Đi chợ khuya

12/10/2022 09:30 GMT+7

Nhà tôi ở ven thành phố, ngày nhỏ thường theo mẹ và mấy dì trong xóm đi chợ khuya để bán trái cây, rau cải, lá chuối, lá môn vườn nhà…

Thời ấy chủ yếu chèo ghe đi đường sông vì giao thông đường bộ chưa dễ dàng như bây giờ. Ông ngoại cưa cây mù u lớn trong vườn xẻ ra thành ván đóng cho má tôi chiếc ghe tam bản để thuận tiện trong việc đi bán đồ trong vườn nhà. Từ ngày có ghe má thôi không phải đi quá giang mấy ghe khác trong xóm mà ngược lại, má cho mấy nhà không có ghe đi quá giang lại. Dì Tư xóm trên, dì Bảy xóm dưới hẹn với má nước lớn khuya dọn đồ xuống ghe rồi chèo đi. Vườn nhà có gì bán đó, mấy chục dừa khô, vài buồng chuối, mấy chục xấp lá chuối tươi bó lại, mấy cần xé mận, mấy thúng cam mật. Má sắp xếp phần nhà mình gọn sau ghe rồi chèo ra nhà dì Tư chờ dì xếp mấy xề rau muống, mấy xề cải ngọt xuống ghe, rồi lại ghé nhà dì Bảy chất mấy bao bắp nếp, mấy bó bông súng. Xong phần xếp đồ, dì Bảy giành phần cầm chèo, dì Tư ngồi phía sau, má bơi đầu mũi ghe, tôi được ưu tiên ngồi sạp giữa.

Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ

duy tân

Trên đường đi, vừa chèo ghe hay bơi trước mũi ghe, mấy dì và má lại kể cho nhau nghe, chuyện nhà, chuyện con cái, chuyện buồn phiền với người này, người kia trong xóm rồi khuyên nhau, động viên nhau bỏ qua để sống cho vui vẻ. Từ những chuyến đi chợ khuya, tôi mới biết thế nào là trăng nước, sông quê. Những đêm nước lớn có trăng lên, sóng trên sông không ào ạt, chỉ lăn tăn, gió sông mát rượi, trăng lấp loáng, lấp loáng soi bóng trên mặt sông, tôi thấy dòng sông như rộng ra. Con sông trăng làm cho bến bãi ven bờ đẹp hẳn, yên bình, tĩnh lặng một góc quê. Khi chèo ghe lướt đi, lướt đi ven bờ lùi lại, lùi lại cho đến khi bến chợ hiện ra dưới ánh đèn phố thị.

Ba tôi đã mất trong chiến tranh, dượng Tư, dượng Bảy cũng ra đi để mấy dì với mảnh vườn, miếng ruộng và nỗi lo tiền ăn, tiền học nên vườn nhà có cái gì, má và mấy dì chắt chiu, gom góp lại rồi cùng nhau đi chợ khuya bán. Gọi là chợ khuya theo dân dã vì người đi chợ tầm khoảng 11 giờ đêm cho đến 3 hoặc 4 giờ sáng. Chợ khuya hồi đó họp ở bến Ninh Kiều, sau này dời lui về một đoạn ở phường Tân An nên gọi luôn là chợ Tân An. Vì là đồ nhà nên thấy giá phải chăng thì bán, bán theo kiểu miền Tây, một chục có đầu. Dừa khô một chục 12 trái, xoài một chục 14 trái, một chục nải chuối sống 12, một chục bắp 14 trái, một chục cam 16 trái, một chục xấp lá chuối 12, lá môn một chục 12 bó. Thấy bà bạn hàng nào mua mau, không trả giá nhiều, không lựa ép trái lớn bỏ qua loại nhỏ má và mấy dì cho thêm một mớ với thái độ vui vẻ. Ngược lại bà bạn hàng nào khó tính lựa trái lớn nhiều, ép giá mà hôm đó dội chợ buộc lòng phải bán, má với mấy dì dù có cho thêm nhưng cũng có chút buồn.

Người bán ở chợ khuya đa số là cây trái vườn nhà nên linh động cho thêm hoặc cân thêm là chuyện bình thường, không có chuyện cân thiếu, đếm thiếu. Người đi chợ thường rồi quen nhau, đến chợ hay hỏi thăm nhau thiệt lòng. Biết nhà chị Năm, chú Tám năm nay trúng mùa quít, mùa sầu riêng người ta mừng cho nhau. Hỏi thăm chị Chín ở Giồng Ổi bị bệnh, người đi chợ quen buồn lắm, rồi chị có dìa cho tôi gởi lời hỏi thăm chị Chín mau mạnh.

Với tốc độ đô thị hóa, xóm quê nơi tôi ở dần hình thành những khu đô thị mới. Bây giờ siêu thị, hệ thống các cửa hàng tiện ích ken dày trong các khu phố. Thỉnh thoảng nhớ chợ khuya, tôi lại rủ ông xã chở đi, sẳn tiện mua một mớ trái cây vườn. Đi chợ khuya bây giờ dễ lắm, đường xá rộng rãi, thoáng chạy xe Honda vèo vèo mươi phút đã đến chợ Tân An. Trên đường đi cũng thường hay gặp những chiếc xe gắn máy chở đủ loại trái cây, rau cải xuôi về chợ. Phương tiện chuyên chở đã có thay đổi, linh hoạt hơn, không còn đơn thuần chuyên chở bằng ghe như xưa. Ghe vẫn còn là phương tiện chuyên chở, nhưng hiếm có ghe chèo, đa số chạy máy. Trên ghe vẫn có chèo, hoặc dầm để phòng khi máy có sự cố thì chèo hoặc bơi đến chỗ sửa chữa. Dọc theo đường Hai Bà Trưng người ta bày bán đồ vườn đủ chủng loại, giá rẻ lại tươi ngon. Bạn hàng vẫn đi lại mua, trả giá, cân, đếm rồi gom về các sạp hoặc đưa về các chợ nhỏ khác để bán lại. Hôm nào siêng hơn, tôi đi chợ trên khu trung tâm thương mại Cái Khế thuộc phường Cái Khế.

Ngoài chợ nổi Cái Răng đa phần bán sĩ, chợ Tân An và chợ Cái Khế có mức độ người đi chợ nhiều và trung chuyển hàng hóa, nông sản đi các nơi khá sầm uất tại thành phố Cần Thơ. Không khí chợ đêm lao xao cả khu phố dài, đêm mát dịu, gió lồng lộng vậy mà đó đây có người mồ hôi ướt áo vì chuyển hàng. Các quán bán hàng ăn cho người đi chợ khuya đủ loại không thiếu món gì, từ bún phở, hủ tiếu, cháo lòng… cà phê, nước uống đủ loại. Đi chợ khuya tôi hay đến gánh bánh mì cô Sáu, bánh mì nướng giòn, thịt xíu mại để trong cái cù lao, ở giữa có than đước nóng hổi. Cầm ổ bánh mì nóng ăn tại chợ khuya, mùi vị thơm ngon giá chỉ có mười ngàn.

Một đôi lần tôi kể cho bạn ở nơi khác nghe về việc tôi thích đi chợ khuya ở Cần Thơ. Bạn trêu tôi, mua đồ rẻ hơn được bao nhiêu đi chi cho cực vậy. Tôi giải thích với bạn, dĩ nhiên người ở vườn đem ra bán rẻ hơn bạn hàng mua rồi bán lại. Nhưng điều tôi thích thú đó là được cảm nhận tình người với nhau trong không gian chợ khuya, con người ta đối đãi với nhau chân chất, thiệt thà không mua gian bán thiếu. Tình người ở chợ khuya thương nhau theo kiểu tình làng nghĩa xóm, luôn giúp đỡ nhau, chia sẻ cùng nhau mọi khó khăn. Nhớ hôm chị Năm đau bụng đi cấp cứu rồi mổ ruột thừa, mấy chị ở chợ xúm lại, người kêu xe, người bán tiếp đống dưa leo rồi gom cần xé, cột ghe lại chờ người nhà chị Năm tới lấy về. Sau khi xuất viện, chị Năm đi chợ bán mớ dưa mót lại cuối mùa, bà con ở chợ mừng cho chị hết bệnh. Tôi thỉnh thoảng mới đi chợ khuya vậy mà có thím, có cô cũng nhớ mặt nói: Cô mua hông có trả giá, tui cho thêm nè! Chỉ vậy thôi mà sao tình người ở chợ khuya Cần Thơ quê tôi thật khó quên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.