Di sản được canh bằng súng

27/09/2015 09:27 GMT+7

Đó là đền Preah Vihear nằm trên chỏm núi Dângrêk (tỉnh Preah Vihear, Campuchia), giáp với Thái Lan.

Đó là đền Preah Vihear nằm trên chỏm núi Dângrêk (tỉnh Preah Vihear, Campuchia), giáp với Thái Lan.

Khu vực đền bị đổ nát do đạn pháo trong thời kỳ giao tranh Thái Lan - CampuchiaKhu vực đền bị đổ nát do đạn pháo trong thời kỳ giao tranh Thái Lan - Campuchia
Từ ngã ba Sráaem nằm trên đường 62 và 2625 lên tới ngôi đền, đến đâu tôi cũng gặp hầm hào công sự và những cảnh sát biên giới Campuchia lầm lì ôm súng AK, canh gác ven đường...
“Thành phố lính”
Anh Cheang Mony, sinh năm 1961, nguyên là sinh viên được chính phủ Campuchia cử sang học ĐH Cần Thơ, lấy vợ Vĩnh Long và lại có mấy năm làm cán bộ khuyến nông của huyện Măng Thít, Vĩnh Long nên rất giỏi tiếng Việt, cũng như mọi câu chuyện ở Campuchia. Đợi chúng tôi ở thị trấn Stoung (tỉnh Kampong Thom), anh Mony phân trần: “2 giờ chiều là quân đội cấm. Phải ngủ lại, mai đi sớm!” và lắc đầu: “Giờ mới cho khách thăm sau mấy năm đánh nhau, gần 30 người chết, hàng nghìn dân phải sơ tán!”.
4 giờ 30 sáng, Mony khua chúng tôi rời khỏi “thủ phủ” của tỉnh Kampong Thom bé như mắt muỗi, chạy dọc theo đường số 6 xuyên qua những cánh rừng thưa lúp xúp, đồng ruộng bỏ hoang tràn lan cỏ dại và những cái đầu xoăn tít của người dân nghe tiếng động cơ xe, thò ra khỏi những túp lều xiêu vẹo, dụi mắt nhìn theo, xà rông cũ nát ơ hờ ngang hông... Đi được 1 tiếng, bỗng lái xe dúi dụi rà phanh, nhường đường cho đoàn xe tải quân đội mới cứng mang nhãn hiệu Dongfeng (do Tập đoàn ô tô Đông Phong, Trung Quốc sản xuất) hùng hục đè cả lên vạch phân cách, bỏ lại phía sau mấy chiếc xe tải GMC cũ kỹ từ năm 1970 - 1980 hồng hộc đuổi theo. Chỉ những quân nhân mặc đồ rằn ri đứng ngồi trên thùng, anh Mony bảo: “Quân đội đi canh đền Preah Vihear, hết thời gian về lại, người khác lên thay!” và khẳng định: “Ở Preah Vihear, quân đội nhiều nhất nước!”.
Quả thật. Ngang qua trung tâm của tỉnh Preah Vihear là thị trấn Krong Preah Vihear, lần quần vài đường lớn phủ đầy sỏi - đất đỏ, mới tìm ra dãy quán ăn sáng ven đường trung tâm Mlou Prei bán hủ tiếu, mì gói với khách ăn chủ yếu trong trang phục rằn ri của quân nhân Vùng quân sự số 4, màu ghi sáng của cảnh sát bảo vệ biên giới, đen xám biên phòng vũ trang... Ông chủ quán ăn sáng cạnh khách sạn Heng Heng bảo: “Mới năm 2014, thị trấn toàn lính. Dịp Thái Lan tăng quân, bắn pháo, lính tráng, xe pháo từ các nơi đổ về rầm rập. Quân trang, khí tài mới cứng, toàn chữ Trung Quốc”.
Từ ngã ba đường 2625 cắt với đường 62, bắt đầu từ Preah Vihear Boutique Hotel ngược lên đền, đếm sơ sơ cũng thấy 7 - 8 doanh trại của quân đội Hoàng gia Campuchia nằm ven đường với đủ binh chủng từ pháo binh, xe chiến đấu bộ binh cơ giới, xe vận tải quân sự, kho tàng... cho đến bộ binh, đặc công - đặc nhiệm, quân y.
Điểm cao sát cạnh đền Preah Vihear, phía Thái Lan xây chòi quan sát cho khách tham quan qua ống nhòm - Ảnh: Mai Thanh Hải
Điểm cao sát cạnh đền Preah Vihear, phía Thái Lan xây chòi quan sát cho khách tham quan qua ống nhòm - Ảnh: Mai Thanh Hải
Cấm người Thái Lan
Điểm đón tiếp - bán vé và... kiểm tra ban đầu của Ban Quản lý đền Preah Vihear là ngôi nhà cấp 4 lợp tôn xanh. Trần Hải Đăng, chuyên viên phụ trách địa bàn Campuchia, Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, TP.HCM, sau một hồi “đánh vật” với cô gái bán vé mặt lạnh như tiền bằng cả tiếng Campuchia, tiếng Anh và... động tác tay, hớt hải gọi: “Anh đưa hộ chiếu để họ kiểm tra vì thấy anh giống người Thái, không cho lên!” và làu bàu: “10 USD/người, 25 USD cho 1 chuyến xe chuyên dụng chở 6 người lên và xuống đền, bắt đầu từ đây. Tour guide cũng phải mua vé như thường”.
Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh Mony cười: “Cũng chỉ tại tiền!”, rồi giải thích: “Từ khi ngôi đền được công nhận là di sản thế giới, có rất nhiều chuyện xảy ra liên quan đến du khách người Thái Lan. Ồn ào nhất là việc năm 2013, một số người đưa tiền cho đối tượng Campuchia chặt đầu, chặt tay tượng. Sau đó, 4 người Thái Lan lên ngồi thiền từ sáng đến tối, cảnh sát Campuchia phải khênh xuống và bên kia lấy cớ bị bắt người nên nổ súng”...
Tôi nghe anh Mony nói cứ bán tín bán nghi, thế nhưng sau 20 phút ngồi xe gầm cao chuyên dụng gầm gào bò theo con đường dốc đến 45 - 50 độ, nhảy tưng tưng qua những viên đá to như mũ cối, nghẹt thở nhìn bánh xe chon von bên bờ vực sâu hút, không tìm đâu ra dải phân cách phòng hộ, lên đến đỉnh và theo tay chỉ sang bên kia biên giới, phần đất Thái Lan: Điểm Pha Mo I Daeng (nằm trong Vườn quốc gia Khao Phra Viharn, huyện Kantharalak, tỉnh Sisaket, Thái Lan), mới xây dựng 2 chòi mái ngói dùng để ngắm cảnh, ở mỗi chòi đều có giá ống nhòm và bố trí ghế ngồi cho du khách nhìn sang. Xen giữa các chòi vẫn là hệ thống lô cốt xây bằng bê tông cốt thép kiên cố và những người lính Thái...
Công sự trong lòng di sản
Dẫn tôi ra khu cổng chính phía nam, anh Chey chỉ sang dãy 10 chiếc lều lụp xụp bên trái nằm ngay sau những hầm trú ẩn, hố bắn đắp bằng bao cát, bảo: “Chỗ nào cũng phải canh gác, không cho người Thái vượt sang!”.
Tôi rùng mình: Dọc đường ngồi xe chuyên dụng leo núi, cứ 100 - 200 m lại gặp tốp cảnh sát bảo vệ biên giới của Campuchia khoác súng AK, bao đạn choàng trước ngực, soi từng mặt du khách và cắm cúi ghi sổ, chắc là số người và biển số xe. Ở ngay điểm xe dừng cho khách đi bộ lên đền, chen chúc hầm hào công sự xây bằng đá ong trát xi măng, bao cát xếp chồng lên nhau và những tấm biển đầu lâu xương chéo ghi ký hiệu bom mìn.
Seng - thằng bé 11 tuổi đen đúa, bé như cái kẹo bám theo xe tôi từ lúc mua vé cho đến lúc về lại, cứ nài nỉ mua túi cà phê tan với giá 5 USD, chỉ vào những người lính gác đền ý như giục mua tặng họ. Seng không đi học, ở nhà bán hàng cho những khách du lịch, hãn hữu lắm mới vượt hàng nghìn ki lô mét đường đất lầy lội, tìm đến thăm Preah Vihear như chúng tôi.
Tôi chỉ mong một lần quay lại di sản độc đáo trong rừng thẳm đông bắc Campuchia đã xóa dấu súng pháo, hầm hào trận địa, để gặp lại anh bạn Chey hiền lành vẫn đêm ngày trông từng mảnh tường, phần tượng và biết đâu sẽ gặp lại cậu bé Seng, bỏ hàng rong đi học du lịch, dẫn tôi thăm đền, kể rằng: “Hồi xưa rừng rú, di sản thế giới này đã bị canh bằng súng!”...
Đền Preah Vihear được xây dựng đầu thế kỷ thứ 9 để thờ thần Shiva. Các di vật cho thấy khu vực này là khu định cư quan trọng của đế quốc Khmer thế kỷ 12.
Do ngôi đền nằm sát biên giới Campuchia và Thái Lan nên khu vực này bị tranh chấp cho đến năm 1962, Tòa án Công lý quốc tế ra phán quyết thuộc Campuchia. Năm 1982, đền mở cửa và năm 1983 bị Khmer Đỏ chiếm đóng.
Năm 1998, ngôi đền mở cửa trở lại và Campuchia xây dựng tu bổ lại đến năm 2003 mới hoàn tất với hạng mục chính là con đường mới lên đền từ phía Campuchia (trước đây du khách chỉ lên được từ phía Thái Lan).
Năm 2008, ngôi đền được UNESCO công nhận là di sản thế giới thứ ba của Campuchia, dẫn đến quan hệ giữa hai nước Thái Lan - Campuchia trở nên căng thẳng, sự giao tranh quân sự kéo dài ở khu vực.
Năm 2013, Tòa án Công lý quốc tế ra phán quyết khu vực đền Preah Vihear thuộc Campuchia, yêu cầu Thái Lan rút quân đội, cảnh sát khỏi đền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.