Sự phản ứng do bãi xe nằm ngay đầu đường sách Nguyễn Văn Bình, nên nếu bị đình chỉ hoạt động thì sẽ bất tiện khi phải gửi xe ở xa. Tuy nhiên, thực tế thì trong bán kính 500 m tính từ đường sách Nguyễn Văn Bình, có không ít bãi giữ xe. Thậm chí, cách đó khoảng 200 m cũng có một vài bãi giữ xe. Chính vì thế, lý do “bất tiện” dường như không hề hợp lý, nhất là khi trong một nghiên cứu mới đây do Đại học Stanford (Mỹ) thực hiện đã đánh giá VN nằm trong số nhóm các nước mà người dân ít đi bộ nhất.
Nghiên cứu trên được thực hiện dựa theo dữ liệu của hơn 717.000 người ở 111 quốc gia. Dữ liệu được trích xuất từ thiết bị theo dõi sức khỏe kết nối với điện thoại di động thông minh, tập hợp tổng số đơn vị ngày hoạt động là hơn 68 triệu ngày. Trong đó, VN bị xếp vào nhóm ít vận động, khi hoạt động trung bình chỉ khoảng 3.500 bước/ngày. Còn mức trung bình theo nghiên cứu là xấp xỉ 5.000 bước/ngày.
Dù nghiên cứu trên hoàn toàn không phải được thực hiện trên toàn bộ người dân VN và chỉ mang tính tham khảo, nhưng chúng ta cũng cần thừa nhận rằng người Việt rất ít đi bộ trong sinh hoạt hằng ngày. Một nguyên nhân lớn của thực tế này là do tập quán phụ thuộc xe máy. Nhiều người vẫn chọn xe máy dù chỉ đi ăn uống hay mua đồ ở khoảng cách chưa đến 500 m. Trong khi đó, tại nhiều nước, việc phải đi bộ cả cây số từ nhà đến trạm xe buýt hay tàu điện ngầm là bình thường, nên số bước đi hằng ngày nhiều hơn người dân VN cũng là điều dễ hiểu. Và ai cũng hiểu, đi bộ và vận động nhiều về cơ bản sẽ giúp ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc đi bộ ở nhiều thành phố lớn tại VN không hề thuận lợi như nhiều nước phát triển. Đó là vì vỉa hè ở phần lớn đô thị nước ta đang bị lấn chiếm, làm khó người đi bộ. Thêm vào đó là mức độ ô nhiễm, đường phố ít cây xanh cũng khiến người đi bộ ở VN nhanh mệt hơn. Đó là những vấn đề mà chính quyền cần có kế hoạch giải quyết để tạo không gian cho người đi bộ. Làm được như vậy và khi người dân nâng cao nhận thức sẽ tạo ra dần tập quán đi bộ nhiều hơn.
Bình luận (0)