ĐI HỌC ĐỂ ĐƯỢC CHƠI
Đầu năm học này, tôi có tham gia chuỗi chương trình truyền lửa cho học sinh (HS) tại tỉnh Quảng Trị. Chương trình dành cho 3 nhóm đối tượng HS từ cấp tiểu học cho tới THPT. Với cả 3 nhóm, tôi thường đặt các câu hỏi khác nhau để phù hợp với nhận thức của các em.
Ở nhóm đối tượng nhỏ tuổi như tiểu học và THCS, tôi thường đặt câu hỏi: "Các con đi học có gì vui không?" và tụi nhỏ ngồi dưới tranh nhau đứng dậy trả lời. Có em bảo: "Dạ đi học để được gặp bạn". Em khác thì nói: "Dạ đi học để được chơi với bạn". Cứ vậy tụi nhỏ cùng nhau trả lời đúng một ý là đi học để được chơi!
Sau khi dẫn dắt vào câu hỏi ấy, tôi bắt đầu nêu lý do đặt câu hỏi và kể về hành trình cuộc đời mình liên quan tới câu chuyện lúc nhỏ mình không đi học phổ thông như các em nên sẽ không thể nào biết được cảm giác đi học có gì vui không? Thành ra hôm nay đến đây để hỏi các em.
Tuy nhiên trong khoảnh khắc ấy, bất giác tôi khựng lại khi nghe xong câu trả lời của các em HS. Bởi bản chất của trẻ con thì được chơi, được gặp bạn bè cùng trang lứa là một niềm vui và cũng là một hình thức học. Vì trẻ con đâu cần quan tâm đến điểm số, đến thành tích, đến những tấm giấy khen treo đầy nhà. Vì với thế giới của trẻ con chỉ cần khoe bộ áo quần đẹp, bộ đồ chơi mới, bộ truyện tranh hay đã là một bầu trời hạnh phúc rồi.
Lên tới nhóm HS cấp THPT, tôi hỏi: "Theo các em, mình đi học để làm gì?". Những cánh tay phía dưới hàng ghế khán giả bắt đầu ít dần. Đa số các bạn đều trả lời học để sau này trở thành người này người nọ, học để có kiến thức, thậm chí có bạn nói học để thoát nghèo. Chỉ có số ít các bạn nhận thức được học để làm người lương thiện và học để làm gì đó cho quê hương đất nước.
Hầu hết chúng ta ngay từ nhỏ đều được gia đình lẫn thầy cô dạy rằng phải học giỏi và có điểm cao, phải kiếm tấm bằng tốt, để sau này ra đời có được công việc tốt, thu nhập cao và nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Những câu trả lời này của HS đều đúng nhưng dường như lại chưa đủ cho sự giáo dục toàn diện, đặc biệt để nâng cao vẻ đẹp của tâm hồn.
MONG MUỐN VỀ NHỮNG NGÔI TRƯỜNG HẠNH PHÚC
Trong tôi luôn có một thắc mắc rằng liệu ở VN có bao nhiêu trường theo đúng mô hình trường học hạnh phúc thực sự, những ngôi trường mà giáo viên không cần dạy thêm, HS không cần học thêm và ganh đua nhau từng điểm số? Còn nếu như làm một cuộc điều tra xem HS đi học có thấy hạnh phúc không, thì tỷ lệ tích vào ô hạnh phúc chiếm bao nhiêu phần trăm?...
Lúc rời khỏi một trường tiểu học - THCS ở xã Hải Tân, H.Hải Lăng - được xem là "cuống rốn" vùng lũ lụt tỉnh Quảng Trị, tôi gửi một dòng tin nhắn cho thầy hiệu trưởng: "Anh ơi, cố gắng xây dựng cho tụi nhỏ môi trường học hạnh phúc anh nhé. Không cần phải ganh đua chạy theo thành tích cũng được".
Trên đường về, bầu trời rả rích những hạt mưa khiến tôi nghĩ nhiều hơn về những đứa trẻ con và về ngôi trường luôn chìm trong mưa lũ kia. Chỉ mong sao các thầy cô ở đó tạo ra một môi trường học tập hạnh phúc là nhất định tụi nhỏ sẽ được nên người.
Tương tự, xong buổi giao lưu ở Trường THPT Đông Hà, tôi có nhắn tin cho cô hiệu trưởng với nội dung muốn hỏi xem dạo này nhà trường còn giữ hình thức kỷ luật những HS chưa ngoan vào sáng thứ hai hằng tuần không. Rất may mắn khi giờ trường đã thay đổi quy chế. Những em HS như vậy sẽ được thầy cô gặp riêng để trò chuyện, tặng sách, hỏi han tâm sự chứ không mời lên cột cờ để nêu tên trước toàn trường như ngày xưa.
Khi lên Hướng Hóa, tôi gặp hiệu phó một trường THPT trên địa bàn huyện. Thầy cho biết đang ấp ủ một mô hình đặc biệt dành cho các HS không chịu học tập nghiêm túc và hay vi phạm những quy định của nhà trường. Hằng tháng, nhà trường sẽ lên danh sách, thuê một chiếc xe để chở các em ấy vào nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị, nơi đang lưu giữ rất nhiều bức thư của những người lính đã viết để lại trước khi ra đi, hy sinh thân mình cho Tổ quốc. Nhà trường hy vọng khi đọc những lá thư này, HS sẽ thấy thấm hơn và yêu quý cuộc đời mình đang có.
Tôi cũng luôn tin rằng giáo dục VN đang và sẽ có những điểm sáng tích cực hơn để những đứa trẻ bớt bị đem ra so sánh và em nào chưa ngoan sẽ nhận được "những hình phạt tinh tế" hơn.
Giáo dục là góp phần giúp con người sống hạnh phúc. Đây là tôn chỉ quan trọng trong hành trình của tất cả mỗi người.
Bình luận (0)