Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) vừa có hướng dẫn khá chi tiết, cụ thể về việc cài đặt, sử dụng các ứng dụng EVNHCMC.CSKH trên các thiết bị di động để có thể tra cứu chỉ số điện tiêu thụ, hóa đơn tiền điện, thông tin vận hành, biểu đồ phụ tải, thông tin mất điện cũng như các hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả....
Đây là một việc làm hết sức thiết thực, hiệu quả và có thể giúp giảm sốc cho các khách hàng tại TP.HCM trước khi bước vào cao điểm nắng nóng, hóa đơn tiền điện có nguy cơ tăng vọt.
Còn nhớ cũng khoảng này năm ngoái, hóa đơn tiền điện tăng đột biến do thời tiết và dịch bệnh (học và làm việc trực tuyến tại nhà là chủ yếu) khiến nhiều hộ gia đình sốc nặng. Năm nay, nắng nóng dự báo tiếp tục gia tăng nên nguy cơ tiền điện tăng cũng rất lớn. Thế nên, việc có thể theo dõi lượng điện tiêu thụ dễ dàng, thuận tiện, chưa kể nhà điện còn chia sẻ khá kỹ các "bí kíp" để tiết kiệm điện sẽ giúp các hộ dân có thể điều chỉnh sinh hoạt để làm sao sử dụng điện hiệu quả nhất là rất đáng hoan nghênh.
Quan trọng hơn, việc ứng dụng công nghệ để người dân có thể theo dõi lượng điện tiêu thụ hằng ngày cho thấy, tính minh bạch của ngành điện ngày càng cải thiện. Thực tế, bức xúc của người dân sử dụng điện lâu nay không phải là giá cao giá thấp, hóa đơn tăng hay giảm mà chính là sự mù mờ, rối rắm trong cách tính giá điện từ đầu vào đến đầu ra của nhà điện. Còn dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít; cung ít cầu cao thì giá tăng và ngược lại... là điều tất yếu.
Thế nhưng đó cũng mới chỉ là cái ngọn. Cái gốc để người dân thực sự tin tưởng là biểu giá điện phải đơn giản, dễ hiểu, dễ tính. Còn nhớ cuối năm 2020 khi Bộ Công thương lấy ý kiến về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới với 2 phương án được đưa ra gồm: Phương án 1 là vẫn tính theo bậc thang nhưng giảm một bậc so với biểu giá 6 bậc hiện hành và phương án 2 là cho khách hàng lựa chọn một trong hai cách tính gồm 5 bậc thang hoặc một giá điện thì không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả giới chuyên gia đều kêu trời vì quá khó hiểu và rối rắm. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi không dứt mỗi lần bộ này thay đổi cách tính biểu giá điện. Chưa nói phương án nào lợi hơn cho đa số, phương án nào tối ưu hơn nhưng việc người mua không biết hoặc rất khó khăn để biết món hàng mình mua có được tính đúng, tính đủ hay không là thua rồi. Vì không tính được thì không tin, không tin thì phản đối, thì nghi ngờ. Cũng vì thế, dù ngành điện là đơn vị luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng; thái độ phục vụ cho đến dịch vụ hậu mãi đều có sự cải thiện mạnh mẽ lớn nhưng vẫn chưa thể chiếm trọn niềm tin của người dùng bao năm nay.
Điện là mặt hàng thiết yếu, không chỉ ai cũng phải sử dụng mà nó còn là yếu tố quan trọng trong cơ cấu giá thành sản phẩm, dịch vụ. Thế nên càng đơn giản, thuận tiện thì càng minh bạch. Và khi minh bạch thì chắc chắn, không ai còn sốc vì hóa đơn điện như đã từng xảy nữa.
Bình luận (0)