Đi hội mà không hiểu hội

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/02/2019 06:42 GMT+7

Những cách hiểu trần tục đã khiến nhận thức về các vật thiêng, không gian thiêng bị méo mó, dung tục hóa.

Nhiều lớp ý nghĩa chứ không đơn thuần

[VIDEO] “Cơn mưa” tiền đầy phản cảm tại lễ hội Khai ấn đền Trần
Trong hai ngày 20, 21.2, một bức ảnh được cho là chụp lại hội Ná Nhèm (Bắc Sơn, Lạng Sơn) được lan truyền trên mạng xã hội. Trong đó có hình một người phụ nữ đeo thẻ đại biểu đang đứng cạnh và thè lưỡi về phía tàng thinh - vật thiêng của lễ hội, biểu trưng cho sinh thực khí nam.
Ông Bàn Tuấn Năng, người phục dựng lễ hội này, cho biết căn cứ vào hình dáng tàng thinh cũng như biển đại biểu của nhân vật, đây là bức ảnh chế. Tuy nhiên, ông xác nhận, hiện cách hiểu của nhiều người với hội Ná Nhèm đang có xu hướng bị dung tục hóa. Chẳng hạn, nhiều người gọi nó là “của quý” trong khi phải gọi là tàng thinh mới đúng. “Đó là đường sinh. Người ta quan niệm đàn ông là đường sinh, đàn bà là đường đẻ. Có sinh, có đẻ mới có con có cái”, ông Bàn Tuấn Năng nói.
Cũng theo ông Năng, mùa hội năm trước cũng đã có người chụp ảnh như vậy và tung lên Facebook. Người này sau đó cũng đã phải tự rút ảnh khi bị cộng đồng lên án. “Cách hiểu của không ít người với Ná Nhèm đang có xu hướng bị dung tục hóa. Người dân ở đó vẫn rước tàng thinh đi cung tiến, thái độ rất nghiêm túc vì nó là đồ cúng cơ mà, họ coi rất linh thiêng. Chẳng qua người không dự, không hiểu thì có thái độ cợt nhả”, ông Năng nói.
Ông Năng cũng cho biết nhiều người đến hội nhưng không hiểu gì về ý nghĩa của hội này cả, trong khi nó có những lớp ý nghĩa về cầu mùa. Theo PGS-TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, lễ hội này là sự dung hợp văn hóa Kinh - Tày. Tuy đây là lễ hội dân tộc Tày, song đã có yếu tố Kinh trong ngôn ngữ một số màn trình diễn.
Không hiểu đúng về hội cũng là vấn đề của nhiều người đi dự hội phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ). Chẳng hạn, họ cho rằng việc tranh cướp là thể hiện tinh thần thượng võ. Tuy nhiên, theo TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, điều này đã làm mỏng nghĩa của lễ hội. “Hội có hai lớp nghĩa. Lớp nghĩa sâu liên quan đến tín ngưỡng phồn thực. Quả phết đỏ là tượng trưng cho mặt trời, mặt trời hất vào bên nào, bên đó được mùa. Quả cầu, quả còn cũng tương tự. Còn lớp nghĩa bề mặt là thượng võ với việc thờ quân của Hai Bà Trưng. Hai lớp nghĩa đó đều có thật trong lịch sử. Lớp tín ngưỡng mặt trời có trước, lớp bảo vệ có sau”, ông Sơn nói.
“Tàng thinh” ở lễ hội Ná Nhèm Ảnh: Bàn Năng Đoàn

Hiểu thô và sai

Chính vì việc hiểu nghĩa của các hoạt động hội như vậy nên việc thực hành ở nhiều nơi đang rơi vào cảnh dung tục hóa lễ hội. Người dân hiểu các hoạt động một cách rất trần tục. Chẳng hạn, nếu chỉ hiểu hội phết Hiền Quan ở góc độ tranh cướp chứ không phải cầu mùa, việc thực hành tranh cướp nhiều lúc sẽ trở nên quá thô bạo. Trong khi đó, một nhà nghiên cứu cho biết: “Nếu người dân thực sự hiểu việc tranh quả phết là một hoạt động thiêng thì việc tranh cướp sẽ được giảm bớt bạo lực”. Ở hội Gióng, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), đã trao đổi với người dân để họ hiểu hơn về ý nghĩa của việc cướp lộc tre. Sau đó, những va chạm gây đổ máu ở lễ hội này đã không còn.
Tương tự, ở Ná Nhèm, nếu hiểu việc rước tàng thinh là một việc thiêng thì người dự sẽ không cười cợt, thiếu tôn trọng linh vật này. Tại lễ hội Trò Trám (Phú Thọ), nếu hiểu đúng về lễ mật cũng sẽ không có chuyện cán bộ Bộ VH-TT-DL lại “live stream” khoảnh khắc thiêng của lễ. “Cái đó cho thấy người ta thực sự không hiểu về lễ mật. Nó làm tổn hại tính thiêng. Mà nếu mất tính thiêng thì sẽ mất đi một trong những giá trị quan trọng nhất của lễ hội”, tiến sĩ Trần Hữu Sơn nói.
Một cách dung tục lễ hội nữa cũng lặp lại nhiều năm là việc tranh cướp lộc hay ném tiền vào kiệu thánh ở hội đền Trần. Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, điều này bắt nguồn từ tư tưởng “hối lộ” thần linh. Nó khiến người ta vi phạm các không gian thiêng của thánh thần bằng lối nghĩ trần tục của mình. Với lễ hội này, điều đáng nói nhất, những người làm vậy lại chính là cán bộ. Họ được vào những khu vực quan trọng hơn. “Từ ý nghĩa thiêng liêng ban đầu, khi các cán bộ làm như thế, nhiều người dân hiểu đi lễ đền Trần thành cầu vật chất và dần dần, ngày càng có nhiều người hành xử theo cái nghĩa đó”, một nhà nghiên cứu giấu tên nói.
Về điều này, bà Ninh Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, nói: “Giấy mời dự khai mạc lễ hội phát ra nhưng không chỉ những người thực sự là đại biểu, cán bộ đi dự mà có khi cả người thân, người nhà, họ hàng con em họ cũng đi. Do đó, vấn đề là phải lựa chọn và kiểm soát. Cũng nên hạn chế mời đại biểu dự những cuộc như vậy bởi tốn kém, lãng phí”.
Về lâu dài, TS Sơn cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông cho cả cộng đồng địa phương và người tới dự. “Quan trọng là phải có các nhà nghiên cứu vào cuộc. Giải thích tuyên truyền cho người dân, người tới dự hiểu đúng ý nghĩa của lễ hội”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.