Đi chơi dịp Quốc khánh 2.9, nhớ đừng bỏ lỡ các lễ hội sôi động

Thu Hằng
Thu Hằng
31/08/2024 07:55 GMT+7

Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 không chỉ là dịp để các gia đình nghỉ ngơi, vui chơi mà còn là cơ hội để trải nghiệm, khám phá văn hóa truyền thống qua các lễ hội.

Lên Mộc Châu theo tiếng gọi mùa yêu

Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9. Đối với người Mông ở Mộc Châu, Quốc khánh 2.9 còn được gọi là tết Độc lập và là một trong hai ngày hội quan trọng nhất trong năm.

Đi chơi dịp Quốc khánh 2.9, nhớ đừng bỏ lỡ các lễ hội sôi động- Ảnh 1.

Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra tại Mộc Châu trong suốt kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9

ẢNH: S.L

Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Mộc Châu, cho biết Tuần văn hóa, du lịch năm 2024 với chủ đề "Mộc Châu - tiếng gọi mùa yêu" được tổ chức đúng dịp lễ.

Điểm nhấn của Tuần lễ văn hóa, du lịch là chương trình nghệ thuật "Đắm say đêm hò hẹn" với các hoạt động công bố đô thị loại 4; công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 3 di sản: Lễ hội Cầu mưa của người Thái Trắng (xã Mường Sang), nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Tiền, nghi lễ Mo Mường của dân tộc Mường.

Cạnh đó, có nhiều hoạt động được tổ chức xuyên suốt kỳ nghỉ lễ, như: giới thiệu nét văn hóa đặc sắc các dân tộc H.Mộc Châu; hội chợ kết nối tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản an toàn; hoạt động cộng đồng đường phố; trại văn hóa các dân tộc; hoạt động ẩm thực; thi trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và văn hóa cộng đồng với chủ đề "Bảo tồn di sản - tinh hoa bản sắc".

Đến với Mộc Châu trong kỳ nghỉ lễ, du khách còn được chiêm ngưỡng màn trình diễn pháo hoa kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh; tham gia trải nghiệm các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, thi giã bánh dày, ẩm thực… của dân tộc Mông.

Không chỉ đắm chìm trong không gian lễ hội, du khách còn được tận hưởng không khí mùa thu mát mẻ, trong lành; check-in tại những vườn hồng chín vàng, vườn mận xanh mát, hay lạc lối ở thác nước đẹp như tiên cảnh…

Lượng khách qua sân bay Nội Bài dự kiến tăng 11% dịp 2.9

Lễ hội mùa thu Sapa

Mùa lúa chín tại miền Bắc thường bắt đầu từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, nhưng nếu du khách muốn "săn" lúa chín sớm thì Sapa (Lào Cai) là điểm đến không thể bỏ qua trong dịp lễ.

Tại Sapa, trong các ngày nghỉ lễ diễn ra Lễ hội mùa thu Sa Pa năm 2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên.

Đi chơi dịp Quốc khánh 2.9, nhớ đừng bỏ lỡ các lễ hội sôi động- Ảnh 2.

Lễ hội mùa vàng khu du lịch Sun World Fansipan Legend

ẢNH: T.H

Trong các ngày 31 - 1.9, Lễ hội mùa vàng bản Mây ngập tràn sắc vàng của lúa chín diễn ra tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend. Lễ hội tái hiện cuộc sống sung túc của bà con các dân tộc tại Lào Cai với những hình ảnh mùa màng bội thu, thóc đầy kho, lúa đầy bồ, mang lại một Bản Mây yên bình và trù phú.

Tại Khu du lịch Cát Cát, du khách được hòa mình vào sinh hoạt văn hóa địa phương qua Ngày hội văn hóa bản Mông với các các trò chơi dân gian Tây Bắc vô cùng đa dạng; trình diễn nghề thủ công truyền; rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc, se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ hoa văn sáp ong trên vải lanh, nghề đan thồ, bện hài; thưởng thức các món ăn từ cốm…

Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm nay còn có các chương trình giải trí thú vị khác như: biểu diễn xiếc nghệ thuật "Mường Hoa cổ tích", Đêm hội Trăng rằm năm 2024; Giải Marathon vượt núi Việt Nam 2024…

Tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể hội tụ tại Hà Nội

Từ 31.8 - 3.9, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, là địa điểm không thể bỏ qua của du khách trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2.9.

Các hoạt động nhân dịp Quốc khánh 2.9 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có sự tham gia của gần 300 nghệ nhân, đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng.

Đi chơi dịp Quốc khánh 2.9, nhớ đừng bỏ lỡ các lễ hội sôi động- Ảnh 3.

Chợ phiên vùng cao là điểm nhấn trong chương trình nghỉ Vui tết Độc lập tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

ẢNH: LVH

Các hoạt động nhân dịp Quốc khánh 2.9 sẽ có sự tham gia của gần 300 nghệ nhân, đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng gồm: hơn 100 đồng bào của các dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mường, Thái, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Ê Đê, Khmer…

Điểm nhấn trong chương trình nghỉ lễ năm nay là Chợ phiên vùng cao - vui tết Độc lập được tái hiện với nhiều hoạt động như: múa khèn, trình diễn giã bánh dày của dân tộc Mông (Thái Nguyên); dân ca, dân vũ "Vui tết Độc lập"; tái hiện lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Nùng (Thái Nguyên); tái hiện nghi lễ gội đầu của dân tộc Thái (Sơn La).

Cạnh đó, Ngày hội văn hóa địa phương "Không gian văn hóa, du lịch tỉnh Bắc Ninh giữa lòng Hà Nội" với các hoạt động như trình diễn văn hóa phi vật thể như: múa Rối nước Đồng Ngư, dân ca Quan họ Bắc Ninh, trò chơi dân gian kéo co làng Hữu Chấp.

Ngoài ra, tại trung tâm TP.Hà Nội còn diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật xuyên suốt 4 ngày nghỉ lễ như: chương trình Áo dài kết nối du lịch với di sản Hà Nội diễn ra tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và một số tuyến phố ở Q.Ba Đình, Q.Hoàn Kiếm và Q.Long Biên ngày 1.9; tổ chức tặng khoảng 28.000 suất quà cho du khách đến viếng Lăng Bác trong ngày 2.9.

Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tổ chức chương trình biểu diễn múa rối miễn phí trong các ngày 1 - 2.9; Văn Miếu - Quốc Tử Giám mở triển lãm Nghiên bút còn thơm từ 31.8 - 25.9; Công viên biển Tuần Châu Hà Nội (H.Quốc Oai) với chương trình biểu diễn Tinh hoa Bắc bộ có màn bắn pháo hoa vào tối 2.9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.