Đi học chữa lành vì 'núi' áp lực?

21/05/2024 04:41 GMT+7

Ngoài các xu hướng ‘chữa lành' như đi du lịch, tập thể thao, dã ngoại ngoài trời, nhiều người tìm đến những giải pháp trị liệu tâm lý hay đi học các khóa chữa lành.

Đa số các khóa học chữa lành sẽ cung cấp cho người có nhu cầu một lộ trình, có khóa vài trăm ngàn đồng, có khóa tới vài triệu, chục triệu đồng.

Đi chữa lành vì áp lực

Chị Thư (23 tuổi, mới đi làm tại một công ty ở TP.HCM), nói cách đây vài tháng, chị thấy trên Facebook của mình xuất hiện một bài đăng có chạy quảng cáo. Bài viết này mời gọi người tham gia khóa học để "chữa lành đứa trẻ bên trong"; chỉ cần bỏ ra 500.000 đồng học online vài buổi, người theo học sẽ chữa lành chấn thương tâm lý.

Chị Thư kể thời gian đó, mới ra trường, còn nhiều bỡ ngỡ, công việc ở một công ty lớn rất áp lực, thế nên chắt bóp tiền để theo học.

Nhưng học xong khóa chữa lành này, chị Thư không thấy hiệu quả, công việc vẫn ngập ngụa. Cô vẫn bị căng thẳng vì mang việc về nhà làm, thỉnh thoảng, những xung đột trong mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên càng làm chị thấy mệt mỏi.

Một trường hợp khác, chị T.T.H (28 tuổi, ở TP.HCM) từng đóng 3 triệu đồng cho một khóa học về quản trị năng lượng. Chị H. kể mình biết được khóa học này thông qua một quảng cáo trên Facebook. Bài viết mời người tham gia để được cung cấp một lộ trình dịch chuyển năng lượng về đúng vị trí, chữa lành và giải quyết triệt để mọi vấn đề: gia đình, tình yêu, tiền bạc, sự nghiệp.

Công việc căng thẳng, lại mới chia tay người yêu, thế nên chị H. mất ngủ nhiều đêm liền, đôi lúc, phải dùng thuốc an thần. Tình cờ nhìn thấy quảng cáo khóa học này nên chị tham gia ngay.

“Người ta bảo học xong người yêu tôi quay lại, nhưng tôi có thấy mình thay đổi hay chuyển hóa được gì đâu. Tôi và bạn trai cũng không quay lại với nhau”, chị H. kể lại.

Vì áp lực công việc, nhiều người lao động tìm đến các khóa học chữa lành để ổn định lại cảm xúc

Vì áp lực công việc, nhiều người lao động tìm đến các khóa học chữa lành để ổn định lại cảm xúc

NGUỒN ẢNH MINH HỌA: PEXELS

Nhưng trái lại, anh N.N.M (30 tuổi, kỹ thuật viên ở một công ty hoạt động lĩnh vực dược tại TP.HCM) đã từng trì hoãn công việc của mình bằng các kỳ nghỉ phép dài để theo đuổi các khóa học chữa lành, khóa học hạnh phúc và giải mã giấc mơ. Khoản tiền bỏ ra cho những khóa này thời gian qua, anh M. tính sơ là hơn 50 triệu đồng.

Theo anh M., các khóa học này có đa dạng học viên tham gia. Đa số đều cảm thấy chán nản với cuộc sống, công việc hiện tại và mong có được kỹ năng, nguồn lực để chữa lành, vượt qua khó khăn.

Anh M. cho rằng ai theo học các khóa chữa lành đều là quyền cá nhân. Mặc dù nhiều bạn bè của anh M. nói các khóa học này đang lừa tiền người tham gia nhưng anh tự nhận thấy nhờ nó mà bản thân anh được tiếp thêm động lực, biết trân trọng cuộc sống và công việc hiện tại hơn.

Nên kiểm tra, xác minh thông tin khóa học

Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân khuyên trước khi đưa ra quyết định tham gia các khóa học thì người tham gia có thể kiểm tra chất lượng, xác minh thông tin của người đứng lớp. Người học hoàn toàn có thể đề nghị đối phương công khai bằng cấp, chứng chỉ.

Để biết một khóa học có tính khoa học không, theo thạc sĩ Huân, cần đến sự thẩm định của cơ quan chức năng. Nhưng hầu hết các khóa học có tính khoa học cao đều được bảo chứng bằng uy tín, bằng cấp của ban tổ chức hay người đứng lớp. Các lớp có quy mô lớn còn cần chứng minh "tư cách pháp nhân" như được cấp phép, có cơ quan đại diện, có nhà tài trợ, có hội đồng chuyên môn và văn bản xác nhận từ cơ quan chức năng.

Ngồi lại với cảm xúc của mình

Thạc sĩ Phạm Tiến Dũng (tham vấn viên tại Touching Soul Center và Saigon Psychub) cho rằng khi một người có nhu cầu đi tìm kiếm các khóa học chữa lành, có nghĩa là họ đang cần một nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài. Có rất nhiều khả năng ở thời điểm đó, nguồn lực tinh thần cá nhân của họ đang chưa ổn.

Với các khóa học, nếu chỉ nhìn vào quảng cáo sẽ rất khó để xác định được hiệu quả. Thay vào đó, người tham gia phải thực sự trải nghiệm thì mới kết luận được. Thế nên, điều quan trọng là người sử dụng dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu… cần xác định tiến trình này có đang giúp mình ngồi lại với những vấn đề, với sự khó chịu hiện diện bên trong mình không, hay là chỉ kéo mình ra một chỗ khác, như né tránh vậy.

Theo thạc sĩ Dũng, khi có vấn đề, biến cố xảy ra trong cuộc sống thì một người sẽ có những phản ứng về mặt cảm xúc, suy nghĩ, hành vi.

Những lúc ấy, điều nên làm là ngồi lại với những cảm xúc, suy nghĩ khó chịu đó của mình, tìm cách đúng để xử lý, cải thiện “vết thương”. Khi nào không thể sử dụng nguồn lực tự thân thì mới tìm đến sự hỗ trợ từ bên ngoài.

“Tôi tạm thời không gọi đây là chữa lành, mà là sự linh hoạt trong tâm lý. Đó cũng là một tiến trình làm việc mà thân chủ sẽ trải qua. Tôi cho rằng né tránh vấn đề cũng như uống thuốc giảm đau khi bị thương vậy. Khả năng linh hoạt trong tâm lý là trước hết chúng ta phải xác định được mình đang bị gì, vết thương to nhỏ ra sao, cơ thể có những phản ứng nào rồi sau đó mới tìm ra một hướng xử lý phù hợp”, thạc sĩ Dũng nói.

Thạc sĩ Dũng cho rằng cuộc sống lúc nào cũng có vấn đề xảy ra. Việc có thể làm là bình tĩnh nhìn nhận tình huống và nhu cầu của bản thân. Đây là kỹ năng có thể trui rèn. Tham vấn trị liệu hay những khóa học chữa lành cũng là nguồn lực có thể giúp xây dựng khả năng đó, nhưng người học cần xem xét và cân nhắc kỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.