Ốc gạo ở Cồn Phú Đa (Chợ Lách - Bến Tre) nổi tiếng thơm ngon vì đây là vùng cát sa ốc to, vỏ màu xanh, ruột trắng thịt dầy. Ốc gạo không có nhớt, nên khi vừa đánh bắt lên có thể chế biến món ăn mà không cần phải ngâm cho mất nhớt như các loài ốc khác.
>> Diệu kỳ nấm mối Bến Tre
>> Về Bến Tre thưởng thức cơm nấu trong trái dừa
Ốc gạo có mặt ở khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ. Theo những người dân sinh sống trên dòng sông Cổ Chiên, đoạn qua xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre) thì cái tên ốc gạo do chính những người dân nơi đây đặt. Ngày trước cứ vào quãng tháng 5 hàng năm thì ốc lên bờ rất nhiều, những gia đình ven sông bắt về luộc ăn. Ăn không hết mới mang đi bán ở chợ, những hộ dân nghèo thì dùng ốc đổi lấy gạo, từ đó món ốc cứu đói được gọi bằng cái tên ốc gạo như để hàm ơn dòng sông Cổ Chiên đã sản sinh nên loài ốc ngon này.
|
Ốc gạo sinh sản rộ (nhiều) vào khoảng tháng 7 hàng năm và sống ở vùng đáy sông, ăn phù sa, động vật phiêu sinh. Theo kinh nghiệm của anh Ba Ngói, người đã nhiều năm sống trên dòng sông Cổ Chiên thì: ốc gạo béo ngon nhất vào khoảng tháng 5 âm lịch, khi đó con ốc to cỡ hạt mít, ruột trắng tinh. Ốc gạo tuy nhỏ nhưng ai đã từng thưởng thức đều nhớ vì vị béo, thơm, ngọt và giòn đến lạ kỳ. Đặc biệt ốc vào mùa sinh sản luộc chín thường có một lớp mỡ trắng dưới yếm, khều lên ăn sẽ thấy những con ốc con trắng tinh bên trong, nhai giòn rụm.
|
Ốc gạo có thể chế biền thành nhiều món như ốc gạo xào dừa, ốc gạo xào sả ớt, nấu lẩu mắm, hay thậm chí là đổ bánh xèo, trộn gỏi…nhưng tôi thích nhất vẫn là ốc luộc bởi vị ngọt thanh của ốc vẫn còn được giữ nguyên.
Còn gì bằng một buổi chiều ngồi nhâm nhi dĩa ốc gạo luộc chấm nước mắm tỏi ớt trên dòng sông Cổ Chiên, nghe đờn ca tài tử... Anh Ba Ngói nói vui: "Có lẽ một phần phù sa của con sông này đã được mang vào trong thịt ốc, mà con ốc ở đây ngọt ngon đến vậy".
Nhiều năm nay đoạn sông Cổ Chiên chảy trên địa phận Cồn Phú Đa nơi có loài ốc gạo sống đang được chính quyền địa phương bảo vệ, ngăn không cho thuyền lớn vào, sợ tràn dầu làm ảnh hưởng đến sự phát triển của loài ốc này.
Dạo thuyền trên dòng sông Cổ Chiên đón bình minh, đi chợ nổi, nghe câu chuyện về loài ốc gạo… tôi càng thêm yêu những chuyến đi. Một cảm xúc bình dị và mộc mạc, như thể chính mình là người Bến Tre vậy.
Đoàn Xuân
Bình luận (0)