cũng đã tự cảm nhận được nhiều điều về "đi bão".
Má cười tươi và gật gù với những người xa lạ, rằng U.23 Việt Nam đá quá hay, má cũng giơ hai tay vui chung niềm vui với mọi người đang say men chiến thắng của đội nhà.
Má còn bảo tôi ghé hai bên đường để mua cờ đỏ sao vàng và băng rôn với dòng chữ "Việt Nam chiến thắng" để không phải lạc lõng khi hòa vào dòng người đang cuồn cuộn gào hét trên khắp các nẻo đường. Má tôi bị xương khớp, đau lưng thường xuyên, vậy mà đêm 20.1, "đi bão" từ Q.Bình Tân, qua Q.6, Q.5, rồi đi khắp các tuyến đường Q.3, Q.1, Q.Bình Thạnh... vậy mà vẫn cười: "chẳng thấy đau nhức gì".
Má nói: "Giờ thì má mới hiểu, hóa ra 'đi bão' là bắt đầu từ tình yêu bóng đá, 'xuống đường' để hòa mình vào không khí chung vui của cả nước, để trái tim chung nhịp đập với khán giả nước nhà...".
"Đi bão" có từ bao giờ?
Tôi từng thắc mắc như vậy và chưa tìm được câu trả lời chính xác. Tôi chẳng thể biết nguồn gốc xuất xứ của "đi bão" bắt đầu từ đâu, và khi nào thì mới "đi bão".
Tôi chỉ nhớ đêm 24.12.2008, sau trận chung kết lượt về giữa Thái Lan và Việt Nam trên sân Rajamangala, với chiến thắng 1 - 2 cho Việt Nam, người dân cũng đã “đi bão”.
Hay anh Hiếu Trung (43 tuổi, ở Q.1, TP.HCM, một tín đồ bóng đá) kể lại, vào Tiger Cup 1998, khi Việt Nam cũng hạ gục Thái Lan, hàng ngàn người cũng đổ xuống đường “đi bão” để ăn mừng chiến thắng.
Thế nên nếu ai đó hỏi: “đi bão” có từ khi nào, có lẽ sẽ chẳng ai nhớ rõ để đưa ra câu trả lời đúng nhất. Chỉ biết rằng, khi mà đội tuyển bóng đá Việt Nam, dù ở cấp độ nào, là đội tuyển quốc gia hay U.23… tạo nên những chiến thắng vang dội ở những vòng đấu kịch tính, hạ gục những đối thủ mạnh hay cực mạnh, vô địch ở những giải đấu… Những chiến thắng vang dội và đội tuyển vô địch chính là động lực để hàng triệu người… “đi bão”, biến các nẻo đường như “biển người”, để đất nước được rợp cờ đỏ sao vàng tung bay khắp mọi nơi.
Và nếu như những lần đi bão vừa kể được ví là những lần “đi bão… vui” hay “bão lớn” bởi cùng nhau xuống đường sau những chiến thắng lịch sử của bóng đá Việt Nam, thì cũng có cả những “cơn bão… nhỏ” hay “đi bão… buồn”. Đó là những khoảnh khắc Việt Nam thua trận. Như trận thua trước Singapore 0 - 1 ở Tiger 1998 hay những lần lỗi hẹn với huy chương vàng SEA Games… Chỉ lác đác người "đi bão" như cách để tạm quên đi nỗi thất vọng...
Sau lần "đi bão" đáng nhớ trong đời, má tôi hỏi: "Sao ở quê mình không có 'đi bão'?" Tôi lý giải rằng "đi bão" với những cảm xúc không thể diễn tả hết bằng lời này, hiện diện khắp mọi nơi, từ vùng quê đến thành thị. Bởi sau mỗi chiến thắng của đội tuyển Việt Nam, thì với bất cứ ai, dù ở đâu, cũng có niềm tự hào dân tộc, cũng mong đổ ra đường để chia vui cùng mọi người. Thế nhưng, "đi bão" đông nhất là ở các thành phố lớn, như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ..., và nhiều nhất vẫn là người trẻ.
Bóng đá đã đem lại những cảm xúc tuyệt vời và khó tả nhất!
Kỳ 2: Người người "đi bão", nhà nhà "đi bão"
Khi cảm xúc thăng hoa thì bất kỳ ai cũng muốn xuống đường "đi bão". Đêm 23.1, trong số những người "đi bão" có những nhân vật vô cùng đặc biệt...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.