Lê Thị Kim Châu, 22 tuổi, tình nguyện viên tham gia chống dịch ở P. Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM. Hai tháng nay, cô trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau: điều phối tại điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19; tham gia đội tiêm chủng lưu động; mua thuốc và thực phẩm giúp các F0. Những ngày qua, cô và những anh chị tình nguyện viên còn hỗ trợ phường, giao hàng mà người dân đặt qua các siêu thị, về từng nhà.
Lội mưa đi giao, còn bị la mắng té tát
Châu kể TP.HCM mùa này hay mưa tầm tã vào các buổi chiều. Cả đội đã quen với việc đội mưa đi giao hàng và những ngày làm việc tới 9 giờ tối vẫn chưa xong. Có khi cả đội đang tay xách nách mang những bịch hàng nặng trĩu thì mưa ập tới, không biết chạy trú mưa ở đâu, mấy anh chị em đều ướt như chuột. Khu vực Q.Tân Phú có nhiều điểm ngập nước, mưa lớn là nước ngập tới đầu gối, xe máy cũng chết máy, không chạy nổi.
|
Châu chia sẻ, có nhiều cô chú phải đợi tới 6, 7 ngày mới được siêu thị đóng gói xong đơn hàng, khi các tình nguyện viên giao hàng đến đã nóng tính, la mắng lại.
Cũng có nhiều gia đình, vì đợi hàng lâu từ các siêu thị nên đã tìm cách khác để mua, khi giao hàng tới thì không nhận khiến các bạn trẻ phải chạy đi chạy lại, giao tới giao lui rất nhiều lần. Trời mát còn đỡ, ngày mưa to gió lớn, đứng đợi bao lâu ở giữa đường nhưng người dân kiên quyết không nhận hàng, họ đành lủi thủi đi về.
“Ví dụ như chiều hôm trước mưa như bão, nhà ai cũng đóng cửa. Em và một anh trong đội đành phải để xe trên đường rồi đi bộ, giao hàng từng nhà trong hẻm, nước thì ngập tới đầu gối. Vậy nhưng xách đồ vô tới hẻm, gõ cửa từng nhà để người dân ra nhận nhưng có người xem đồ xong thì không nhận còn la lối. Đây là đồ của siêu thị, tụi em là tình nguyện viên giúp phường đi giao thôi, đâu biết gì khác. Tụi em càng giải thích, cô chú càng la lớn hơn”, Châu kể.
Chưa hết, công việc này còn lắm nỗi bi hài, khi giao hàng tới đúng những nhà mê phim. “Tối 30.8, mưa thì lớn, tụi em xách bịch đồ nặng quá trời tới, gọi người dân xuống nhận thì họ còn nói, “đợi đi, xíu ra, đang coi khúc phim hay”, Châu nhớ lại.
|
Cô gái tình nguyện chia sẻ, xác định đi chống dịch, đi giúp người dân là sẽ có những lúc như vậy nên buồn một lúc rồi thôi, vẫn tiếp tục công việc. Người dân có la mắng mình nhưng họ có đủ đồ ăn qua mùa dịch là mình cảm thấy ấm lòng rồi.
Bên cạnh những người chưa dễ thương, vẫn có những người dân tốt bụng khiến cô và những anh chị tình nguyện khác thấy vui. Không chỉ cảm ơn rối rít vì nhận được hàng, cô chú còn khen “may quá, nhà đang không còn đồ ăn, con giao tới cô chú mừng lắm. Các con còn trẻ mà giỏi ghê”.
Phải đi ở nhờ để tiện đường chống dịch
Châu trú ở P.4, Q.8, TP.HCM, công việc của cô khi dịch chưa bùng phát là làm nhân viên pha chế đồ uống. Thất nghiệp vì Covid-19, Châu vẫn muốn thời gian của mình có ích khi trở thành tình nguyện chống dịch.
Thời gian đầu khi thành phố triển khai tiêm vắc xin rộng trong toàn dân, điểm tiêm Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú luôn rất đông, có những ngày hơn 1.000 người tới tiêm khiến các bạn trẻ điều phối rất vất vả. Mặc đồ bảo hộ kín mít, cộng thêm trời nắng nóng, Châu và các anh chị nói tới khản giọng, mong bà con luôn giữ khoảng cách, trật tự, khai báo y tế đầy đủ để buổi tiêm vắc xin được an toàn.
|
|
|
“Nhiều cô chú chưa ăn sáng đã đi tiêm vắc xin, tụi em đi kiếm đồ ăn sáng cho mọi người. Trời nắng quá, tụi em cũng tìm nước mát để các cô chú được giải khát. Trời mưa lớn, tụi em tìm chỗ cho cô chú trú mưa, mình thì chịu ướt. Có người đợi nên la mắng lại tình nguyện viên nhưng tụi em cũng thông cảm, không trách gì cô chú. Nhưng có những lúc, cả nhóm giật mình vì có một cô chạy tới hỏi “Cháu ơi, cô là F1, nhà cô có người nhiễm, vậy thì cô có được tiêm vắc xin không”. Đi hỗ trợ điểm tiêm, tụi em đều xác định mình sẽ là F1 và có thể có nguy cơ là F0 bất cứ lúc nào nên càng phải cảnh giác, mặc đồ bảo hộ kỹ lưỡng”, Châu kể.
Bên cạnh đó, Châu và mọi người có mặt trong đội hình tiêm lưu động: đi tới từng ngõ hẻm trong “vùng đỏ”, xách loa ra kêu ai chưa tiêm vắc xin thì ra tiêm.
|
|
Thời gian trước, Châu vẫn chạy xe máy từ nhà ở Q.8 tới để tham gia đội hình chống dịch. Khi thành phố siết chặt việc đi lại, cô và một số tình nguyện viên phải ở nhờ văn phòng công ty của một tình nguyện viên khác trong Q.Tân Phú. Xa nhà mấy tuần lễ, Châu nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhưng cô động viên mình đang hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, vất vả rồi sẽ qua đi.
Châu bộc bạch: “Gia đình em ban đầu không cho em đi chống dịch vì lo dịch nguy hiểm nhưng em ráng thuyết phục mẹ để được đi hỗ trợ điểm tiêm cộng đồng, giao hàng giúp người dân hay tham gia đội tiêm lưu động. Hơn tuần nay mẹ giận em luôn vì em ở lại Q.Tân Phú. Nhưng giận thì giận, thương vẫn thương. Mẹ vẫn gọi cho em nói chuyện mỗi ngày. Lần nào mẹ cũng hỏi khi nào được nghỉ, vui buồn ra sao, có khó khăn gì, ráng làm cho tốt rồi sớm được về với gia đình nha con. Vậy là bao nỗi buồn trong em tan biến hết...”.
Bình luận (0)