Chạy đua giây phút cấp cứu F0: ‘Hơi thở người bệnh là động lực cho tôi’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
30/08/2021 07:00 GMT+7

“Tôi và bác sĩ chạy bộ lên lầu 4 một chung cư cũ, sơ cứu bệnh nhân rồi người thì vác bình oxy, 2 người khiêng cáng F0 chạy xuống xe cấp cứu. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, ai cũng khó thở và muốn ngã quỵ…”.

Lê Giáp Thắng kể lại với chúng tôi những ca cấp cứu F0 anh tham gia hỗ trợ gần đây. Chàng trai 32 tuổi, trú đường Bùi Đình Túy, P.24, Q.Bình Thạnh trong lúc tạm dừng công việc vì Covid-19 đã lên thẳng Trung tâm y tế khu vực I, TPThủ Đức, TP.HCM (số 6 Trịnh Khắc Lập, P.Thạnh Mỹ Lợi) để xin tình nguyện viên lái xe cấp cứu.
Công việc bất kể ngày đêm, chạy đua từng giây phút để cứu sống người bệnh, có lúc Thắng kiệt sức và muốn ngã quỵ, nhưng những hơi thở yếu ớt của F0 thúc giục Thắng không được bỏ cuộc.

“Bình thường chắc tôi không làm được”

Thắng cho hay đầu tháng 7.2021, khu dân cư của anh vì có ca F0 nên bị phong tỏa 21 ngày. Những ngày ở nhà, theo dõi tin tức dịch bệnh mỗi lúc một căng thẳng, anh tự nói với mình không thể ngồi yên thế này. Phải tham gia tình nguyện, để có thể góp sức cùng thành phố chống dịch.
“Tôi nhận nhiệm vụ tại trung tâm y tế từ 25.7 tới giờ. Thời gian đầu tôi rất hồi hộp, ngày thường công việc của tôi là quản lý vận hành trong một chung cư. Còn bây giờ, tôi được các anh chị hướng dẫn nghe điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ bệnh nhân, từ đó có thể sơ bộ đánh giá tình trạng bệnh nhân ra sao. Biết đặt các câu hỏi về bệnh lý nền, tình trạng sức khỏe, nồng độ oxy trong máu (Spo2) thế nào. Tôi cũng làm quen với các kiến thức về sơ cứu người bệnh rồi cách đánh giá các chỉ số Spo2 hay tải lượng virus (Ct). Quen cả với áp lực chạy đua với thời gian để có thể lái xe cấp cứu, cùng các y bác sĩ kịp thời tới nhà các F0”, anh Thắng kể.

Anh Thắng chạy đua với thời gian, cùng với các bác sĩ cấp cứu F0

Ảnh NVCC

Ngày 29.8, anh vận chuyển gần 40 F0 tới các bệnh viện thu dung trong thành phố, quay về trung tâm ngả lưng khi đã gần 0 giờ sáng

Sau khi sơ cứu ban đầu, tùy tình trạng của F0, bác sĩ sẽ chỉ định để đưa F0 này tới các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến nào. Với những trường hợp nặng, những bệnh nhân đặc biệt, anh Thắng phải đưa F0 tới các bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bình Dương. Có những chị mang thai 3 - 4 tháng rồi nhưng dương tính, bắt buộc phải đưa lên Củ Chi.
Khuya 28.8, trong cơn mưa nặng hạt, xe cấp cứu của Thắng chở một bà bầu 38,5 tuần vào cấp cứu tại Bệnh viện Từ Dũ. Đi sinh con, giây phút quan trọng nhất cuộc đời nhưng bà bầu chỉ có một mình...
“Mới đây, nhận được tin báo, chúng tôi chạy tới P.Bình Khánh, TP Thủ Đức. F0 ở tầng 4 một chung cư cũ, không có thang máy. Tôi cùng bác sĩ phải chạy bộ lên 4 tầng lầu, sơ cứu cho F0. Hơi thở của F0 đã rất yếu, chúng tôi lắp bình oxy cho người bệnh rồi tôi và bác sĩ khiêng F0 xuống, một anh thì khiêng bình oxy rất nặng đi cùng. Cứ thế mấy anh em cùng chạy", anh kể.
"Mặc bộ đồ bảo hộ, leo lên leo xuống cầu thang, có lúc tôi cảm giác mình muốn ngã quỵ xuống. Nhưng đặt vào hoàn cảnh phải cấp cứu người bệnh, phải mang lại hơi thở cho người bệnh, sức lực ở đâu ra tôi không biết nữa, chúng tôi không thể buông cáng. Cứ thế F0 đã được đưa tới bệnh viện an toàn. Nếu mà ngày thường bảo tôi chạy như thế, làm việc áp lực như thế, chắc tôi không thể làm được”, anh Thắng xúc động.

"Nếu ngày thường, có thể tôi không thể làm được..."

“Nếu tôi tới trễ 3 phút…”

Từ ngày là tình nguyện viên lái xe cấp cứu, anh Thắng đã thu xếp hành lý tới ở luôn trên trung tâm y tế. Ông bố của một em bé cũng tạm thời xa vợ con, để yên tâm làm nhiệm vụ.
Đường dây nóng ở trung tâm chẳng lúc nào “nguội”. Không chỉ chở người bệnh, Thắng còn vận chuyển bình oxy tới các nhà F0, thu hồi vỏ bình, nạp thêm oxy và chở tới trung tâm y tế… Có ngày Thắng chạy từ sáng tới khuya, ăn uống bằng hộp cơm từ thiện, ổ bánh mì hay gói mì và ngả lưng lúc 2 giờ sáng. Vài tiếng sau, điện thoại đổ chuông, mặc đồ bảo hộ vào là Thắng lại lên đường. Những F0 gọi tới anh là những người đã gặp tình huống khẩn cấp, không thể chậm trễ.

Anh Thắng, tài xế cấp cứu F0 ngoài đời thường

Thắng nhớ mãi một lần vừa nhận được điện thoại từ gia đình có cụ ông đang khó thở, cần xe cấp cứu gấp. Đội của Thắng tức tốc lái xe tới, nhưng các trục đường vào khu dân cư đã bị chặn cả, Thắng vừa phải kiếm đường vào, vừa giữ điện thoại với người thân F0 để tìm được đường tắt.  
Bác sĩ sơ cứu bệnh nhân, cho thở oxy xong là đưa thẳng tới bệnh viện. Sau đó Thắng nghe được bác sĩ nói may mắn cho cụ ông, chỉ cần đội xe cấp cứu trễ 3 phút thôi là cụ không thể qua khỏi. “Giây phút ấy tôi mừng lắm. Mỗi khi cùng góp sức được để cứu được một người, động lực để cứu thêm được nhiều người khác lại cao hơn trong tôi”.

Trung tâm y tế khu vực I, TP.Thủ Đức (TP.HCM) nơi anh Thắng và nhiều tình nguyện viên gắn bó

Ảnh NVCC

Nhưng không phải bao giờ những điều kỳ diệu cũng đều xảy ra. Một lần, cụ bà ở trong một ngôi chùa ở P.Bình An đã mất khi xe cấp cứu vừa tới bệnh viện, chính tay anh Thắng bế cụ bà xuống giường bệnh. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời anh đã ôm trên tay mình một thi thể vừa qua đời vì Covid-19. Những mất mát khiến lòng Thắng quặn thắt, anh chỉ biết nhủ lòng phải mạnh mẽ hơn để tiếp tục đồng hành cùng những chuyến xe cấp cứu.
Anh tâm sự: “Trong số những người thân ở nhà của tôi cũng có người đã dương tính với Covid-19. Dịch bệnh đáng sợ không chừa ai cả, tôi chỉ mong tất cả những ai đang còn sức khỏe hãy biết trân trọng, những người bệnh cũng đừng bi quan, chúng ta sẽ cùng đồng lòng với nhau, cùng thành phố chiến thắng dịch bệnh”.

Những tình nguyện viên quả cảm

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, anh Lê Đức Nhã, Phó trưởng phòng, Phòng kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm y tế khu vực I, TP.Thủ Đức (TP.HCM)  cho biết anh Thắng là 1 trong số 7 tình nguyện viên đang cùng 96 nhân viên cơ hữu của trung tâm cùng tham gia chống dịch.
Anh Nhã chia sẻ, trong tình hình dịch căng thẳng, các tình nguyện viên luôn cùng phối hợp với nhân viên để chăm sóc, cấp cứu F0. Mọi người luôn giữ tinh thần quả cảm, hy sinh vì sức khỏe cộng đồng, không kể ngày đêm và nguy cơ lây nhiễm.
Để thực hiện tốt công tác của mình, các tình nguyện viên hầu hết đều ở luôn trung tâm, dù không bắt buộc, để đảm bảo công việc nhanh nhất, hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người thân, cộng đồng. 
Điều rất đáng trân trọng là suốt thời gian qua, có các nhà hảo tâm, những tấm lòng từ khắp nơi chung tay góp sức cùng đội phản ứng nhanh phòng, chống Covid-19 thuộc trung tâm.
“Xa gia đình lâu, ai cũng có tâm tư chứ. Nhưng chúng tôi động viên nhau, động viên người thân phải cố gắng hơn nữa. Ai cũng mong đến ngày dịch bệnh được kiểm soát, người dân được tiêm vắc xin đầy đủ, để về bên gia đình. Chúng tôi luôn tin với sự đồng lòng, tương thân tương ái của đồng bào cả nước, sự quả cảm của nhân viên y tế và những tình nguyện viên như anh Thắng - tài xế cấp cứu F0 - chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch”, anh Nhã nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.