Câu hỏi lớn về bảo tồn di sản kiến trúc lại được đặt ra: Vì sao một di sản lại dễ dàng bị hạ giải hay làm biến dạng như vậy?
Những trường hợp tương tự đã xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy những điểm chung trong cách ứng xử với di sản của các chủ đầu tư và kể cả cơ quan chức năng địa phương. Tất thảy đặt trên tinh thần đề cao lợi nhuận nhất thời và thiếu sự thành tâm trong những ứng xử với di sản văn hóa. Nói cách khác, những người tự cho mình quyền nắm trong tay khả năng “sinh sát” di sản cộng đồng đã đặt nhẹ giá trị văn hóa để chọn lấy sự dễ dãi và thực dụng đem lại nguồn lợi kinh tế trước mắt. Họ tạo ra những quy trình và kịch bản khá kín kẽ để “tự giám sát” và lách khỏi sự giám sát của công luận quan tâm.
Một trong những “chiêu thức” trong những lập luận đáng chú ý khi vấp phải sự truy vấn của xã hội, đó là các nhà đầu tư thường tìm cách viện dẫn rằng các công trình mà họ mong muốn xóa sổ không nằm trong phạm vi chứng nhận di sản của nhà nước. Về điều này, các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư và giới nghiên cứu di sản văn hóa đã chỉ ra rằng, trên thực tế có rất nhiều công trình được chứng nhận di tích hay di sản lại vì những lý do ngoại vi, không hẳn mang giá trị kiến trúc độc đáo. Trong khi đó vẫn còn rất nhiều công trình có giá trị kiến trúc, gắn bó với tâm thức, ký ức cộng đồng và ghi những dấu ấn lịch sử văn hóa, biểu tượng của các địa phương, mà vì rất nhiều lý do, lại chưa được chứng nhận là di tích hay di sản.
Tuy nhiên, cũng đã có những trường hợp công trình là di sản hẳn hoi đã và sẽ còn sụp đổ dưới nhát búa vô tâm của chính chủ nhân đang sở hữu công trình hay chủ đầu tư tầm nhìn thiển cận, thấy ở đó không gì hơn, là một khối bất động sản, có thể đập đi để kiếm lợi thì nhanh chóng hơn trùng tu.
Các di sản kiến trúc, dù được chứng nhận hay không chứng nhận di sản, cũng đều có thể đứng trước nguy cơ “trùng tu” “cải tạo” nhưng thực ra là làm biến dạng và xóa sổ.
Điều này đặt lại vấn đề về trách nhiệm và cơ chế thẩm định phê duyệt dự án từ cấp quản lý thuộc trung ương. Và tiếp theo đó là trách nhiệm giám sát của cơ quan chức năng địa phương, độ liêm chính và trách nhiệm trước những màn phù phép trong thực tế thi công.
Thay vì minh bạch phương án và thiện chí trong vấn đề bảo tồn thì chiêu thức “nói một đằng làm một nẻo” đang là chuyện nhãn tiền. Dư luận quan tâm nhiều phen chưng hửng khi một công trình được cho là sẽ trùng tu nhưng sau một đêm bị biến dạng và thậm chí xóa sổ. Đặt vào thế “việc đã rồi” và thời gian sẽ xí xóa - tư duy ấy sẽ để lại những vết thương không thể nào bù đắp nổi khi các di sản vô giá sẽ lần lượt biến mất.
Bình luận (0)