Đi qua cô đơn - Truyện ngắn của Hoàng Nhật Tuyên

21/01/2024 08:30 GMT+7

"Mẹ nhớ ăn nhiều vào và nhớ giữ gìn sức khỏe đó nhen!". Mỗi tuần Hoài gọi điện thoại cho mẹ đều đặn hai đến ba lần, thường là ban đêm, sau khi đi làm về, vào những lúc cơm nước xong xuôi hoặc vào những ngày nghỉ, không đi làm. Tỉ tê hết chuyện này đến chuyện nọ, dặn dò bà ăn uống, thỉnh thoảng cô lại hỏi: "Mẹ có buồn không?".

Đi qua cô đơn - Truyện ngắn của Hoàng Nhật Tuyên- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

- Có chi đâu buồn! Cả ngày đi chơi khắp xóm, tối xem ti vi chán, lên giường, đánh một giấc đến sáng, có chi mà buồn!

Mẹ Hoài luôn trả lời mười lần y chục. Nhưng Hoài biết, làm sao mà mẹ không buồn được, chỉ nói cho con cái yên tâm thôi. Cuộc sống của mẹ Hoài bây giờ không còn khó khăn lắm, không như hồi mấy anh em Hoài còn nhỏ, mẹ phải bươn chải, vừa lo ăn lo mặc vừa lo chuyện học hành. Vườn không rộng, nhưng ngoài chuối rau, mẹ chăm sóc rồi mang ra chợ bán, ba anh em Hoài đều đã đi làm, mỗi đứa hằng tháng đều dành một phần gửi về thêm nên tiền nong đối với mẹ không còn là chuyện đáng lo. Thậm chí mỗi lần con cái cho tiền, mẹ còn chối đây đẩy không nhận, bảo có nhiều rồi, già rồi đâu có tiêu chi nhiều đâu, mấy đứa cho thì cũng cất đó, dồn lại bận sau cho lại cháu thôi. Có thể mẹ không túng bấn, thiếu thốn, nhưng cũng như anh Thao và chị Duyên, Hoài biết, chắc chắn mẹ buồn, mặc dù bao giờ hỏi tới bà cũng bảo không. Không sao được, nhà có ba đứa con đều ở xa. Anh Thao tốt nghiệp đại học đi làm cho công ty dầu khí ở Vũng Tàu, chị Duyên ra trường lấy chồng về sống ở tận Cần Thơ. Riêng Hoài hai năm nay, sau khi tốt nghiệp, xin được việc ở Sài Gòn nên cô ở lại công tác. Lương ai nấy đều khá, ai cũng muốn đưa mẹ về sống với mình nhưng bà không chịu.

- Điên hay sao mà theo bọn bay, nhà cửa, vườn tược ngời ngời ra đó bỏ cho ai. Thôi, để từ từ sau này mẹ già hãy tính! Vô trỏng buồn lắm, mẹ còn khỏe chán, tự lo cho mình được.

Câu trả lời của mẹ lần nào cũng chắc nịch, cứ như đinh đóng cột không đứa nào lay được.

Lấy chồng sớm, khi mới ở tuổi hai mươi, mẹ Hoài sinh liền một dây ba đứa con trong sáu năm. Nhưng bất hạnh ập xuống, ba Hoài một lần theo người vào rừng tìm trầm, đang mùa khô mà chẳng hiểu sao năm ấy trời bất ngờ mưa to dữ dội, ông qua suối bị nước cuốn trôi, để lại cho người vợ trẻ ba đứa con mà đứa út là Hoài mới lên chín tuổi.

Buồn đau rồi cũng đi qua. Với chiếc xe máy cũ của ba để lại, mẹ Hoài bắt đầu đi mua các thức trong làng để chở ra thị trấn bán. Thôi thì đủ thứ, rau có, đậu có, khoai có, thậm chí gà, vịt ai bán gì mẹ cũng mua… Chiều đi dạo xóm trên, xóm dưới để mua và sáng sớm lại đi bán. Bán cho nhà hàng, bỏ cho các sạp, rồi bán lẻ cho người đi chợ. Chiếc xe máy cũ được chằng bằng hai chiếc đòn gánh, trên đó cột, nịt, chở đầy những giỏ lớn giỏ nhỏ, từ tờ mờ sáng đã nổ bành bạch, xịt đầy khói, lao đi trên đường làng. Và nhờ chiếc xe hai bánh già nua ấy nên gia đình Hoài không những vượt qua được khó khăn, mà mấy anh chị em Hoài còn được mẹ lo ăn học đầy đủ. Điều lạ là vất vả, tất tả ngược xuôi suốt ngày, vậy mà mẹ Hoài như có trời phù hộ, không ốm đau gì và bà cứ đẹp, cái đẹp lừng lựng làm cho nhiều người đàn ông trong làng, trong xã cứ bám theo. Có người đón mẹ Hoài giữa đường để nhỏ to. Có người đến tận nhà, không ai nhờ vẫn đi đóng giùm cái chân ghế gãy hay cánh cửa bị sổ mấy cây đinh. Có ông chủ thầu xây dựng giả bộ đi tìm mối làm ăn, tiện thể ghé ngang, nhưng vào nhà thì ngồi lâu cả tiếng đồng hồ rồi toàn nói chuyện chi đâu, khơi khơi trên trời dưới đất. Khi mẹ Hoài nhắc mình phải lo xếp rau, củ để mai đi bán, ông ta mới chịu đứng dậy.

Hồi đó còn nhỏ, nhưng ba anh em Hoài biết hết. Cho nên đứa nào cũng để ý giữ mẹ khư khư, cứ sợ mẹ đi lấy chồng. Đứa nào cũng tỏ ra khó chịu khi có khách là đàn ông đến thăm. Hoài nhớ mãi, có bữa, trời tối thui rồi mà không hiểu sao ông phó chủ tịch xã cho xe máy chạy tạch tạch tới nhà, còn mang theo cả túi bánh kẹo to đùng, bỏ lên bàn, nói: "Cho mấy đứa nhỏ!". Không ai hỏi mà ông phó chủ tịch tự dưng đi kể hết chuyện này đến chuyện kia của xã, trong khi mắt không rời vóc dáng mẹ. Đã thế, lát sau bằng giọng rò rè, ông ta bảo, hôm nay đi ăn giỗ, uống nhiều rượu quá, e đi xe về không tiện, xin ngủ nhờ, sáng đi sớm. "Anh cứ đùa!", mẹ Hoài nhìn khách đáp lại một cách lúng túng, rồi liếc nhìn mấy đứa con cầu cứu. May quá, không rõ ai xúi mà hôm đó chị Duyên bỗng dưng nhanh miệng dễ sợ, nói ngon ơ cứ như người lớn, ngọt ngọt nhưng sắc lẹm:

- Này chú ơi, hay để con với em con xách đèn đi qua nhà cô Năm Quánh bán hàng tạp hóa ở gần đây, gọi điện thoại báo cho thím ở nhà đến chở chú về! Người ta nói, uống rượu đi xe nguy hiểm lắm!

Chị Hoài nói vậy chứ biết số điện thoại mô tê đâu mà gọi. Ai dè vừa nghe chị nói, ông phó chủ tịch xã đứng bật dậy như bị kiến ba khoang cắn vào mông:

- A, chỉ đùa cho vui thôi, có uống bao nhiêu đâu!

Nói rồi ông ta cười giả lả, chào cả nhà như chưa hề có việc gì, bước thẳng ra sân, cho xe nổ máy.

Khách vừa đi khỏi, chị Duyên ôm lấy Hoài cười rúc rích rồi xé gói bánh ăn ngon lành. Mẹ Hoài nhìn hai chị em, nói mà không biết là chê hay khen:

- Mấy đứa bay cũng quá trời!

Sau này lớn lên, nghe nhiều, đọc nhiều, biết nhiều, Hoài càng thương mẹ nhiều hơn. Ở làng quê, những người đàn bà trẻ góa chồng muốn yên thân, thủ phận nuôi con đâu phải dễ, nhất là khi người ấy lại đẹp. Hoài biết rất nhiều tháng ngày mẹ đã phải chống chọi với lòng mình, để ý nghĩ đừng sóng sánh, chao nghiêng trước những lời ngọt dịu và những đôi mắt cháy bỏng, đeo đuổi của người khác phái, nhưng cũng cố để không làm ai bị mất lòng. Cũng sau này lớn lên, Hoài mới hiểu về cái đêm khuya ấy. Nửa đêm, cô cựa quậy thức dậy, thấy mẹ vẫn còn thức, ôm chặt lấy mình rồi cất tiếng thở dài. Sáng hôm sau, chị Duyên quét sân bỗng la toáng lên:

- Đêm qua anh Thao lén hút thuốc phải không?

- Làm gì có, anh đâu có biết hút thuốc!

- Chứ ai hút mà bỏ ngoài hiên đến gần cả chục cái mẩu tàn thuốc thế này?

Mấy anh em ngạc nhiên, đoán già đoán non, cuối cùng anh Thao kết luận:

- Như vậy là đêm qua có ai đó đi ngang, ghé vào ngồi ở hiên nhà mình và hút thuốc.

Hôm ấy mẹ Hoài chẳng nói gì, lui hui chuẩn bị chở đồ về thị trấn để bán, mặt buồn buồn. Cũng từ đó, hằng đêm, mẹ đi ngủ sớm hơn và dặn các con đóng cửa kỹ hơn.

Anh Thao vào đại học, nhà bắt đầu vắng. Đến khi chị Duyên đi học xa, lại càng thêm vắng. Rồi một ngày, Hoài cũng rời mẹ. Giờ thì không chỉ thương mà Hoài cũng như anh chị mình bắt đầu lo cho mẹ. Làng Hoài nằm xa thị trấn, mà con cái đứa nào cũng ở cách mẹ đến năm, bảy trăm cây số, đâu phải lúc nào cũng có điều kiện về thăm. Hoài hay tưởng tượng ra cảnh những đêm mưa mẹ ở nhà một mình, ngoài vườn ếch, nhái, ễnh ương cứ râm ran từng tràng dài nghe đến nao lòng, hỏi ai không buồn cho được… Mấy anh em Hoài dặn nhau, phải thường xuyên hỏi thăm, động viên mẹ.

Dịp tết năm trước, cả ba cùng tựu về đông đủ, anh Thao vừa cười vừa nói đùa:

- Mẹ ơi, hay mẹ ghép với bác nào đó để sống cho vui tuổi già mẹ há!

- Ý của anh Hai hay đó nghen! Trong bạn bè của mẹ có ai không mẹ? - Chị Duyên nói xen vào ngay. Mắt chị sáng lên như thể ý kiến của anh trai là một giải pháp quan trọng.

- Nếu được như vậy thì hay quá! - Hoài cũng nhanh nhảu hưởng ứng - Giờ mẹ lớn tuổi rồi nhưng vẫn còn trẻ lắm, con cái thì có nhỏ dại gì nữa đâu mà lo! Có khi như thế lại hay đó mẹ à! Mẹ coi ông nào lẻ đôi, ghép lại nấu cơm chung, sớm tối hú hí với nhau cho vui!

Mẹ Hoài nghiêm mặt bảo:

- Tào lao! Ừ, mà mấy đứa cũng hay thiệt hà! Hồi nhỏ đứa nào cũng giữ riết, sợ mẹ đi theo người khác, giờ thì lại muốn mẹ đi lấy chồng!

- Thì muốn mẹ vào thành phố với chúng con, mẹ không đi! Sợ mẹ buồn nên bọn con thấy cách này cũng hay - Anh Thao tiếp tục giải thích - Bây giờ chuyện những người lớn tuổi góp gạo nấu cơm chung phổ biến lắm rồi mẹ à!

- Thôi, tào lao! - Mẹ Hoài lắc đầu nguầy nguậy, nhưng sau một lúc nghe mấy anh em phân tích, bà lặng im chẳng nói gì nữa, chỉ nhìn về phía xa xăm rồi bảo - Thôi, chuyện đó tính sau, từ từ…

Ngày tết đi qua, khi lên đò qua bên kia sông để đón xe trở về thành phố, nhìn dáng mẹ đứng vẫy vẫy chiếc nón lá bên con dốc thoai thoải đầy lau lách, ba anh em Hoài thấy lòng chành chạnh, rưng rưng. Cả ba lại mang chuyện mẹ ở một mình để trao đổi. Đứa nào cũng nghĩ, biết đâu mẹ lại tìm được chiếc đũa lẻ đôi. Đứa nào cũng nghĩ, chỉ như thế mẹ mới không buồn, mới không đơn chiếc.

Tuy công việc bận rộn nhưng ba anh em Hoài vẫn thường xuyên gọi điện về cho mẹ. Cả tháng nay, Hoài lấy làm ngạc nhiên vì có nhiều lần gọi mà mẹ không nghe máy. Có lúc nghe máy một chút, trả lời ngắn gọn, sau đó mẹ lại cắt, bảo đang bận, đang có khách, lúc khác sẽ nói tiếp. Hỏi bận việc gì mẹ không nói, chỉ đáp gọn: "Lúc nào mấy đứa về sẽ biết". Hỏi khách là ai, mẹ cũng không trả lời. Anh Thao và chị Duyên cũng ngạc nhiên. Cả ba bắt đầu thấy nghi ngờ, hay là mẹ đã chấp nhận một người nào đó mà chưa tiện cho con cái biết?

- Không chừng…! - Anh Thao nói.

- Có chuyện chi mà bận, chắc là mẹ có người rồi - Chị Duyên bảo.

Tuần này Hoài được công ty phân công cùng mấy người nữa đi công tác miền Trung. Khi xong việc, tranh thủ dịp cuối tuần, cô rời đoàn về thăm mẹ. Vừa bước vào nhà, Hoài kinh ngạc. Trong nhà Hoài có đến mấy chục đứa trẻ con đủ lứa tuổi, đứa đứng, đứa ngồi, có đứa còn nằm trong cái cũi gỗ, trong khi ấy, mẹ cùng mấy cô dì nữa trong xóm người đút ăn, người đang dỗ dành tụi nhỏ.

Vì bận rộn nên một lát sau mẹ Hoài mới có thời gian giải thích cho con gái. Thì ra, đám nhóc kia là trẻ mồ côi đang được các ni cô chăm nuôi tại ngôi chùa trong làng. Gần đây, do sửa chùa nên mẹ Hoài đã đồng ý để các sư đưa bọn nhỏ về nhà mình nuôi tạm. Một lát sau, mẹ bảo:

- Mẹ định sau khi chùa sửa xong mẹ sẽ xin một đứa, để lại mẹ nuôi…

Hoài không biết phải nói gì! Thì ra mẹ nói bận, có khách là do chuyện này. Hoài định hỏi thêm nhưng gần chỗ cô đứng có một chú bé khá bụ bẫm, ngồi trong chiếc cũi gỗ, đang ngước mặt nhìn cô với đôi mắt tròn xoe, rồi bất ngờ đưa hai tay lên cao, đòi bồng. Hoài bế nó lên, thằng bé áp sát mặt vào cổ cô. Hoài nhận ra hơi thở của nó đang nhè nhẹ phà vào mặt mình thơm thơm mùi sữa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.