Đi lên từ thảm họa sóng thần

27/12/2014 07:00 GMT+7

Mười năm sau trận sóng thần ven bờ Ấn Độ Dương cướp đi gần 230.000 sinh mạng, nhân loại đã tiến một bước dài trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại của hiểm họa này.

Mười năm sau trận sóng thần ven bờ Ấn Độ Dương cướp đi gần 230.000 sinh mạng, nhân loại đã tiến một bước dài trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại của hiểm họa này.

Đi lên từ thảm họa sóng thầnPhụ nữ tỉnh Aceh dự buổi lễ cầu nguyện cho các nạn nhân sóng thần đêm 25.12 - Ảnh: Reuters
Ngày 26.12, cộng đồng quốc tế kỷ niệm tròn một thập niên ngày xảy ra trận động đất 9,2 độ Richter gây sóng thần cực lớn, tàn phá 13 quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương và cướp đi sinh mạng hơn 226.000 người từ hơn 50 nước.
Là nơi đầu tiên hứng chịu cơn địa chấn và những cuộn sóng thần hung tợn nhất, tỉnh Aceh trên đảo Sumatra của Indonesia cũng là nơi đầu tiên diễn ra lễ tưởng niệm 127.000 cư dân thiệt mạng.
Đêm 25.12, hơn 7.000 người đã tập trung về đại thánh đường Hồi giáo Baiturrahman ở thủ phủ Banda Aceh làm lễ cầu nguyện cho các nạn nhân, trong khi hàng loạt lễ cầu nguyện khác diễn ra tại các thánh đường trên toàn tỉnh. Sáng 26.12, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla chủ trì buổi lễ long trọng tại Banda Aceh với sự tham dự của khoảng 80 nhà ngoại giao và đại diện các tổ chức quốc tế.
Thái Lan, quốc gia thứ hai bị sóng thần tấn công, cướp đi 5.400 mạng sống, tổ chức lễ tưởng niệm tại tỉnh Phang Nga, nơi có “thiên đường du lịch” Phuket bị tàn phá nặng nề, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Ấn Độ với 16.400 người thiệt mạng tại bang miền nam Tamil Nadu, Sri Lanka với 31.000 người chết... cũng tổ chức lễ tưởng niệm lớn. Ngoài ra, nhiều quốc gia châu Âu cũng tổ chức lễ tưởng niệm hàng trăm công dân của mình thiệt mạng trong lúc nghỉ lễ cuối năm tại Phuket.
Bước ngoặt nhận thức
Sóng thần (tsunami) vào năm 2004 là một khái niệm xa lạ với đại bộ phận công chúng thế giới. Ông Wanigaratne Karunatilleke, nay 58 tuổi, nhớ lại với AFP: Lẽ ra khoảng 1.000 hành khách trên chuyến tàu hỏa Ocean Queen Express đi về thành phố Peraliya, cách thủ đô Colombo (Sri Lanka) khoảng 90 km, có thể đã sống sót nếu khi đó ông, một nhân viên quản lý đường sắt, hiểu thế nào là sóng thần.
“Khi phát hiện nước tràn vào, tôi có 15 phút để ra lệnh dừng tàu và sơ tán hành khách. Tôi đã có thể làm việc đó. Chúng tôi có thời gian, nhưng thiếu hiểu biết”, ông ân hận. Không có hiệu lệnh nào được đưa ra, đoàn tàu vẫn chuyển bánh và trật khỏi đường ray do bị sóng thần phá hủy.
Nghiên cứu về sóng thần vào thời điểm 2004 là một ngành rất nhỏ. Cục Khí tượng và hải dương Mỹ (NOAA) khi ấy chỉ lập Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) ở Hawaii cho vùng Thái Bình Dương và lắp đặt 6 hệ thống đo đạc và báo cáo sóng thần đại dương (DART) ở đó. Cả thế giới khi đó chỉ có 7 DART, nhưng chỉ 3 cái hoạt động, trong khi Ấn Độ Dương hoàn toàn mù tịt về sóng thần.
Tuy nhiên, “biến cố đó đã gây chấn động giới khoa học toàn cầu, là một bước ngoặt lôi cuốn thế giới vào những suy tư chính trị, đẩy công tác nghiên cứu sóng thần vào một kỷ nguyên mới”, Giáo sư kỹ thuật dân sự Hary Yeh tại ĐH Oregon nhìn nhận.
Hiện nay, trên thế giới có cả thảy 60 hệ thống DART, trong đó 10 cái được lắp đặt ở Ấn Độ Dương từ năm 2011. Như những con mắt điện tử, DART có phần chân cắm sâu trong lòng biển, từng phút từng giây đo đạc áp suất nước và ghi nhận những tín hiệu về sự tích tụ có nguy cơ dẫn đến sóng thần. Dữ liệu này sẽ được chuyển về hệ thống ghi nhận thông tin bằng phao nổi trên mặt nước qua sóng âm thanh được mã hóa thành những tiếp “bíp”.
Những thông tin sau đó sẽ được phát lên vệ tinh và chuyển về các trung tâm cảnh báo sóng thần thế giới để phát tới người dân. “Toàn bộ quá trình này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian tính bằng giây”, Giám đốc PTWC Vasily Titov nói.
Chuyên gia cũng mù tịt
Ngay cả chuyên gia tại PTWC cũng mơ hồ giữa lúc cơn sóng thần mạnh nhất trong lịch sử nhân loại tàn phá Ấn Độ Dương. Thuật lại với trang tin PBS Newshour mới đây, chuyên viên Stuart Weinstei làm việc tại PTWC cho biết trung tâm này nhận được tín hiệu động đất từ địa chấn kế tại Úc lúc 3 giờ chiều 25.12, giờ Hawaii. Nhưng nhiều giờ sau đó, chuyên gia vật lý địa cầu ở đây vẫn không xác định được có sóng thần hay không. Tương tự, chuyên gia Vasily Titov của Phòng thí nghiệm môi trường biển Thái Bình Dương ở Seattle (Mỹ) cũng mù tịt. Cho đến khi sóng thần đã lan tới Đông Phi, nhờ tin tức trên báo, các chuyên gia Mỹ mới biết có sóng thần và sức tàn phá của nó. “Công cụ đo đạc sóng thần khi đó gần như chưa tồn tại. Tôi đã bấn loạn lắp ghép các mô hình dự báo bằng tay”, ông Titov, nay là Giám đốc PTWC, nhớ lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.