|
Đó là câu chuyện ở Trường mầm non Công ty TNHH một thành viên 78 (thuộc Binh đoàn 15) xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Vào lớp rồi... ngủ tiếp
Mô Rai tối đến thật nhanh. Vừa ăn cơm chiều xong, xung quanh đã thấy toàn một màu đen của rừng núi và cây cao su. Mô Rai xưa nay vốn nổi tiếng là địa phương có nhiệt độ nóng nhất tỉnh Kon Tum. Nằm ở nhà một người quen, khó ngủ nên giữa đêm chúng tôi mới chợp mắt. Thế nhưng vừa thiu thiu đã nghe tiếng trẻ con khóc. Nhìn đồng hồ mới một giờ sáng. Anh bạn chủ nhà lúc này cũng đánh thức con dậy, vừa mặc thêm quần áo ấm cho con trai vừa giải thích là phải đưa con đến trường.
Thấy khách ngạc nhiên, anh bảo: “Các anh cứ tự nhiên ngủ đi, ở đây là vậy đó. Vợ chồng em đưa con đến trường học rồi đi thẳng ra lô cạo mủ cao su luôn, sáng mới về. Mà không chỉ riêng nhà em đâu, bà con xung quanh cũng vậy”. Ngoài đường, dưới ánh đèn loang loáng, một đoàn người rồng rắn trong đêm đưa con đến trường. Thoảng trong gió, có nhiều tiếng trẻ khóc ri rỉ, hờn giận và tiếc vì phải xa vòng tay ấm của mẹ. Chị Hà Thị Chín, ở đội 6, xã Mô Rai, công nhân cao su của Công ty 78, mang vội đèn pin trước trán rồi hối hả bế đứa con trai đầu lòng đến lớp.
|
Do khí hậu khắc nghiệt ở vùng này, mủ cao su thu hoạch vào lúc nửa đêm về sáng thì chất lượng mới cao nên các công nhân đều phải dậy và đi cạo mủ từ lúc một giờ sáng. Vì thế, không có cách nào khác là đành phải gọi con dậy, đưa đến trường gửi các cô giáo trông giúp. “Hồi cháu mới 4 tháng tuổi, vợ chồng đành bấm bụng đưa cháu đến trường giữa đêm. Hai vợ chồng ra rừng cạo mủ cao su, thương con mà nước mắt nước mũi chảy ra còn hơn mủ cao su chảy. Sau riết rồi cũng quen”, chị Chín kể, ánh mắt hoe đỏ khi nhớ về ngày đó.
Hầu hết các gia đình công nhân trẻ của Công ty 78 đều từ các tỉnh phía bắc vào xã Mô Rai lập nghiệp, trong số đó nhiều gia đình có con nhỏ nhưng không có ông bà, người thân bên cạnh trông giữ. “Nhiều lúc thấy con ngủ ngon quá, đánh thức cháu dậy thấy không đành, nhưng bên ngoài tiếng kẻng hiệu lệnh báo đã đến giờ phải dậy đi cạo mủ nên không còn cách nào khác”, anh Cầm Bá Dần (chồng chị Chín) kể. Hồi đầu mới đưa con đến lớp, đêm nào cháu cũng khóc thét đến khản cả cổ họng. Thương con nhưng biết làm sao được. Các cô giáo ở đây khi nhận bàn giao xong lại… ru ngủ tiếp. Dần dần rồi cháu cũng quen lớp, quen cô nên không còn khóc nhiều như trước. Các bà mẹ sau khi cạo mủ cao su xong hơn 7 giờ sáng, lại tranh thủ qua trường cho con bú rồi quày quả đi trút, cân mủ cao su mãi trưa mới quay lại, cho con bú thêm lần nữa, đến chiều mới đón con về.
Lễ, tết cũng không nghỉ
12 giờ đêm là lúc 17 điểm trường mầm non xã Mô Rai bắt đầu mở cửa đón học sinh. Học sinh các lớp học này từ 2 - 3 tháng đến 6 tuổi. Đây là những lớp học đặc biệt do Công ty 78 mở ra từ năm 2008. Cô Lê Thị Hồng, giáo viên điểm trường mầm non ở đội 5, cho biết: “Đêm đêm, nghe tiếng kẻng hiệu lệnh là thức dậy đến lớp để đón các cháu.
Học sinh lớn thì đã quen dần nên đến lớp ngủ tiếp. Trẻ mới nhập học thì khóc khá lâu mới có thể ngủ tiếp được”. Đối với các cháu còn quá nhỏ, chưa biết bò thì khoảng 6 - 7 giờ sáng phụ huynh đến đón về, cho bú, làm vệ sinh xong rồi bồng đến lớp gửi lại. Các cháu lớn hơn thì đến chiều phụ huynh mới đón về.
Cô Nguyễn Thị Tình, giáo viên điểm trường mầm non đội 6, cho biết thêm các cô giáo và học sinh ở đây đều đến lớp quanh năm kể cả các ngày lễ, tết, miễn có hiệu lệnh của đội, của công ty là mọi việc vẫn hoạt động bình thường. Việc các em nhỏ nửa đêm “công tác” theo mẹ đã là một phần cuộc sống của người dân nơi vùng biên giới Mô Rai này.
Chẳng ai phải bảo ai, các cô giáo cùng nhau làm vai trò của người mẹ để bù đắp phần nào những thiệt thòi của các cháu bé vì công việc đặc thù của bố mẹ.
Phạm Anh - Đắc Vinh
>> Ca nô biên phòng chở học sinh đến lớp
>> Phà chìm, học sinh đến lớp bằng ca nô của biên phòng
>> Hà Nội tìm phương án đưa học sinh đến lớp khi trời lạnh
Bình luận (0)