Đi du học, trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn quyết thi đánh giá năng lực đợt 2

Ngọc Long
Ngọc Long
02/06/2024 10:40 GMT+7

Dù đã 'chắc suất' vào một trường trong nước hay nước ngoài, nhiều thí sinh vẫn quyết thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2024 của ĐH Quốc gia TP.HCM vì nhiều nguyên nhân.

Đi du học, trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn quyết thi đánh giá năng lực đợt 2- Ảnh 1.

Học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, sáng 2.6

NHẬT THỊNH

Chia sẻ với Thanh Niên tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nơi đang tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 sáng 2.6, N.Đ - học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết em đã trúng tuyển vào Knox College (Mỹ) từ tháng 12.2023. Tuy nhiên, vì muốn "chắc suất" một trường tại Việt Nam nếu không may trượt visa (thị thực), nữ sinh vẫn đăng ký dự thi 2 đợt đánh giá năng lực, vào tháng 4 và tháng 6.

"Trước đó, vào lớp 11, em còn dự thi SAT (một bài thi chuẩn hóa được nhiều ĐH Mỹ sử dụng trong xét tuyển đầu vào) và IELTS để chuẩn bị cho hồ sơ du học", N.Đ kể thêm.

Thí sinh thi đánh giá năng lực đợt 2: ‘Em nghĩ điểm lần này sẽ rất cao’

Trọng Tấn, học sinh một trường THPT ở Q.5 (TP.HCM), cũng trúng tuyển sớm vào một trường ĐH tư thục ở TP.HCM bằng phương thức xét học bạ. Song, vì muốn nhắm đến những ĐH "top đầu" tại TP.HCM như Bách khoa, Khoa học tự nhiên để theo đuổi ngành khoa học máy tính, nam sinh tiếp tục dự thi đợt 2 đánh giá năng lực với hy vọng sẽ cải thiện điểm, mục tiêu đạt trên 900.

Đi du học, trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn quyết thi đánh giá năng lực đợt 2- Ảnh 2.

Thí sinh trao đổi trước khi bước vào phòng thi đánh giá năng lực đợt 2

NHẬT THỊNH

 Nhiều thí sinh cũng xem đợt 2 là cơ hội để nâng điểm, giúp trúng tuyển vào một trường tốt hơn nữa. Như Đặng Kim Trúc, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, kỳ vọng đạt hơn 900 điểm vào đợt 2, sau khi được trên 850 điểm ở đợt 1. "Em muốn vào ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nên cần điểm cao nhất có thể. Ở đợt 1 em có đi học thêm, còn đợt 2 chỉ tự học tại nhà", Trúc cho hay.

Trong khi đó, Trần Hà Uyên Nhi và Nguyễn Minh Tiến, cùng học Trường Phổ thông Năng khiếu, đều hy vọng sẽ đạt mức điểm trong khoảng 900-1.000, cao hơn khoảng 100 điểm so với kết quả thi đợt 1. "Chúng em bắt đầu ôn luyện sau khi hoàn tất học kỳ 1, tự học là chủ yếu", hai học sinh chia sẻ.

Tương tự, P.T.T, học cùng trường, thì đặt mục tiêu trên 1.000 để có cơ hội trở thành tân sinh viên ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, sau khi đạt gần 900 điểm ở đợt 1. Trần Hạnh Vy, học sinh Trường Trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), thì hy vọng có thể được hơn 900 điểm để trúng tuyển vào Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM. "Chủ yếu em tìm đề thi trên mạng và tự ngồi giải", Vy kể.

Đi du học, trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn quyết thi đánh giá năng lực đợt 2- Ảnh 3.

Cán bộ phòng thi kiểm tra giấy tờ tùy thân và giấy báo dự thi của thí sinh

NHẬT THỊNH

Trong đợt 2, có 34 cơ sở giáo dục ĐH phối hợp tổ chức thi đánh giá năng lực. Thí sinh làm bài thi trong buổi sáng tại 4 khu vực là Trung và Nam Trung bộ (Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận), Tây nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng), Đông Nam bộ (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu) và Tây Nam bộ (Tiền Giang, An Giang, Cà Mau).

Theo thông tin do Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố, năm nay dự kiến có 105 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển một phần chỉ tiêu. Thí sinh làm bài thi trên giấy theo hình thức trắc nghiệm, gồm 120 câu hỏi trong 150 phút. Độ khó câu hỏi được chia theo 3 cấp độ: cấp độ 1 chiếm 30%, cấp độ 2 chiếm 40% và cấp độ 3 chiếm 30%.

Trước đó, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố kết quả 93.828 bài thi đánh giá năng lực đợt 1, điểm trung bình của thí sinh là 643,4 và 80 thí sinh đạt trên 1.000 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất kỳ thi là 1.076 và thí sinh có điểm thi thấp nhất là 203.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.