Đi lạc, cảm sốt liên miên: Sinh viên cần biết gì trước khi tham gia điền dã?

21/09/2023 14:07 GMT+7

Điền dã thể nghiệm là hoạt động trong chương trình đào tạo của một số ngành khoa học xã hội và nhân văn. Sinh viên học được gì từ những chuyến đi này, và làm thế nào để tiến hành điền đã hiệu quả?

Đi lạc hay cảm, sốt liên miên: Sinh viên cần biết gì trước khi điền dã? - Ảnh 1.

Sinh viên trong một chuyến đi điền dã tại địa phương

NVCC

Khó khăn nhưng ý nghĩa

Hà Khánh Hưng, sinh viên năm 4 khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hồi đầu năm có cơ hội thực hiện điền dã (sống chung một thời gian với các tộc người để thu thập thông tin) tại vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, để khảo cứu về văn hóa bản địa của dân tộc Xtiêng và M'Nông.

"Vì lần đó cũng là dịp đầu tiên được thực tập điền dã tại địa phương nên tôi vừa hào hứng vừa hồi hộp, mong có thể vận dụng tốt kiến thức chuyên môn sau thời gian dài chỉ học lý thuyết", Hưng nói.

Tuy nhiên, Hưng nhận định thực tế "phũ phàng" khi đoàn điền dã gặp khó ngay từ những ngày đầu tiên, nhất là vấn đề khí hậu. "Vì chuyến đi diễn ra vào mùa đông nên thời tiết khá thất thường và bất lợi cho những bạn chưa thích nghi kịp. Ngày nóng cháy da, đêm lại lạnh cắt thịt, địa phương không đủ tiện nghi nên nhiều sinh viên đã bị cảm, sốt liên miên. Điều này ảnh hưởng không ít đến quá trình điền dã", anh chia sẻ.

Lê Phú Quý (21 tuổi), sinh viên khoa Văn học, cùng trường, thì đối diện với khó khăn khác khi thực hiện điền dã tại xã Khánh Hội, tỉnh Cà Mau. Cụ thể, Quý được giao nhiệm vụ thu thập câu hát ru, ca dao và những chất liệu văn học dân gian khác của địa phương. Dù đã được trang bị kiến thức chuyên ngành cần thiết về văn hóa dân gian, nam sinh viên vẫn mất vài ngày để làm quen, từ đó mới tiếp cận được nền văn hóa và lối sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Đi lạc hay cảm, sốt liên miên: Sinh viên cần biết gì trước khi điền dã? - Ảnh 2.

Phú Quý (áo xanh, đứng giữa) cùng các bạn và giảng viên có những kỷ niệm đáng quý khi thực hiện điền dã

NVCC

Tuy vậy, Quý vẫn xem 15 ngày đi điền dã là trải nghiệm "không thể quên" khi được sống trong môi trường hoàn toàn mới, thiếu thốn đủ điều nhưng nhận được đong đầy quan tâm từ cư dân địa phương. "Từ hỗ trợ cơ sở vật chất đến cung cấp thông tin, người dân đều tạo điều kiện rất nhiều cho chúng tôi. Nhờ đó, chúng tôi có thể hoàn thành chuyến điền dã thuận lợi", Quý chia sẻ.

Đồng thời, Quý bật mí vui rằng nhóm anh, 15 người, đã phải sinh hoạt tại địa phương chỉ bằng một chiếc xe đạp. "Mặt khác, vì thiếu kỹ năng mềm và chưa nhạy bén khi xử lý tình huống nên trong lúc điền dã, chúng tôi từng đi lạc phải nhờ người dân hỗ trợ, hay bị gián đoạn công việc do các cô chú quá nhiệt tình kéo vào những cuộc vui", anh cho hay.

Điền dã thế nào cho hiệu quả?

Theo tiến sĩ văn hóa học Ngô Viết Hoàn, giảng viên khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội), điền dã là hoạt động cần thiết để sinh viên trải nghiệm thực tế những kiến thức đã học trên giảng đường. Tuy nhiên, hoạt động này phải được đặt trong tâm thế nghiên cứu nghiêm túc, có chuẩn bị kỹ lưỡng.

"Chẳng hạn, sinh viên ngành văn học cần có tri thức vững vàng về văn học sử, nhất là đời sống văn học gắn với địa bàn mà sinh viên tiến hành khảo sát. Trên cơ sở đó, các cuộc điều tra, phỏng vấn và hoạt động điền dã mới có chiều sâu, đạt hiệu quả", tiến sĩ Hoàn phân tích, đồng thời lưu ý phải báo cáo tổng kết sau khi điền dã để nghiệm thu bài học, rút kinh nghiệm cho lần sau.

Đi lạc hay cảm, sốt liên miên: Sinh viên cần biết gì trước khi điền dã? - Ảnh 3.

Tiến sĩ văn hóa học Ngô Viết Hoàn, giảng viên khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội), lưu ý sinh viên cần chuẩn bị vững vàng kiến thức trước khi thực hiện điền dã

NVCC

Cũng theo ông Hoàn, khi điền dã, điều sinh viên cần nhớ không phải là có vượt qua giới hạn văn hóa của tộc người đang được khảo sát hay không, mà là câu hỏi và cách điền dã đã phù hợp hay chưa. "Trên thực tế, văn hóa không tồn tại ở trạng thái bất động mà luôn vận động. Do đó, việc khai thác quá mức các yếu tố văn hóa thuần túy tách rời khỏi bối cảnh xã hội, lịch sử cũng là vấn đề cần xử lý khéo léo", tiến sĩ Hoàn lý giải.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Hoàn cũng chỉ ra rằng ngôn ngữ gốc của các dân tộc ít người được duy trì một cách song song hoặc đang bị Việt hóa, và việc giao tiếp bằng tiếng Việt có thể chuyển tải và đem lại hiệu quả khảo sát cao. Tuy nhiên, với các cuộc điền dã của sinh viên, mang mức độ thể nghiệm, việc nắm được ngôn ngữ của người bản địa sẽ giúp kết quả có chiều sâu hơn, theo ông Hoàn.

Đi lạc hay cảm, sốt liên miên: Sinh viên cần biết gì trước khi điền dã? - Ảnh 4.

Việc nắm được ngôn ngữ của người bản địa giúp sinh viên tạo được kết quả có chiều sâu hơn, theo chuyên gia

NVCC

"Các bạn có thể không giao tiếp được bằng ngôn ngữ tộc người, nhưng những từ ngữ quan trọng gắn với đối tượng, nội dung khảo sát nên được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhằm phá bỏ khoảng cách văn hóa và đạt được mục tiêu khảo sát. Cần nhớ ngôn ngữ chính là 'vỏ bọc' của văn hóa", tiến sĩ Hoàn đề xuất .

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Khánh Hưng lưu ý phải lên kế hoạch và chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết cho quá trình điền dã. Anh cũng khuyên nên liên hệ với chính quyền địa phương, xin thêm thông tin để thuận tiện hơn khi điền dã ở nhà người dân cũng như chuẩn bị thuốc men, chỗ ở, phương tiện đi lại và lịch trình chi tiết để linh hoạt xử lý tình huống.

"Hơn hết, bạn phải ngoại giao tốt, 'mở lòng' với vùng đất mình điền dã và xem người bản địa như người thân trong gia đình, chứ không nên mang tâm thế một người xa lạ đến chỉ để phỏng vấn hay cố gắng khai thác thông tin", Hưng nhấn mạnh.

Nét văn hóa của dân tộc sẽ có cơ hội tiếp tục lưu truyền

Từng đón các đoàn điền dã đến địa phương, ông Hà Đức Dinh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã La Ngâu, cho rằng thế hệ sau đang dần quên đi những nếp văn hóa mà ông bà để lại.

"Thời của tôi, các nghi lễ thờ Ông bà Rừng, Ông bà Lúa, Ông bà Nhà cũng dần bị giản lược chứ không đầy đủ, bài bản như trước. Những lời ru, câu hò và các tác phẩm văn hóa dân gian của người K'Ho đến tôi còn quên, e là sau này những nét đẹp riêng của dân tộc cũng khó mà giữ", ông Dinh trải lòng.

Vì thế, ông Dinh đề xuất các hoạt động giáo dục như dạy học trên giảng đường cho sinh viên nên lồng ghép thêm các buổi điền dã, chứ đừng khu biệt với đối tượng nghiên cứu sinh. Từ đó, nét văn hóa của dân tộc sẽ có cơ hội tiếp tục lưu truyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.