Đi bộ ngày càng giảm vì quá đau nhức, coi chừng tắc động mạch chủ bụng

Lê Cầm
Lê Cầm
27/08/2022 10:10 GMT+7

Ông H.T.L (55 tuổi, ngụ Quận 1, TP.HCM) đi lại khó khăn suốt 2 năm nay. Mỗi lần ông đi bộ, 2 chân lại đau cách hồi và càng ngày triệu chứng càng tăng nặng.

Ông cho biết, lúc đầu có thể đi bộ 100 mét nhưng sau đó chỉ có thể đi được 50 mét, rồi giảm xuống còn 20 mét vì quá đau nhức. Tình trạng ngày càng nặng nên ông đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để thăm khám.

Ngày 27.8, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình nhận định, nguyên nhân không xuất phát từ hệ thống cơ xương khớp. Kết quả siêu âm mạch máu ghi nhận có tình trạng tắc mạch ở 2 chi dưới và tắc động mạch chủ bụng.

Bệnh nhân có bệnh nền mỡ máu cao, axit uric cao và hút thuốc lá nhiều năm. Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch chủ bụng ngay sau chỗ chia động mạch mạc treo tràng dưới làm cho máu tưới xuống hai chân giảm rất nhiều. Hai chân hiện chỉ được nuôi bằng hai mạch máu bàng hệ nhỏ và may mắn chưa bị hoại tử.

Theo bác sĩ Dũng, đây là tình huống rất nguy hiểm, bệnh nhân cần phải được điều trị bán cấp cứu. “Nếu tắc nghẽn mạch kéo dài thêm một thời gian nữa sẽ gây ra tình trạng thiếu máu nuôi hai chân và suy giảm chức năng của tất cả các tạng trong bụng. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến hoại tử chi dưới và nguy cơ tắc các mạch máu nuôi dưỡng tạng. Đặc biệt, nếu tiến triển tắc nghẽn nặng hơn, các cơn đau nhức có thể gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ não”, bác sĩ Dũng nói.

Phẫu thuật cho bệnh nhân

BVCC

Ca phẫu thuật được thực hiện trong 5 giờ đồng hồ. Bác sĩ Dũng cho biết, khi mở ổ bụng, toàn bộ động mạch chủ bụng từ dưới chỗ xuất phát của động mạch mạc treo tràng dưới đã bị bít bởi các mảng xơ vữa. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với hình ảnh chụp CT chẩn đoán trước đó.

Cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, bệnh nhân hồi tỉnh và phục hồi tốt, sau một ngày có thể ăn uống, đi lại, 4-5 ngày đã có thể sinh hoạt bình thường và xuất viện.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Dũng, trường hợp của bệnh nhân L. sau phẫu thuật mới chỉ là điều trị xong hậu quả của tình trạng hẹp tắc mạch máu. Bệnh nhân vẫn phải tiếp tục kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá mỡ… để không mắc các bệnh động mạch vành, động mạch cảnh, bệnh mạch máu ngoại biên...

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, nếu xuất hiện các triệu chứng đau cách hồi ở chân khi đi bộ, ví dụ đầu tiên đi được 300 mét, giảm xuống 200 mét, về sau chỉ đi được 50 mét, 20 mét, chân đau nhức phải ngồi nghỉ, là dấu hiệu đặc trưng của bệnh tắc động mạch chủ bụng mạc treo tràng dưới. Người bệnh nên thăm khám chuyên khoa tim mạch để được can thiệp, điều trị sớm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.