TS Trương Ngọc Lân (ĐH Xây dựng) cho biết thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã cho ra đời nhiều công trình kiến trúc có giá trị. “Thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa chúng ta có khu tập thể Kim Liên, nhà sàn Bác Hồ được xây năm 1958. Sau đó, trụ sở Trường ĐH Thủy lợi, Bộ Kế hoạch - Đầu tư được xây năm 1961. Giai đoạn này đánh dấu việc bắt đầu xây dựng các khu nhà và có nhiều kế hoạch 5 năm. Từ 1965 trở đi, khi Mỹ đem quân vào miền Nam, việc xây dựng này dừng. Một mặt ta dồn sức cho chiến tranh, một mặt là không xây vì cũng sợ bị ném bom. Từ 1973 trở đi, ta xây lại. Khi đó có Cung thiếu nhi Hà Nội, khu tập thể Quang Trung. Đó là những công trình kiến trúc di sản thời đại Hồ Chí Minh”, ông Lân nói.
TS Trương Ngọc Lân nhận định rằng các công trình này có giá trị kiến trúc lịch sử không nhỏ. “Về kiến trúc, nó đánh dấu quá trình xây dựng đất nước mới, xã hội mới. Những công trình như thế xây dựng trong tâm thế giống một số nước trên thế giới trong thời kỳ vừa thoát khỏi thuộc địa. Nó thể hiện sự trỗi dậy của một dân tộc, khẳng định vị trí của dân tộc đó trên thế giới, đồng thời thể hiện dân tộc đó có nền tảng văn hóa lâu đời. Các công trình vì thế có sự áp dụng truyền thống và biểu tượng”, ông Lân phân tích.
|
Cần kiểm đếm lại di sản để giữ gìn
PGS-TS Phạm Thúy Loan (Phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia) cho rằng nếu không giữ các công trình kiến trúc xã hội chủ nghĩa, chúng ta sẽ đánh mất di sản của một thời; kèm theo đó, ký ức trẻ thơ của nhiều thế hệ cũng bị đánh mất. Cung thiếu nhi Hà Nội hiện đứng trước nguy cơ như vậy nếu được xây ở vị trí mới.
Phải đánh giá công trình nào có giá trị và nên được giữ lại* Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã đưa ra đề nghị bảo tồn với Cung thiếu nhi Hà Nội. Ở đó, có tòa nhà lớn được xếp vào kiến trúc thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội hay kiến trúc trước Đổi mới. Theo ông, những công trình kiến trúc ở Việt Nam được xây sau năm 1954 đến trước Đổi mới có gì nổi bật không?
- PGS-TS Khuất Tân Hưng: Có nhiều công trình nổi bật. Chẳng hạn Cung thiếu nhi Hà Nội là một công trình nổi bật, rồi có cả các khu tập thể như khu Kim Liên, Giảng Võ...; hay một loạt các công trình trường đại học cũng rất đáng chú ý như Đại học Bách khoa Hà Nội... Tôi nhớ có thời một giáo sư người Úc là William Logan còn muốn cấp học bổng nghiên cứu sinh ngành kiến trúc để nghiên cứu về kiến trúc trường học thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Ông rất coi trọng kiến trúc này.
* Trong nhiều tranh luận về Cung thiếu nhi Hà Nội, có những ý kiến cho rằng nó cũ kỹ thế và có giá trị gì đâu. Các công trình kiến trúc thời kỳ xã hội chủ nghĩa dường như đang bị lãng quên?
- Nếu nhìn theo quan điểm phát triển liên tục thì sẽ thấy mỗi một thời kỳ kiến trúc sẽ có đặc trưng của nó, đều có giá trị. Hiện tại nhiều người đang nhìn các công trình kiến trúc xã hội chủ nghĩa với cảm giác là nó đang cũ kỹ nhưng chưa đủ cổ để trở thành giá trị; hoặc nó không đủ mới để làm một cái gì đó thật hấp dẫn. Người ta nhìn bằng con mắt như thế nên người ta đang lãng quên những kiến trúc như thế. Nhưng chắc chắn tới một lúc nào đó người ta sẽ nhìn lại, đánh giá lại thực sự giá trị, vai trò của nó.
Trên thế giới cũng có những công trình kiến trúc đương đại được trao danh hiệu di sản thế giới. Ví dụ như khu trung tâm thành phố Brasilia của Brazil. Điều đó chứng tỏ những công trình kiến trúc gần đây cũng có nhiều giá trị di sản chứ. Công trình kiến trúc thời kỳ xã hội chủ nghĩa ở ta có giá trị riêng, vẻ đẹp riêng và nó cũng đánh dấu một quá trình phát triển trong lịch sử kiến trúc.
* Với các công trình từ thời Pháp, bên cạnh danh hiệu di tích, chúng ta còn có danh sách những công trình trước năm 1954 cần được lưu giữ, bảo tồn. Còn với những công trình thời kỳ xã hội chủ nghĩa, đã có hành lang pháp lý nào bảo vệ chúng như di sản chưa, thưa ông?
- Đúng là chúng ta chưa có quy định gì cụ thể để bảo vệ chúng, giữ chúng như giữ di sản. Chúng ta nhìn các công trình thời kỳ xã hội chủ nghĩa không đủ cổ nhưng vẫn cũ kỹ nên dẫn đến việc cải tạo chưa ổn.
* Nhưng sự thực là các công trình này đang cũ đi, xuống cấp dần. Vậy phải ứng xử với chúng như thế nào?
- Khi chúng tôi đánh giá về di sản thường có công cụ đánh giá là tiềm năng bảo tồn, xem công trình đó giá trị thế nào, mức độ xuống cấp ra sao. Tôi không cực đoan đòi cứ phải giữ hết như một số người, vì nếu giữ tất thì không thể phát triển. Nhưng phải đánh giá công trình thế nào thì có giá trị và nên được giữ lại. Để trả lời thì phải có nghiên cứu. Bên cạnh tiêu chí về kiến trúc còn có những tiêu chí về lịch sử - văn hóa… Như khu tập thể Kim Liên có tòa nhà mà ở đó rất nhiều giáo sư đầu ngành khoa học xã hội và nhân văn sống, tòa đó cần được gìn giữ.
Ngữ Yên (thực hiện)
|
PGS-TS Khuất Tân Hưng (Chủ nhiệm bộ môn Di sản kiến trúc - ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho hay các nhà nghiên cứu nước ngoài rất quan tâm đến kiến trúc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Họ cũng cho rằng nên giữ các kiến trúc đó, kể cả khi chúng đã được cơi nới, thêm thắt như “các balo” ở những khu tập thể. “Họ đề xuất luôn là giữ “các balo” ở trên khu tập thể. Công trình như thế đánh dấu một giai đoạn người ta đã xây nhà như thế, một cách tự phát như thế. Bây giờ là lúc chúng ta cần kiểm đếm lại di sản kiến trúc xã hội chủ nghĩa để giữ gìn”, ông Hưng nói. Tất nhiên, theo ông Hưng, cần kiểm kê để quyết định giữ cái gì, còn cái gì cần phát triển.
Ông Hưng cũng cho biết dù nhiều công trình đã xuống cấp, đã được cơi nới, song không phải nó không có giá trị về mặt thẩm mỹ. “Nếu đến cây cầu Ponte Vecchio ở Florence (Ý), nó cũng có kiểu nhà cơi nới như thế trên cầu. Hầu hết mọi người đều đồng ý nếu cây cầu đó không giữ được “các balo” bám trên cầu thì nó cũng là một cây cầu rất bình thường dù có 1.000 năm lịch sử. Tôi không ngạc nhiên nếu người nước ngoài đề xuất giữ “các balo” đó”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, đấy cũng sẽ là nguồn lực văn hóa sau này. “Kiến trúc trong quá trình tồn tại đều bổ sung giá trị, có điều ta có nhận thấy hay không thôi. Đó là một thứ khác biệt, không thấy ở đâu cả. Như cây cầu Ponte Vecchio ở Florence với kiến trúc ấy, khách đến rất đông”, ông Hưng nói.
Bình luận (0)