Đi làm bị quỵt tiền lương, phải làm sao?

Thảo Phương
Thảo Phương
03/07/2024 16:07 GMT+7

Có những trường hợp sinh viên đi làm thêm rồi bị quỵt tiền hay nợ lương mà không đòi được. Vì không hiểu biết luật nên họ chẳng biết phải làm thế nào, nhiều người chấp nhận xem như công sức đổ sông đổ biển.

Những lần đi làm thêm nhớ đời...

Từng bị quỵt tiền công khi đi làm thêm, Nguyễn Thị Hồng Phúc, sinh viên ngụ tại khu B ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, kể: “Hồi năm nhất mình xin làm phục vụ ở nhà hàng tiệc cưới. Tiền công 1 tiệc là 140.000 đồng, lúc đó mình làm 2 tiệc vào thứ bảy và chủ nhật. Sau khi làm xong 2 ngày mới được nhận tiền. Xong việc mình về nhắn tin để lấy lương thì người đó không trả lời, gọi điện qua số điện thoại thì bị chặn luôn. Thật sự lúc đó mình chỉ còn biết khóc chứ không làm gì được”.

Phúc kể đó là công việc đầu tiên mà cô làm khi lên TP.HCM. “Cuối tuần nhưng mình phải thức dậy từ 5 giờ sáng để bắt 3 tuyến xe buýt mới tới được chỗ làm. Số tiền đó đủ để mình ăn uống trong mấy ngày. Vậy mà họ nỡ đối xử với mình như thế. Sau khi bị quỵt lương, mình có đăng bài chia sẻ để các sinh viên khác cảnh giác. Đó là công việc đầu tiên mình làm khi đến TP.HCM và có lẽ sẽ không bao giờ quên được bài học nhớ đời này khi phải ngậm ngùi nhìn bao công sức thành công cốc”, Phúc chia sẻ.

Đi làm bị quỵt tiền lương, phải làm sao?- Ảnh 1.

Đi làm thêm là nhu cầu của nhiều sinh viên

THẢO PHƯƠNG

Trải nghiệm một lần đi làm thêm lúc còn là sinh viên cách đây vài năm khiến Phan Thị Trang, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế (Đà Nẵng) nhớ đời. Lý do là vì bị ăn chặn tiền lương một cách trắng trợn.

Trang nhớ lại: “Lúc đó, mình xin làm phục vụ ở một quán nhậu để kiếm thêm thu nhập. Mình làm ở đó hơn một tháng, không có hợp đồng lao động mà lương theo thỏa thuận là 17.000 đồng/giờ. Mình thường làm ca tối từ 17- 23 giờ, mỗi ngày 6 tiếng. Ban đầu chủ nói trả lương theo tuần, nhưng sau đó họ lại đổi ý là trả theo tháng. Thế nhưng hết 1 tháng mình vẫn không nhận được lương”.

Vì cần tiền để trang trải nên Trang gặp chủ quán mong được thanh toán lương nhưng nhận lại thái độ khó chịu và tìm đủ lý do để trừ tiền công.

“Một tháng mình làm hơn 20 ngày mà mỗi ngày 6 tiếng đồng hồ. Vậy tính ra tiền lương của mình trong 1 tháng là hơn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc đó quán chỉ trả cho mình hơn 1,2 triệu đồng. Lương của mình bị trừ 1 cách vô cớ. Theo thỏa thuận, 3 ngày đầu tiên thử việc nên nhận lương 50%, nhưng sau họ lật lọng bảo thử việc không có lương. Rồi nói mình làm chưa tốt nên trừ lương. Vì không có hợp đồng lao động nên mình cũng chẳng làm gì được. Lúc đó 1 triệu đồng với mình rất lớn, bây giờ nghĩ lại vẫn còn ấm ức”, Trang chia sẻ.

Khi bị quỵt hay nợ lương, làm thế nào để đòi lại quyền lợi của mình?

Hiện nay, nhiều sinh viên đi làm thêm và lương thưởng chỉ thỏa thuận bằng miệng, không có hợp đồng lao động. Theo luật sư Nguyễn Trung Tín, thành viên chi nhánh Công ty luật TNHH Đặng và Cộng sự, hợp đồng lao động có thể giao kết theo 3 hình thức: bằng văn bản; thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu; giao kết bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 1 tháng.

Đi làm bị quỵt tiền lương, phải làm sao?- Ảnh 2.

Bị quỵt lương phải làm sao?

CHỤP MÀN HÌNH

“Trường hợp đã làm việc trên 1 tháng mà không ký hợp đồng lao động bằng văn bản là không đúng quy định pháp luật. Vì vậy, bạn sẽ được coi là người lao động, và được đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp theo đúng thỏa thuận giữa các bên và quy định của Bộ luật Lao động. Trong đó có quyền được hưởng lương đầy đủ, đúng hạn”, luật sư Tín cho biết.

Còn đối với trường hợp có ký kết hợp đồng lao động mà bị nợ lương, luật sư Tín thông tin: Tại khoản 1, điều 48, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Vì vậy, việc công ty khi chấm dứt hợp đồng lao động đã không trả lương là vi phạm các quy định của pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi của bản thân, người lao động nên thực hiện hòa giải, nếu không thành công có thể gửi đơn khiếu nại đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để cơ quan chức năng có thể tiến hành xem xét vấn đề và đưa ra các phương án giải quyết.

Không ít bạn trẻ vì không đòi được tiền công mà đăng bài "bóc phốt" cá nhân, doanh nghiệp lên mạng xã hội. Chia sẻ thêm về vấn đề này, luật sư Tín nói: “Khi bị quỵt hay nợ lương, người lao động không nên đăng bài "bóc phốt" 1 doanh nghiệp, công ty lên mạng xã hội. Vì việc đăng bài "bóc phốt" người khác lên mạng xã hội mà nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự của họ hoặc có những thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác là hành vi vi phạm pháp luật”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.