Đi ‘nhặt’ người điên và trẻ dị tật về nuôi

26/08/2014 13:20 GMT+7

Một người đàn ông ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đã bỏ ra hơn 10 tỉ đồng để xây nhà và đi 'nhặt' những mảnh đời bất hạnh về nuôi dưỡng trong căn nhà đó.

Một người đàn ông ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đã bỏ ra hơn 10 tỉ đồng để xây nhà và đi “nhặt” những mảnh đời bất hạnh về nuôi dưỡng trong căn nhà đó. 

 Anh Thịnh và một người dị tật đang được nuôi dưỡng tại Mái ấm thiện tâm Faustina - Ảnh: Phạm Đức
Anh Thịnh và một người dị tật đang được nuôi dưỡng tại Mái ấm thiện tâm Faustina - Ảnh: Phạm Đức

Hẹn mãi chúng tôi mới gặp được anh Hoàng Văn Thịnh (43 tuổi). Anh Thịnh kể, trong những chuyến đi công tác, hình ảnh những người điên lang thang trong bộ dạng rách rưới, sống đầu đường xó chợ và những đứa trẻ dị tật bị vứt bỏ đã khiến anh day dứt. “Họ cũng là con người mà răng phải sống khổ sở như vậy. Phải làm một điều gì đó để giúp họ”, ý định nuôi dưỡng người điên xuất phát từ đó.

Khoảng giữa năm 2011, anh lên huyện xin cấp đất để xây dựng mái nhà cho những mảnh đời bất hạnh, nhưng không được cấp phép. Không từ bỏ ý định, anh về nhà thuyết phục vợ gom tiền để mua đất làm nhà. Khi ngôi nhà sắp hoàn thành, anh mới nói mục đích xây dựng nhà là để nuôi người điên và trẻ em tàn tật, ai cũng ngỡ ngàng. Có người còn cho là anh… bị điên.

Đầu năm 2012, ngôi nhà 3 tầng khang trang gồm 30 phòng nằm bên con đường liên xã thuộc xóm Vếch Bắc, xã Đô Thành hoàn thành. Anh đặt tên là “Mái ấm thiện tâm Faustina”. Hơn 10 tỉ đồng để xây dựng mái ấm này đều là tiền túi của anh bỏ ra. Tấm lòng của anh Thịnh đã thuyết phục được nhiều người. Chính quyền đồng ý cho anh thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội Thiện Tâm. Thủ tục pháp lý đã xong, anh Thịnh bắt đầu đi tìm những người bệnh tâm thần lang thang đầu đường xó chợ về nuôi.

Người đầu tiên được anh “nhặt” về là bà Phạm Thị Thành (64 tuổi, quê tận Quảng Bình). Đó là một ngày trời mưa to, trên đường từ TP.Vinh về nhà, khi chạy xe trên QL 1, thấy một bà già vừa hát vừa ngồi tát nước mưa bên đường, anh Thành dừng xe đưa cho bà chai nước uống rồi hỏi có muốn về nhà anh ở không. Người đàn bà tội nghiệp ngẩng mặt cười man dại một lúc rồi như được thức tỉnh, bà gật đầu.

Được ăn uống no đủ, chăm sóc chu đáo, một thời gian thì bà Thành dần hồi phục. Bà kể,  lấy chồng nhưng không có con, chồng bỏ đi. Bà nhận nuôi đứa cháu thì lại bị nó lừa bán hết nhà cửa, đất đai bỏ vào Nam, khiến bà rơi vào cảnh không người thân, không nơi nương tựa, rồi hóa điên đi lang thang.

Anh Thịnh nói, trong số 9 người điên mà anh đã “nhặt” về nuôi, ai cũng đáng thương. Thậm chí, có người điên còn bị xâm hại, khi có thai 5 tháng thì được anh phát hiện, đưa về nuôi.

Trẻ bất hạnh cũng được nuôi dưỡng

Không chỉ người điên, những đứa trẻ tàn tật bị bỏ rơi cũng được anh Thịnh đón về nuôi. Đó là hơn 70 đứa trẻ khuyết tật, dị dạng, bị vứt bỏ ra đường khi còn sơ sinh, được các nữ tu sĩ đưa về nuôi từ hơn chục năm nay tại một cơ sở nhân đạo ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Khi xây xong nhà, anh Thịnh đến đặt vấn đề với nhà Dòng và nhận đón các em này về để nuôi dưỡng, vì trung tâm của anh có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Hơn 70 đứa trẻ đang sống dưới mái nhà này hầu hết phải mang những thân hình dị dạng. Rất ít em bập bẹ nói được đôi từ, còn lại chỉ biết nằm một chỗ. 12 sơ từ Dòng Mến thánh giá đang tình nguyện đến nuôi dưỡng những mảnh đời này.

Là chủ một doanh nghiệp ở địa phương, anh Thịnh rất bận bịu với công việc làm ăn, nhưng anh vẫn thường xuyên dành thời gian cho mái nhà tình thương này. Hiện, một số người hảo tâm biết được việc làm thiện nguyện của anh Thịnh cũng chung tay đóng góp một ít. Tuy nhiên, mỗi tháng anh Thịnh vẫn bỏ ra khoảng 40 triệu đồng để nuôi dưỡng, chăm sóc gần 80 mảnh đời bất hạnh đang nương náu tại mái ấm này. Anh cũng cho biết đang tiếp tục đi “nhặt” những số phận bất hạnh không nơi nương tựa để nuôi, vì căn nhà tình thương này có thể ở được 150 người.

Phạm Đức - Phan Ngọc

>> Nơi 20 năm cưu mang trẻ bất hạnh
>> Tổ chức Tết Trung thu cho trẻ bất hạnh
>> Trẻ bất hạnh, già bệnh tật
>> Chăm lo cho trẻ bất hạnh
>> Chăm lo trẻ bất hạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.