Tổng thống Indonesia sẽ làm gì khi mãn nhiệm?

03/09/2014 15:15 GMT+7

(TNO) Có rất nhiều tổ chức quốc tế đang mời tiến sĩ Sisilo Bambang Yudhoyono làm việc sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống Indonesia thứ 2 vào ngày 20.10 tới.

(TNO) Có rất nhiều tổ chức quốc tế đang mời tiến sĩ Sisilo Bambang Yudhoyono làm việc sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống Indonesia thứ 2 vào ngày 20.10 tới.

Tổng thống sắp mãn nhiệm của Indonesia, ông Sisilo Bambang Yudhoyono (phải) gặp Tổng thống tân cử Joko Widodo để bàn việc chuyên giao chính quyền.  Tiến sĩ Yudhoyono đang được nhiều tổ chức quốc tế mời làm việc - Ảnh: AFP
Tổng thống sắp mãn nhiệm của Indonesia, ông Sisilo Bambang Yudhoyono (phải) gặp Tổng thống tân cử Joko Widodo để bàn việc chuyên giao chính quyền. Tiến sĩ Yudhoyono đang được nhiều tổ chức quốc tế mời làm việc - Ảnh: AFP 

Đó là thông tin được Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói với báo chí hôm 1.9 ngay tại phủ tổng thống Indonesia.

“Trong lúc nhiệm kỳ của tổng thống sắp kết thúc, và cũng để ghi nhận vai trò của ông trong suốt thời gian qua, nhiều tổ chức đã có lời mời ông tiếp tục tham gia vào các sự vụ quốc tế”, ông Natalegawa thừa nhận khi được báo chí chất vấn về tương lai của vị tổng thống sắp mãn nhiệm.

Ông Yudhoyono, sắp tròn 65 tuổi và được dân chúng xứ vạn đảo gọi một cách ngắn gọn là SBY, từng là tướng lĩnh quân đội.

Ông trúng cử tổng thống nhiệm kỳ đầu năm 2004, thay thế người tiền nhiệm Megawati Sukarnoputri, con gái cố tổng thống đầu tiên của Indonesia Sukarno.

Năm 2009, ông tái trúng cử tổng thống với số phiếu áp đảo.

Theo các nhà quan sát, trong 2 nhiệm kỳ của mình, ông SBY đã đưa nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với 250 triệu dân tiến lên một cách vững chắc, dân chủ được cải thiện, trong khi hình ảnh và vai trò quốc gia được nâng cao trên chính trường quốc tế.

Tuy nhiên, hiến pháp Idonesia không cho phép ai làm tổng thống quá 2 nhiệm kỳ liên tục.

Vào ngày 20.10 tới, ông SBY sẽ nhường lại chiếc ghế quyền lực cho cho người kế nhiệm Joko Widodo, một doanh nhân ngành nội thất, không có gốc gác quân nhân nhưng được nhân dân yêu mến vì chất bình dị và dấn thân.

Nhiều lời chào mời

Ngoại trưởng Natalegawa cũng thừa nhận Liên Hiệp Quốc (LHQ) là một trong những tổ chức đã có lời mời ông SBY làm việc và “ông ấy sẽ cân nhắc tất cả các lời mời đó”.

Dù vậy, ông Natalegawa từ chối tiết lộ thông tin cụ thể: “Các bạn nên hỏi trực tiếp ngài tổng thống thì tốt hơn, đừng hỏi tôi”.

Nhưng báo Jakarta Globe cũng trích lời phát ngôn viên của tổng thống là ông Julian Aldrin Pasha cho hay có ít nhất 3 cơ quan quốc tế đã đưa ra lời mời. Đó là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Hiệp hội Nhật Bản - Indonesia trụ sở tại Tokyo, và Viện phát triển xanh toàn cầu (GGGI) có trụ sở ở Seoul, Hàn Quốc.

Ông Julian cho hay Trưởng ban tổ chức UNESCO Irina Bokova đã trực tiếp đưa ra lời mời khi gặp ông SBY tại Bali, Indonesia.

Báo Straits Times cũng cho biết thêm, chính Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon đã bóng gió đề cập nguyện vọng muốn ông SBY làm việc cho LHQ tại cuộc họp báo hôm 29.8 trong khuôn khổ diễn đàn quốc tế có tên Liên minh các nền văn minh, ở thành phố Bali: “Tôi tin rằng Tổng thống Yudhoyono sẽ tiếp tục làm việc vì nhân loại... cùng với LHQ”.

Còn lời mời từ Tokyo do chính chủ tịch Hiệp hội Nhật Bản - Indonesia là cựu Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda đưa ra trong cuộc gặp với ông SBY tại Jakarta hôm 1.9.

“Ông Fukuda về cơ bản đã đề nghị ngài tổng thống tiếp tục các hoạt động năng nổ của ông trong hiệp hội. Tuy nhiên chưa rõ vị trí ông được chào mời là gì”, phát ngôn viên Julian tiết lộ.

Ông Hulian nói: “Tổng thống Yudhoyono được mời làm Chủ tịch viện GGGI vốn chuyên về biến đổi khí hậu”. 

“Gần như chắc chắn tổng thống sẽ chấp nhận lời mời này”, ông Julian tiết lộ và nói rằng ông SBY “không có hứng thú mấy với các tổ chức của LHQ”.

Tham vọng Tổng thư ký LHQ?

Trong khi đó, phát ngôn viên của ông SBY về các vấn đề quốc tế, ông Teuku Faizasyah, cực lực bác bỏ đồn đoán rằng vị tổng thống sắp mãn nhiệm có tham vọng trở thành người đứng đầu LHQ.

“Điều đó hoàn toàn không đúng”, ông Faizasyah khẳng định.

Tuy nhiên, anh trai của ông Faizasyah là Teuku Rezasyah, Giám đốc Trung tâm Dân chủ, Ngoại giao và Quốc phòng Indonesia, lại tỏ ra hăm hở: “Bầu ông Yudhoyono làm Tổng thư ký LHQ sẽ là lựa chọn tốt đẹp cho thế giới và là vinh dự lớn cho Indonesia”, và “Tổng thống nên chấp nhận sứ mệnh quốc tế này”.

Không biết ông SBY thực sự có tham vọng đó hay không. Nhưng xét về mặt kỹ thuật, điều này khó trở thành sự thật, bởi theo quy luật bất thành văn, vị trí tổng thư ký thường được luân phiên giữa các châu lục.

Đương kim Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon là người Hàn Quốc. Nhiệm kỳ 10 năm của ông Ban sẽ kết thúc vào tháng 12.2016, và khó có khả năng người kế nhiệm của ông sẽ tiếp tục là người châu Á như ông Yudhoyono.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Xe của cựu Tổng thống Indonesia đâu rồi ?
>> Tổng thống Indonesia bị đe dọa ám sát
>> Điện thoại di động của Tổng thống Indonesia bị quá tải
>> ‘Chính trị gia chân đất’ đắc cử Tổng thống Indonesia
>> Tổng thống Indonesia chính thức có chuyên cơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.