Trần Mai Trọng (trú tại P.10, Q.3, TP.HCM) phát hiện mình dương tính với Covid-19 sau một lần test nhanh. Không chỉ vậy, 5 thành viên khác trong gia đình anh, từ ông bà ngoại tới em gái cũng đều là F0. Ông bà ngoại cách ly điều trị tại nhà, còn Trọng và 3 người thân khác được đưa đến Bệnh viện dã chiến thu dung số 2 (P.Tân Thới Nhất, Q.12). Khi mọi người trong nhà đã khỏi bệnh và xuất viện, Trọng vẫn kiên quyết xin ở lại.
Kể cho các F0 câu chuyện của mình
Chỉ sau 9 ngày điều trị tại bệnh viện dã chiến, Trọng đã khỏi bệnh, nhưng không muốn xuất viện cùng những người thân của mình. "Tôi có bị mất khứu giác, vị giác, sốt nhưng nhanh chóng bình phục. Từ lúc dương tính cho tới ngày nhận kết quả xét nghiệm âm tính, tôi chỉ uống một viên hạ sốt duy nhất khi sốt cao”, Trọng kể.
Vào ngày 9.8, anh xin bác sĩ trưởng tầng cho mình được ở lại bệnh viện dã chiến và làm việc cho tới nay. Trọng nói: “Tôi muốn cảm ơn sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến. Tôi muốn dùng kinh nghiệm chiến đấu với Covid-19 để giúp các F0 khác, để họ cũng mau khỏi bệnh giống như tôi, để ai cũng được sớm về nhà”.
|
Trọng được các bác sĩ, điều dưỡng hướng dẫn cách lắp đặt bình oxy, đo chỉ số Spo2 (nồng độ oxy trong máu) cho bệnh nhân. Anh trực ở một lầu trong khu A của bệnh viện với 16 phòng. Công việc mỗi ngày của anh là phát cơm, thuốc cho các bệnh nhân, lấy bình và thay bình oxy.
Không chọn ở riêng một phòng khác trong bệnh viện dã chiến, Trọng ngủ ngay trong phòng với các bệnh nhân để có thể thuận tiện hỗ trợ họ ngay trong đêm, nhất là kịp thời giúp F0 khó thở được lắp và thay bình oxy khi hết. Các F0 có sẵn số điện thoại của Trọng, bất kể lúc nào, cần gì chỉ cần bấm số, anh có mặt để hỗ trợ ngay.
|
Đối diện giường Trọng nằm là một cụ ông có diễn biến trở nặng, nhưng cứ mỗi khi đi ngủ ông không chịu thở bình oxy mà thường đòi giật dây ra. Do đó, anh thường động viên ông, khuyên ông nghe lời bác sĩ thì mới sớm hết bệnh. Ngày nào, Trọng cũng giúp ông giặt đồ, dìu ông tới nhà vệ sinh. Những lúc ông đi vệ sinh ra quần áo, Trọng lại lau người cho ông, giặt bộ đồ dơ, phơi khô rồi gấp gọn để ngày hôm sau ông cụ có quần áo để thay.
Trọng từng làm nhiều công việc, từ shipper, đầu bếp, tới chuyển phát bưu phẩm… trước khi bị Covid-19 “ghé thăm”. Chưa bao giờ phải chăm sóc người bệnh, nhưng từ ngày hỗ trợ các y bác sĩ chăm sóc F0, chàng trai từ bỡ ngỡ đã thành thục trong công việc mỗi ngày. Không chỉ giúp đỡ tận tình các F0, Trọng cũng hay động viên mọi người. Anh kể về câu chuyện mình đã khỏi bệnh ra sao, hồi phục nhanh chóng như thế nào để những người bi quan, cô đơn khi mới vào đây cảm thấy được tiếp thêm động lực.
Vừa giao hàng vừa đi chống dịch
Trọng đam mê các hoạt động vì cộng đồng. Nhiều năm nay, anh là bí thư chi Đoàn khu phố 3, P.10, Q.3. Từ tháng 6, khi dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM, Trọng đều tranh thủ giao cho xong sớm các bưu kiện của mình rồi tham gia hỗ trợ các đoàn viên trong phường chống dịch. Có những ngày, đi làm về buổi chiều, Trọng thay đồ bảo hộ để hỗ trợ đoàn thanh niên đi lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, tối muộn mới xong việc. Về nghỉ ngơi một chút, sáng hôm sau anh đi làm sớm rồi lại tiếp tục hỗ trợ các công việc khác ở phường.
|
|
Tinh thần vì cộng đồng ấy vẫn cháy trong Trọng, dù anh có là F0 hay khi đã khỏi bệnh. “Lúc là F0, tôi vẫn cố tập thể dục trên sân thượng của bệnh viện dã chiến. Dù là bệnh nhân, tôi vẫn không bi quan mà nói với các bệnh nhân khác là đừng nản chí, vào đây cứ tuân thủ ăn uống, nghỉ ngơi, tập thể dục rồi sẽ sớm khỏi thôi. Và thực tế là rất nhiều người đã xuất viện trong suốt những tuần qua”, Trọng kể.
Mọi người quý mến Trọng, chàng trai cao lớn, sống thật thà, dễ gần, không nề hà việc gì ở bệnh viện dã chiến. Mua món gì ăn, mọi người cũng đặt thêm cả phần cho Trọng dù anh nói anh có cơm của bác sĩ cho rồi.
Trọng vui nhất những lúc chia tay các F0 khác để họ về nhà. Người thì xin số điện thoại, nói với Trọng, “hết dịch là phải tới nhà chú nhậu một bữa”. Cô thì nói với Trọng rằng: “Nhất định ghé nhà cô, cô nấu lẩu cho con ăn nghen”. Nhiều bạn trẻ còn hỏi Trọng, làm thế nào để được ở lại làm tình nguyện viên giống như anh.
|
Sắp tới, khi chia tay bệnh viện dã chiến, Trọng lên kế hoạch sẽ vừa đi làm, vừa về phường để tiếp tục đồng hành cùng thanh niên tham gia chống dịch tới khi nào thành phố trở lại nhịp sống bình thường.
F0 khỏi bệnh nhưng không xuất viện bộc bạch: “Ông bà ngoại tôi là người Huế. Ông ngoại nấu ăn ngon lắm. Đam mê nấu ăn của tôi cũng từ ông mà có. Tôi lúc nào cũng có ước mơ, mình chăm chỉ đi giao hàng, tích lũy đủ vốn sẽ mở một quán bán món ăn Huế ở Sài Gòn. Chắc chắn khi thành phố bình yên tôi sẽ làm được điều đó”.
Bình luận (0)