Đi chống dịch, khóc ròng khi bị 'boom' trăm đơn hàng: 'Đặt thử xem được không’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
07/09/2021 15:00 GMT+7

“Ai thấu cảnh này, vừa gặp cơn mưa thời tiết kèm cơn mưa 'boom' hàng. Ngày ít thì vài chục đơn, nay gần 100 đơn. Gọi điện thì nói đặt thử xem được không thôi”, chàng trai chống dịch ở P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú thở dài.

1.001 lý do để 'boom' hàng

Hơn 2 tháng qua, tình nguyện viên Nguyễn Phi Hổ (30 tuổi) ở P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM cùng đồng đội kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, bao gồm hỗ trợ UBND phường giao hàng mà người dân đã đặt ở siêu thị. 
Hổ đưa ra cho chúng tôi xem những hình ảnh và video clip quay lại cảnh những bịch hàng bị người dân "boom" (đã đặt hàng nhưng khi giao hàng thì không nhận). Hàng được đóng gói, xếp la liệt trên xe đẩy trước một siêu thị ở Q.Tân Phú. Đó là chiều tối ngày 31.8, ngoài trời, Sài Gòn mưa tầm tã.

Tình nguyện viên ngồi bệt ngay dưới đất, soạn đơn, tính tiền hàng giúp người dân, vất vả như thế này nhưng vẫn bị 'boom' hàng

Ảnh Phi Hổ

Cạnh đó, những tình nguyện viên đã mệt bơ phờ, ngồi bệt ngay trên đất để cộng trừ tiền. Thế nhưng, nhiều bà con vẫn "boom" hàng, khiến tình nguyện viên chỉ biết khóc ròng. Gọi điện tới nơi, nhiều người dân đưa ra 1.001 lý do để phủ nhận đơn hàng là của mình.
“Chúng tôi gọi điện để giao hàng. Người thì đáp “Em ở Q.4 sao đặt đồ Q.Tân Phú được chứ”. Người nói “Em ơi anh ở Bình Dương mà”. Rồi “Chị ở Hà Nội mà em”. Hay “Em chỉ đặt thử xem được không”. Thậm chí, có người còn nói “Giờ hết tiền nhận rồi” rồi cúp máy", Hổ kể.
Làm tình nguyện viên chống dịch, Hổ và đồng đội đã xác định là chấp nhận nguy hiểm và vất vả. Tuy nhiên, việc bị "boom" từ vài chục đơn, tới ngày cao điểm gần 100 đơn hàng như hôm 31.8 là một điều nằm ngoài dự đoán của các anh.
Hổ cho biết trong những ngày mà Sài Gòn tầm tã, các tình nguyện viên chống dịch như anh vẫn đội mưa đi xe đến, gõ cửa từng nhà để giao hàng. Nhiều người không biết Hổ và anh em là tình nguyện viên, vừa nhìn thấy đã la mắng xối xả là sao giao trễ vậy. Người thì chửi bới bằng những từ ngữ rất khó nghe, người thì gọi điện thoại mãi không nghe máy.

Anh Hổ trong một lần đi giao hàng

Ảnh NVCC

Chàng trai tình nguyện viên đi chợ giúp dân

Hổ và những người đồng đội của anh - những tình nguyện viên chống dịch P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú luôn nhiệt huyết trong suốt 2 tháng qua

Không phải giao hàng một lúc là được ngay, có những đơn hàng, Hổ cùng các tình nguyện viên phải chạy đi chạy lại, giao tới giao lui. Thậm chí, có lần anh phải liên lạc với người đặt hàng từ lúc 14 giờ cho đến 17 giờ nhưng không ai bắt máy. Đến lúc người dân chịu trả lời điện thoại thì nói là “nãy giờ đi ngủ”.
Để xử lý số đơn hàng đã đóng gói mà người dân không nhận, Hổ và các đồng đội ngồi phân loại ra, một phần để sắp xếp cho các đơn hàng khác. Còn lại, các anh nhờ mọi người làm ở UBND phường và đoàn viên thanh niên mua giúp.
Các tình nguyện viên chống dịch như Hổ cũng góp tiền lại mua hết số hàng còn lại để về sử dụng, hoặc tặng cho người thân đang cần. “Chúng tôi tự động viên nhau, thôi thì coi như mình đi mua hàng về. Chỉ mong những ngày sau không ai 'boom' hàng nữa, khổ cực cho đội ngũ tình nguyện viên và những người đi chợ giúp bà con lắm”, anh Hổ tâm sự.

Vừa mở hộp cơm, nghe điện thoại có người cần oxy là co giò chạy...

Là nhiếp ảnh, quay phim, người sáng lập studio Hoor Image ở TP.HCM, anh Nguyễn Phi Hổ cảm thấy mình cần phải lên đường đi chống dịch cùng những người trẻ khác khi chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trong 2 tháng qua, bên cạnh việc giao hàng, đi chợ giúp người dân ở P.Phú Thạnh, tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, anh và các bạn trẻ khác hỗ trợ công tác điều phối điểm tiêm vắc xin tập trung và đội tiêm vắc xin lưu động ở các tổ dân phố…

Những tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ, ngồi ngoài nắng điều phối tiêm vắc xin cho người dân

Ảnh Phi Hổ

Anh Hổ tại điểm tiêm vắc xin ở Trường tiểu học Phan Chu Trinh, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú

Bên cạnh đó, Hổ hỗ trợ giao bình oxy tới nhà, giao thuốc tới nhà của bệnh nhân Covid-19 cách ly tại gia… Anh còn hỏi thăm và động viên người bệnh ráng ăn, uống thuốc đầy đủ sẽ sớm khỏi bệnh. Công việc mỗi ngày có thể khác nhau, nhưng đều có điểm chung là ngày nào Hổ cũng ra khỏi nhà lúc 6 giờ và về tới nhà lúc 23 giờ.
Hổ cho hay trong tình hình dịch hiện nay, ai cũng có khó khăn, nhưng mỗi khi người trẻ cảm thấy không hài lòng với hiện tại, thì hãy nghĩ tới những tình nguyện viên chống dịch như các anh - những người không quản mưa nắng vì cộng đồng.
“Đôi khi tô mì còn đang dang dở, hộp cơm vừa mở, nhưng nghe “alo” một cái, là ai cũng co giò chạy đi xịt khuẩn, giao bình oxy, mua thuốc, giao thuốc giúp F0”, chàng trai đi chống dịch bộc bạch.

Những tình nguyện viên ở P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú đi mua thuốc, giao thuốc tận nhà tới các F0

Ảnh NVCC

"Động lực duy nhất của chúng tôi, chính là cùng Việt Nam vượt qua đại dịch"

Ảnh NVCC

Anh Hổ và đồng đội luôn động viên nhau vượt qua mọi khó khăn và nguy hiểm của công việc, kể cả những lúc bị người dân la mắng nặng nề, những ngày mưa lớn bị "boom" hàng cả chục tới gần 100 đơn. Anh nói: “Động lực duy nhất của chúng tôi là Việt Nam cùng vượt qua đại dịch. Chúng tôi tự hào về sức trẻ của mình, một niềm vinh dự khi được tham gia công tác chống dịch. Chúng tôi ai cũng ước mong khi Sài Gòn trở về trạng thái bình thường mới, được về quê thăm gia đình và tiếp tục bước tiếp hành trình của mình, thực hiện những kế hoạch còn dang dở”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.