Di động đóng góp hơn một nửa thành công cho năm sôi động của ngành game

30/12/2021 18:19 GMT+7

Nhu cầu giải trí tăng cao giúp ngành game toàn cầu có những bước nhảy vọt mà trong đó, trò chơi trên di động đang chiếm hơn một nửa doanh thu có được.

Đầu năm 2021, một số công ty khảo sát thị trường đã đưa ra những dự báo tăng trưởng có phần tiêu cực đối với ngành game toàn cầu. Họ tin rằng tình trạng thiếu nguồn cung chip bán dẫn, chính xách nhận diện nhà quảng cáo (IDFA) của Apple sẽ khiến thị trường gặp khó khăn và không dễ dàng để vượt qua kết quả năm 2020.

Tuy nhiên, thực tế đã không xảy ra như dự đoán và Newzoo – một trong những công ty nghiên cứu từng có cái nhìn không tích cực về năm 2021 đã phải bất ngờ khi ngành game thế giới tiếp tục có một năm tăng trưởng, tổng doanh thu đạt được lên tới 180,3 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thành tích này đạt được nhờ sự phổ biến của các thiết bị di động và mảng game cloud, eSports, phát game trực tuyến đều đạt các mốc tăng trưởng khác nhau, trở thành những điểm nóng cho sự phát triển trong tương lai.

Tom Wijman – trưởng bộ phận Báo cáo và Dự đoán của Newzoo nói: “Đầu năm, chúng tôi nghĩ thị trường sẽ không thể đạt được thành tích của 2020 vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng sau 9 tháng, công ty nhận thấy thị trường vẫn tiếp tục đi lên, điều này cho thấy game không còn là lĩnh vực theo mùa vụ hay tăng trưởng nóng”.

Trong khi doanh thu từ PCs và các thiết bị game truyền thống có dấu liệu giảm nhẹ vì không còn ra mắt sản phẩm mới nhiều như trước, thiết bị di động trở thành “kẻ lèo lái con thuyền gaming thế giới”.

Báo cáo của Newzoo cho thấy tổng lượng smartphone đang hoạt động trên toàn cầu là 4,6 tỷ thiết bị (tăng 5,7% so với năm trước). Trong số này có 15,4% (tương đương 703,5 triệu máy) là điện thoại 5G, tăng 230,9% ở cùng thời điểm năm 2020.

“Dù đã có những tác động nhất định thay đổi vào hệ sinh thái game di động, thị trường mobile đã dẫn đầu giai đoạn phát triển lớn và tươi sáng nhất của ngành game. Chúng tôi tin thị trường di động tiếp tục tỏa sáng dù chịu ảnh hưởng từ các luật lệ liên quan tới quyền riêng tư”, Tianyi Gu – trưởng bộ phận Truyền thông và Thị trường dịch vụ di động tại Newzoo nhận định.

Thể thao điện tử (eSport) là một yếu tố không thể bỏ qua trong bức tranh tươi sáng của ngành game 2021. Lượng người hâm mộ các môn thể thao điện tử đạt mức cao kỷ lục: ước tính có hơn 465 triệu người trên thế giới đã xem các trận đấu eSport (cao hơn 6,7% so với 2020). Trong số này có gần 230 triệu người có đam mê với bộ môn này (xem nhiều hơn một lần mỗi tháng), và 235,5 triệu người là “fan thời vụ” (xem ít hơn một lần mỗi tháng).

Sự phục hồi của Thể thao điện tử cũng mang lại tăng trưởng doanh thu, dù các hoạt động phát trực tuyến vẫn chưa khôi phục hoàn toàn vì Covid-19. Theo thống kê, eSports tạo ra hơn 1 tỷ USD trong năm 2021, chủ yếu đến từ các khoản tài trợ.

Trung Quốc vẫn là thị trường nóng của làng game toàn cầu. Đây không chỉ là nơi có lượng người chơi đông đảo, mà còn là “quê hương” của nhiều công ty phát triển, phát hành và sở hữu những tựa game được quan tâm nhất thế giới trong năm qua.

Tại The Game Awards 2021, Genshin Impact của Mihoyo (Trung Quốc) được bình chọn là Game di động hay nhất năm. Mới đây, Steam cũng xếp Naraka Bladepoint – “PUBG võ hiệp” bản PC vào danh sách Bạch Kim, nơi tề tựu những tựa game bán chay nhất năm trên kho này. Không chỉ mạnh về số lượng game, Trung Quốc cũng là một quốc gia “đáng gờm” trong các bộ môn thi đấu Thể thao điện tử.

Năm 2021 các đội tuyển Trung Quốc gặt hái khá nhiều thành công trên đấu trường quốc tế. Tại giải Chung kết Thế giới LMHT 2021, đội tuyển Edward Gaming (EDG) của họ đã đánh bại DWG KIA của Hàn Quốc để trở thành tân Đương kim vô địch. Trong khi đó, tuyển PSG.LGD cũng giữ vị trí Á quân tại TI 2021 của bộ môn Dota 2.

Thị trường này cũng tương đối khốc liệt khi chịu nhiều quy định kiểm soát ngặt nghèo từ chính phủ. Hồi tháng 8.2021, Bắc Kinh ban hành luật hạn chế thời gian chơi online áp dụng đối với trẻ dưới 18 tuổi, khiến thời gian tham gia vào trò chơi điện tử trực tuyến của nhóm đối tượng này không qua 3 tiếng mỗi tuần. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tạm dừng cấp phép phát hành game trong thời gian hơn 4 tháng, dài nhất từng ghi nhận.

Tại Việt Nam, thị trường game cũng ghi nhận nhiều thay đổi tích cực theo đà chung của thế giới. Thậm chí báo cáo của Niko Partners còn khẳng định Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có game thủ nạp tiền vào trò chơi điện tử nhiều nhất thế giới và là một trong 3 thị trường game phát triển nhanh nhất (cùng với Indonesia và Thái Lan). Dự kiến người chơi tại Việt Nam sẽ vượt mốc nạp game 1 tỷ USD vào năm 2025.

Trước đó, một khảo sát thực hiện bởi Vero tiết lộ Việt Nam có tỷ lệ người trưởng thành chơi game thuộc nhóm cao nhất thế giới, đạt 85%. Với khoảng 40 triệu người chơi game (hơn 40% dân số), gần một nửa trong số này từng chơi qua các bộ môn eSport. Các tựa game thể thao điện tử trên PC phổ biến tại VN gồm LMHT, Dota 2. Trong khi đó, Liên Quân Mobile, Free Fire, PUBG Mobile, LMHT: Tốc Chiến là những trò được yêu thích hàng đầu trên di động.

Thị trường game trong nước năm 2021 cũng không có nhiều biến động hay sự kiện mang tính tầm cỡ đáng ghi nhận. Các tựa game phổ biến như LMHT, Dota 2, LQM, PUBG Mobile, Free Fire vẫn tiếp tục giữ vững ngôi đầu cả về số lượng lượt tải, người chơi lẫn doanh thu sau nhiều năm.

“Miếng bánh” thị phần hiện tại không còn nhiều chỗ cho các tên tuổi mới nếu không thực sự tạo được đột phá. Không ít tựa game được đưa về phát hành trong nước hoặc game quốc tế nhưng cũng chỉ hoạt động ở mức đủ sinh ra lợi nhuận để xoay sở, vận hành, vẫn thiếu những cái tên tạo được “cú hích” vào thị trường và có tiềm năng thay thế các “lão làng”.

Nhìn chung, MOBA (đấu trường đa người chơi trực tuyến) vẫn là thể loại được game thủ Việt yêu thích nhất và cũng là “mũi nhọn” để các đội tuyển eSport Việt Nam có đủ tự tin để đối đầu với các đối thủ trong khu vực cũng như quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.